Chân trời chân sóng

Hơn ba mươi năm trước tôi và những người bạn lần đầu về Cửa Việt. Hồi đó tôi vừa mới tốt nghiệp đại học, bạn bè có người như tôi, có người đã đi làm báo, viết văn. Cùng đi với tôi có Thanh Ngọc (bây giờ đã là nhà văn, Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế), Minh Tự, Đình Đối, Xuân Dũng (nay đều là nhà báo)...

Cảng Cửa Việt, nhìn từ cửa biển -Ảnh: T.N

Chúng tôi theo một chuyến đò máy xuất phát ở bến đò dưới chân cầu Đông Hà. Đón chúng tôi là 2 người bạn học thời phổ thông, quê ở làng Tường Vân, Hoàng Ngọc Mẫn và Trương Văn Ái. Gió từ biển hay từ sông thổi lên mát rượi, xua đi cái nắng mùa hè chói chang. Cửa Việt đón chúng tôi bằng những hàng dương lơ thơ, cồn cát chang chang nắng nối dài đến mép biển. Chân trời căng ra nhức nhối tầm mắt. Chân sóng rút ra cuộn vào nôn nao.

Bấy giờ làng của các bạn tôi nghèo lắm. Cái làng Tường Vân đó, sau này khi đang làm báo tỉnh nhà tôi đã viết bài Đắng lòng hạt muối Tường Vân. Bài đọc trên Đài phát thanh tỉnh hôm trước, hôm sau Mẫn gọi điện bảo, người làng cảm ơn bạn đã nói giùm nỗi lòng của họ. Vậy thôi, cái nghề làm muối và đời diêm dân, nói như tên của một phim tài liệu do đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Chu Hòa làm: Mặn hơn muối. Nhưng đó là chuyện về sau.

Còn trong chuyến đi năm ấy, chúng tôi đã lang thang, từ bờ nam Cửa Việt vào đâu tận, tôi nhớ như là Triệu An, Triệu Lăng... gì đó. Vẫn thế, những làng chài bãi ngang nấp dưới các lùm dương xơ xác. Thuyền nhỏ, lưới nhỏ, cá nhỏ. Những lưng trần loang nắng đọng lại từng vệt mồ hôi muối. Đêm, chúng tôi đốt lửa ngồi bên bờ biển, nướng vỉ cá nhỏ và chai rượu gạo thơm mùi lá chuối khô nút ở miệng chai.

Trái ngược với không gian buổi chiều, đêm ở Cửa Việt như biến hình thành cõi khác. Trăng non hé sáng cả một vùng chân sóng. Biển rì rào, yên tĩnh và thơ mộng quá đỗi. Thanh Ngọc bảo, trời biển đẹp quá, đến mức mình ước có thể chết vào lúc này, ở đây. Đúng là nhà thơ. Minh Tự thì thào, cái tên Cửa Việt chỉ đọc lên thôi cũng nghe ra một niềm rưng rưng. Đình Đối lãng mạn, cứ uống một ly lại chạy ào ra chân sóng, khoát một vòng tay như ôm lấy biển. Chỉ hai người bạn Tường Vân, Mẫn và Ái ngồi lặng im. Tôi không chắc Mẫn và Ái nghĩ gì, có lẽ họ mơ về một Cửa Việt trong tương lai.

Tương lai, vào thời điểm ấy nghĩ sẽ xa xôi lắm. Nhưng không, tôi xa quê song thi thoảng vẫn ngóng tin nhà, thấy Cửa Việt cứ chầm chậm mà đi, mà tới. Dù thị trấn Cửa Việt thuộc huyện Gio Linh được thành lập sớm, vào năm 2005, nhưng nếu chọn mốc khởi điểm cho sự thay đổi ở miền quê chân sóng này hẳn tôi sẽ chọn năm 2010, năm khánh thành cầu Cửa Việt.

Cái ngày mà ước mơ cháy bỏng của người dân ở 2 bờ bắc và nam Cửa Việt trở thành hiện thực. Sau 3 năm khởi công và xây dựng, chiếc cầu bê tông cốt thép sừng sững với chiều dài hơn 800 mét đã nối hai bờ, mở ra một giao lộ mới cho miền duyên hải này.

Nối lại và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển của nhiều xã ở hai huyện Gio Linh ở phía bắc và Triệu Phong ở phía nam. Nhờ chiếc cầu này mà mạng lưới giao thông đường bộ như Quốc lộ 9, Quốc lộ 49, Tỉnh lộ 64, Tỉnh lộ 68...kết nối, trở thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh không chỉ ở Cửa Việt mà còn kéo dài từ Cửa Tùng đến tận phá Tam Giang của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Bờ Nam cảng Cửa Việt -Ảnh: T.N

Vài năm sau, tôi có dịp trở lại, thấy một Cửa Việt như bừng sáng. Thị trấn quy hoạch khang trang, khu du lịch rộng cả trăm héc ta, cầu cảng nhộn nhịp thoi đưa, nhất là phía bờ bắc. Bên bờ nam có chậm hơn chút nhưng vẫn khởi sắc nhìn thấy. Ái, bạn tôi giờ là chủ một nhà hàng ngay sát chân cầu Cửa Việt ở bờ nam, cách đồn biên phòng không xa.

