'Chặn việc lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân'

Theo ông Phan Trung Lý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, chặn việc lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.

Chiều 20/2, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Bộ TN&MT tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Quy định chặt chẽ để bịt các lỗ hổng pháp luật

GS.TS Phan Trung Lý - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự thảo luật quan trọng bậc nhất điều chỉnh các quan hệ trực tiếp liên quan đến đời sống người dân. Chính vì vậy cần rà soát kỹ hơn để các quy định của Luật đất đai lần này thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp, cụ thể hóa để thực hiện hiệu quả quy định tại điều 54 Hiến pháp năm 2013 “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”. Đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất để bảo đảm phát huy giá trị của đất đai, nguồn tài nguyên quý giá phục vụ cho lợi ích quốc gia, phục vụ cho phát triển đất nước.

“Điều đó cũng có nghĩa là phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Đặc biệt là ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân”, ông Phan Trung Lý cho biết.

GS.TS Phan Trung Lý.

GS.TS Phan Trung Lý.

Theo nguyện Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ở chương 1, 2 của dự thảo luật chưa làm rõ địa vị pháp lý của chủ sở hữu đất đai, mối quan hệ giữa chủ sở hữu và đại diện của chủ sở hữu. Theo quy định của Hiến pháp, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu.

Do đó, ông cho rằng, trong luật lần này cần làm rõ chủ sở hữu có những quyền và trách nhiệm nào; được trực tiếp thực hiện quyền và trách nhiệm nào; ủy quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu những quyền nào; quyền hạn nào của toàn dân với tư cách chủ sở hữu quyết định (thông qua việc trưng cầu ý dân).

Liên quan đến tài chính và giá đất, ông Phan Trung Lý nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất hiện nay, vì thế quy định trong dự thảo luật cần được gia cố thêm, theo hướng thể hiện rõ hơn cơ chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khách quan, chính xác theo tinh thần Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII.

Cụ thể, giá đất, khung giá đất, thời gian tính tiền sử dụng đất khi có quyết định giao đất; quy định về việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa theo hướng tách đất đai ra khỏi giá trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai như những doanh nghiệp khác; doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ được sử dụng đất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương án đã được duyệt.

Quyền của người dân về đất đai phải thấm đượm sâu rộng trong dự thảo luật

Theo GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, tại điều 155, 156 của dự thảo luật, quyền quyết định giá đất cụ thể lại giao cho UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện; thành phần hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cũng không có đại diện của HĐND (cấp tỉnh, cấp huyện). Như vậy, Nhà nước với vai trò đại diện chủ sở hữu nhưng lại giao cho cơ quan hành chính nhà nước quyết định chứ không phải do Quốc hội, HĐND quyết định hoặc được tham gia thành phần hội đồng thẩm định giá đất.

GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp.

GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp.

Ông Phạm Văn Điển đề xuất nên tách riêng quyền đại diện chủ sở hữu và quyền năng quản lý Nhà nước, sau đó thiết kế phân quyền (chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền) cho hai cơ quan tương ứng, quyền đại diện chủ sở hữu thì giao cho Quốc hội, HĐND; quyền quản lý hành chính Nhà nước thì giao cho Chính phủ, UBND các cấp. Như vậy mới đảm bảo tính độc lập, khách quan và hạn chế quyền lực tập trung vào cơ quan quản lý hành chính như hiện nay.

Góp ý vào dự thảo luật, GS.TS Lê Hồng Hạnh - Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, toàn bộ nội dung dự thảo luật chưa cho thấy những thay đổi đột phá trong quản lý và sử dụng đất. Dự thảo vẫn thiên về tăng cường quản lý với cán cân lệch hẳn sang yếu tố siết chặt quản lý nhà nước như các Luật đất đai trước đây.

Theo vị giáo sư, quản lý và sử dụng đất đai không được thực hiện với sự tham gia thực chất của người dân thì khó mang lại hiệu quả và thúc đẩy phát triển. Trao quyền cho người sử dụng đất, cho cộng đồng sử dụng đất là yếu tố mà dự thảo này cần đảm bảo bằng những quyền và nghĩa vụ cụ thể.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

"Đất đai là sở hữu toàn dân thì yếu tố dân chủ, yếu tố quyền của người dân phải thấm đượm sâu rộng trong toàn bộ dự thảo. Các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thấy bóng dáng rõ nét về sự tham gia của người dân, cộng đồng. Việc chuyển nhượng quyền đất, trưng thu, trưng dụng đất trong dự thảo vẫn chưa dựa trên nền tảng "tiếp cận theo quyền", GS Lê Hồng Hạnh nêu ý kiến.

Cũng theo ông, nhiều vấn đề cơ bản, nhiều vướng mắc của quản lý nhà nước về đất đai, về đảm bảo quyền của người sử dụng đất, của doanh nghiệp chống lại tình trạng lũng đoạn, tham nhũng vẫn chưa có được giải pháp luật định mà chỉ trao lại cho Chính phủ.

"Cơ quan soạn thảo là người nắm vững nhất những số liệu, cách xử lý các vấn đề trong suốt hàng chục năm cần chọn giải pháp để luật hóa và điều chỉnh", ông Lê Hồng Hạnh góp ý./.

Kim Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/chan-viec-loi-dung-chinh-sach-dat-dai-de-lam-giau-cho-ca-nhan-post1003139.vov