Chàng trai Hà Nội khoác áo mới cho sách

Từ niềm đam mê đóng sách thủ công truyền thống, chàng trai trẻ Trần Trung Hiếu đã tự mày mò, học hỏi để sáng tạo ra những cuốn sách mang đậm dấu ấn riêng.

Trần Trung Hiếu say mê với nghề đóng sách thủ công truyền thống. Ảnh: Báo điện tử Hà Nội mới.

Trong thời đại công nghệ 4.0, một số nghề thủ công truyền thống tại Việt Nam đang dần bị lãng quên, mai một. Nghề đóng sách (bookbinding) là một nghề đã xuất hiện ở nước ta cách đây hơn 1.500 năm nhưng chưa được nhiều người biết đến và duy trì.

Sáng 13/1, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức buổi trò chuyện chủ đề "Tìm hiểu về nghệ thuật đóng sách thủ công" tại Học viện Thanh thiếu niên.

Trong khuôn khổ chương trình, độc giả có cơ hội trò chuyện với anh Trần Trung Hiếu (24 tuổi) - thợ đóng sách thủ công với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Trong suốt 5 năm nỗ lực, anh đã tạo ra hơn 200 tác phẩm sách đóng thủ công bằng tay và cộng tác với một số nhà xuất bản lớn ở Hà Nội trong nhiều dự án sách đặc biệt.

Cuốn sách Việt Nam sử lược của Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam do Trung Hiếu thực hiện. Ảnh: DT.

Chia sẻ trong buổi trò chuyện, anh Hiếu cho biết nghề đóng sách thủ công được du nhập vào nước ta từ châu Âu, nhưng đã dần mai một và biến mất trước những bước tiến của công nghệ.

Đóng sách công nghiệp cho năng suất lớn và giá thành rẻ. Tuy nhiên, sức sáng tạo, dấu ấn riêng, đặc biệt là độ bền bỉ của cuốn sách vẫn là thách thức mà các sản phẩm làm bằng máy chưa thể tạo ra được. Đây cũng là lý do mà ngay từ khi còn là sinh viên năm 2, Trần Trung Hiếu đã “phải lòng” nghề đóng sách thủ công truyền thống.

Tự mày mò học hỏi từ những nghệ nhân đi trước, anh say mê tìm tòi, nghiên cứu và dần hoàn thiện các kỹ thuật đóng sách, trang trí cổ điển, trong đó chú trọng bọc bìa da và mạ vàng các họa tiết trên gáy hoặc bìa sách.

Một số công đoạn đóng sách thủ công. Ảnh: FB Trần Trung Hiếu.

Các công đoạn cơ bản để đóng ra được một quyển sách gồm 5 bước: đánh giá cuốn sách cần được đóng, dỡ sách, tạo dựng cấu trúc, bọc bìa, trang trí.

Trung bình, anh thường mất khoảng 2 tuần làm việc để hoàn thiện một cuốn sách cơ bản. Còn với các cuốn sách phức tạp hơn trong trang trí và thiết kế thì có khi vài tháng mới hoàn thiện xong, tùy vào mức độ chi tiết của cuốn sách.

Nguyên liệu chính để đóng sách là da dê. Để đóng được sách cần đến rất nhiều dụng cụ như: que xương, dùi lớn, dùi đục, kim, chỉ, dao rọc, búa, bảng gõ nấm, kéo, bút lông phết keo…

Hiện tại, Trung Hiếu đang làm việc tại xưởng đóng sách Sao Bắc và hợp tác cùng Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, thực hiện những ấn bản sách đặc biệt với mong muốn đưa những cuốn sách đóng thủ công đến gần hơn với mọi người, đặc biệt là khơi gợi sự hứng thú của thế hệ trẻ với đóng sách thủ công.

Thu Hương

Nguồn Znews: https://znews.vn/chang-trai-ha-noi-khoac-ao-moi-cho-sach-post1454824.html