Mẫn sau vài vụ tôm kịp có vốn mua chiếc ô tô chở khách và hàng chạy tuyến Triệu Phong - Lao Bảo. Lần nào ra quê, Ái cũng nhắn tôi về chơi. Mùa nam nắng, ngồi trong nhà hàng của Ái nhìn ra hai mặt là sông và biển. Phía trước có cầu cảng với sân bê tông rộng rãi. Ngày nào cũng có vài chục người phơi cá, mực.

Ái kể, cá nục hấp, phơi khô ở đây giờ đã thành đặc sản, được cả nước biết tới. Một lãnh đạo huyện Gio Linh cũng cho hay, chỉ tính riêng huyện nhà đã có hơn 140 cơ sở làm nghề hấp cá, phơi khô, tạo công ăn việc làm cho cả hàng trăm người. Nghe đâu mỗi ngày xuất khẩu cỡ vài mươi tấn cá, thị trường trong nước và sang tận Trung Quốc. Vậy thôi, miền biển bãi ngang dường như đã lối mở.

Nhưng kỷ niệm sâu đậm nhất với tôi về Cửa Việt là năm 2017. Năm đó, Quảng Trị được ngư dân cả nước biết tới với mẻ cá thu bè vô tiền khoáng hậu, ước 140 tấn, giá trị 6 - 7 tỷ đồng. Nghe tin, tôi cùng kíp quay phim ra thực hiện một phóng sự tài liệu. Tại nhà riêng, ông Lê Văn Hoàng và người con là Lê Văn Tuấn tiếp chúng tôi. Tuấn chính là chủ nhân chiếc tàu may mắn số hiệu QT 90929 trong câu chuyện kể trên.

Tôi cũng lần đầu nghĩ ra cách làm phim không giống ai. Tôi mời tất cả bạn thuyền trong chuyến đi đó và đề nghị các anh cho mượn điện thoại. Tôi cùng anh kỹ thuật viên trong đoàn làm phim mang số điện thoại đó ra tiệm internet sao lưu toàn bộ những clip video quay trong đợt đánh bắt mẻ cá khổng lồ. Từ những clip này tôi đã dựng lại toàn bộ hành trình đánh bắt với tên phim Thợ săn lộc biển.

Hình ảnh rất đắt vì quay trực tiếp mẻ cá ở vùng biển cách đảo Cồn Cỏ chưa tới 10 hải lý. Cá bị vây lưới chiều ngang, chiều rộng vài chục mét, nhiều đến mức không còn chỗ để lách vợt hốt cá. Phim ấn tượng đến nổi, sau khi phát xong, nhiều người xem nhắn tin bảo, hấp dẫn không kém gì phim của Discovery.

Cầu Cửa Việt -Ảnh: T.N

Tôi có bà con bên ngoại xa ở làng Cẩm Thạch, đoạn giữa Ngã Tư Sòng với thị trấn Cửa Việt, nay thuộc xã Thanh An, huyện Cam Lộ. Làng Cẩm Thạch làm bún nổi tiếng, đi vào dân gian:“Tham ăn nên bởi chồng chê/ Cũng vì bún gánh cháo kê chợ Sòng”. Mới đây tôi về thăm vợ chồng anh Cẩm, chị Chuối, mưu sinh mấy mươi năm với nghề làm bún truyền thống ở làng.

Nhìn nhà cửa khang trang, tôi mừng lây. Anh Cẩm kể: Từ ngày đường trước mặt làng thành đường xuyên Á, nối từ chợ Phiên Cam Lộ về cảng Cửa Việt, anh chị ăn nên làm ra hẳn. Thì em tính đi, trước kia 3 - 4 giờ sáng đã phải thức dậy gánh bún hoặc chở xe đạp vào chợ Đông Hà, lên chợ Phiên. Bán đến tận trưa chiều mới xong gánh bún. Nay thì đường sá phong quang, vèo xe máy mươi phút là đến.

Chưa kể bây giờ du khách đông, mùa nắng đi như hội. Bún bán chạy, nhất ở mạn Cửa Việt... Nói đến bún Sòng tôi lại mơ về món bún cá ngừ ở nhà hàng của Ái, dưới chân cầu Cửa Việt. Mơ gì đâu không mơ, nhớ gì đâu không nhớ, lại nhớ món bún cá ngừ. Sóng sánh lát cá thẫm nâu quyện vào ớt xanh đập dập thơm mùi hành tỏi phi, từng sợi bún cứ thấm vào chân răng. Ăn một lần là nhớ đời.

Mà ở đời, phàm cái gì để lại ấn tượng thì nhớ mãi. Như là nỗi nhớ của chuyến lang thang cùng bạn bè cách đây hơn ba mươi năm, không khác lắm với chiều nao mới đây tôi lại về rong chơi miền cửa biển này. Vẫn sóng, vẫn nắng và gió, vẫn những hàng dương xơ xác năm xưa giờ đã thành hàng thành lũy.

Nhiều chỗ được thay bằng những gốc dừa to, lá xanh đan vào mây trắng. Nhìn ra biển Cửa Việt chợt thấy chân trời như gần lại, hòa vào chân sóng đang tràn lên bờ cát. Sóng tràn lên từng đợt, nối nhau không dứt, âm thanh của sóng hòa trong tiếng cười nói của du khách đang dạo chơi bên bờ biển.

Phạm Xuân Hùng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chan-troi-chan-song-185209.htm