Chân dung về thế hệ bị lãng quên tại Hàn Quốc

Tiểu thuyết đồ họa 'Moms' được nhà văn Yeong-shin Ma xây dựng. Cuốn sách từng gây tiếng vang tại Hàn Quốc và thế giới.

Kangaroo tribes là thuật ngữ của Hàn Quốc ám chỉ hiện tượng con cái sống chung với cha mẹ đến khi kết hôn để tiết kiệm tiền. Ước tính, tại xứ sở kim chi, một trong 4 hộ gia đình sinh hoạt theo cách này. Họa sĩ truyện tranh Yeong-shin Ma là một ví dụ.

Khi chuyển ra ngoài, Ma gặp phải cú sốc. “Tôi đã gần 30 tuổi nhưng không rõ việc nhà thực hiện như thế nào. Tôi chẳng thể tưởng tượng nổi nó khó khăn, bực bội khi thực hiện nó".

Ở tuổi 30, Ma bắt đầu học cách cách kỳ cọ nhà tắm, nấu ăn và viết vào tờ kê khai thuế. Trải qua cú sốc này, nam họa sĩ quyết định viết lời thú tội qua cuốn tiểu thuyết đồ họa Moms (tạm dịch: Những bà mẹ).

 Một số nhân vật trong cuốn sách. Ảnh: Drawn and Quarterly.

Một số nhân vật trong cuốn sách. Ảnh: Drawn and Quarterly.

Chạm đến góc khuất của phụ nữ trung niên

Cuốn sách theo chân Lee Soyeon - một phụ nữ gan dạ ngoài 50 tuổi và bạn bè. Họ đều làm mẹ. Trong quá khứ họ đối diện với những đứa trẻ trưởng thành không ngoan, có vài gã bạn trai “khốn nạn” đổi tình lấy tiền hay một số người bạn tồi. Những vấn đề như quấy rối tình dục tại nơi làm việc cũng được miêu tả chân thực trong tiểu thuyết.

Lee Soyeon từng trải qua cuộc hôn nhân tồi tệ với chồng nghiện cờ bạc. Một mình bà nuôi 3 đứa con. Soyeon có mối tình với bạn trai là gã bồi bàn sở khanh, lừa đảo Jongseok. Hắn không giấu Soyeon, công khai hẹn hò với phụ nữ giàu có hơn.

Soyeon không ngừng lo lắng về việc phải chia tay với người tình, thậm chí đánh ghen trên phố khi bắt gặp Jongseok tay trong tay phụ nữ khác.

Bạn thân của Soyeon là Yeonsun - người vướng vào mớ bòng bong với bạn gái mới quen ở phòng tập thể dục. Anh nhận ra cô gái hấp dẫn này là người đồng tính. Hàng loạt rắc rối, suy nghĩ và cách giải quyết được đưa ra trong hơn 300 trang của cuốn tiểu thuyết.

Moms đươc đánh giá là bức chân dung về người lao động khi Soyeon tự khởi xướng cuộc cách mạng nhỏ ở bộ phận quét dọn trong công ty, thành lập công đoàn cho chính họ. Nó còn khắc họa hình ảnh phụ nữ tuổi trung niên khi vướng vào vài mối tình không lành mạnh.

Người phụ nữ trung niên hiếm khi trở thành nhân vật chính trong các tác phẩm văn chương, nghệ thuật ở Hàn Quốc. Họ thường bị bó hẹp trong vai trò “người mẹ vô danh, người hy sinh bản thân cho con cái và gia đình”. Những mặt tối, vui buồn của họ không được đề cập đến trong các phim điện ảnh hay truyền hình.

Moms trở thành tác phẩm tiên phong, chạm đến những góc khuất sâu thẳm, giúp độc giả hiểu thêm về cuộc đời nhiều màu sắc của những người phụ nữ trung niên tại Hàn Quốc.

 Một cảnh minh họa nhân vật chính Soyeon trong căn bếp. Ảnh: Drawn and Quarterly.

Một cảnh minh họa nhân vật chính Soyeon trong căn bếp. Ảnh: Drawn and Quarterly.

Dựa trên ghi chép thật của mẹ tác giả

Nam họa sĩ sống cùng mẹ đến năm 30 tuổi. Chia sẻ với Guardian, anh nói: “Mối quan hệ giữa tôi và mẹ chưa bao giờ tốt. Nhưng sâu thẳm bên trong, chúng tôi luôn cảm thấy có lỗi với nhau”. Anh miêu tả tình trạng này là “một cuộc đình chiến”.

Khi họ sống cùng nhau, mẹ của Ma phải làm tất cả việc trong nhà, từ dọn dẹp đến nấu nướng. Do tính chất công việc, Ma luôn ở nhà và bực bội vì lời cằn nhằn của mẹ. “Với bà ấy, có vẻ như tôi chỉ là kẻ ngu ngốc”, nam họa sĩ viết trong tác phẩm Moms.

Một ngày nọ - khi đang tự làm việc nhà - Ma nhận ra mình muốn hiểu hơn về mẹ. Anh đưa cho bà cuốn sổ trắng và đề nghị mẹ điền toàn bộ hoạt động, suy nghĩ hàng ngày. Chưa đầy một tháng sau, cuốn sổ dày đặc những dòng ghi chú. Nó xoay quanh những chi tiết thường ngày như cuộc sống tình yêu, chuyện với bạn bè, công việc hiện tại.

 Moms chạm đến những góc tối trong cuộc sống của lớp phụ nữ trung niên tại Hàn Quốc. Ảnh: Drawn and Quarterly.

Moms chạm đến những góc tối trong cuộc sống của lớp phụ nữ trung niên tại Hàn Quốc. Ảnh: Drawn and Quarterly.

Sau đó, Yeong-shin Ma biến cuốn sổ ghi chép thành tiểu thuyết đồ họa với tựa đề Moms. Chính vì vậy, tác phẩm Moms của Yeong-shin Ma khi xuất bản lần đầu tiên năm 2015 gây chấn động cho ngành sách tại Hàn Quốc. Mẹ của tác giả cũng có chung cảm xúc này.

“Bà ấy đọc liền mạch cuốn sách của tôi. Sau đó, bà đọc lại lần nữa. Mẹ không cho bất kỳ người bạn nào xem vì xấu hổ. Nó đi sâu vào từng chi tiết một cách tường minh và cặn kẽ”, Ma nói.

Moms là tiểu thuyết đồ họa đầu tiên của Yeong-shin Ma được phát hành bằng tiếng Anh, do Janet Hong dịch. Trước đó, Ma đã xuất bản 11 tập bằng tiếng Hàn Quốc tại quê nhà.

Sau thành công của Moms, Ma tìm kiếm các câu chuyện thật của một số cá nhân tự viết, mua bản quyền và sử dụng nó làm chất liệu cho các tác phẩm của anh.

“Mọi người thường muốn xuất bản những cuốn tự truyện với mong muốn được lắng nghe và thấu hiểu. Tôi tự hỏi đây có phải là việc đầu tiên tôi làm cho mẹ hay không. Nếu đúng, có lẽ cũng là lần đầu tiên tôi trở thành con ngoan. Mẹ thỉnh thoảng vẫn nhắn tin cho tôi, kể về bạn trai hay những việc xảy ra ở chỗ làm. Ngày nào đó, tôi sẽ viết tiếp câu chuyện về bà”, nhà văn Yeong-shin Ma chú thích trong tác phẩm.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chan-dung-ve-the-he-bi-lang-quen-tai-han-quoc-post1126828.html