Chân dung nghệ sĩ Hoàng Lâm Tùng được phong tặng NSND

Nghệ sĩ Hoàng Lâm Tùng, sinh năm 1974 ở Tuyên Quang là Trưởng Đoàn kịch Cổ điển của Nhà hát Kịch Việt Nam được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cùng đợt với Xuân Bắc.

Hoàng Lâm Tùng từng được chọn đóng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nghệ sĩ Hoàng Lâm Tùng là một trong 3 nam nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Việt Nam được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trong lần phong tặng thứ 10 năm 2023. Hoàng Lâm Tùng sinh năm 1974 ở Tuyên Quang. Anh tốt nghiệp lớp diễn viên trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội và về công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam từ năm 1997. Từ đó đến nay, anh đã tham gia và hoàn thành rất nhiều vai diễn trong các vở kịch của Nhà hát. Năm 2008, Hoàng Lâm Tùng được bầu là đoàn phó đoàn kịch 2, năm 2021 được bầu là đoàn trưởng đoàn kịch Cổ điển - Nhà hát Kịch Việt Nam.

Hoàng Lâm Tùng đóng vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong "Sống cùng lịch sử". Ảnh: TL

Nam nghệ sĩ từng tham gia các vở kịch: Hồi chuông cảnh tỉnh, Ả Kave nhà hàng Macxim, Cánh cửa hy vọng, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Ngụ ngôn năm 2000, Đi tìm điều không mất, Bà tỷ phú về thăm quê, Tội lỗi, Linh hồn đông lạnh, Gái hạng sang, Cạm bẫy, Mỹ nhân và anh hùng, Người thi hành án tử, Hàng rào của hai nhà, Đêm của bóng tối, Hamlet, Kiều, Lão hà tiện, Hồng lâu mộng, Thế sự, Thiên mệnh…

Ở lĩnh vực điện ảnh, Hoàng Lâm Tùng cũng ghi dấu ấn với nhiều vai diễn trong các phim: Những người bạn học, Nước mắt đàn ông, Mùa hè chiếu thẳng đứng, Vòng nguyệt quế, Biển trổ hoa vàng, Sống cùng lịch sử, Cuộc đời của Yến, Đừng bắt em phải quên… Trong bộ phim Sống cùng lịch sử do NSND Nguyễn Thanh Vân đạo diễn, Hoàng Lâm Tùng được giao vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chia sẻ về vai diễn Đại tướng, diễn viên Lâm Tùng tâm sự: "Khi nhận vai diễn này, tôi rất áp lực. Áp lực lớn nhất là ngoại hình của tôi không hề giống Đại tướng. Nhưng đạo diễn Thanh Vân có nói với tôi rằng, hình ảnh bộ phim muốn hướng tới không phải là Đại tướng với những quyết sách lớn lao, mà phim sẽ đào sâu vào đời sống tình cảm của Đại tướng.

Đó là cuộc sống đầy nhân văn, tình cảm gắn bó thân thiết giữa Đại tướng với các chiến sĩ... Chính vì thế, yếu tố đóng vai trò quyết định sự thành công của vai diễn không phải là yếu tố ngoại hình. Diễn viên không cần quá giống Đại tướng. Điều quan trọng, diễn viên phải thể hiện được cuộc sống nội tâm bên trong của vị anh hùng- một đời sống đầy lo toan, đầy tình cảm… Tôi đã nhận vai diễn, và đã cố gắng khắc họa đời sống nội tâm nhân vật như thế".

Hoàng Lâm Tùng của thời điểm hiện tại. Ảnh: NHKVN

Theo Hoàng Lâm Tùng, trước khi nhận được vai Đại tướng, anh đã luôn có sự kính yêu đặc biệt đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và khi nhận vai, anh đã phải tìm đọc rất nhiều tài liệu, sách báo, về cuộc sống, con người và sự nghiệp quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với anh đây là vai nặng ký, nhiều thách thức nhất trong hành trình sự nghiệp của mình.

Từng bỏ ý định làm kế toán để theo đuổi giấc mơ nghệ sĩ

Thực tế, con đường đến với nghệ thuật của Hoàng Lâm Tùng khá ly kỳ. Trước khi theo học trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, nam nghệ sĩ đã nhập học trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội được một tháng. Bất ngờ anh nhận được giấy gọi của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Anh lập tức bỏ ý định làm kế toán để theo đuổi ước mơ nghệ sĩ.

Hoàng Lâm Tùng vào giả gái để bòn rút tiền của khách làng chơi trong kịch "Hợp đồng mãnh thú". Ảnh: NHKVN

Thời điểm Hoàng Lâm Tùng mới tốt nghiệp là sân khấu đang lao đao, khán giả quay lưng, một loạt đơn vị kịch nói bắt đầu giải thể. Tuy nhiên, may mắn cho anh là trong vở diễn báo cáo tốt nghiệp, NSND Trọng Khôi khi đó là Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam đã quyết định nhận anh về.

Được đứng trong hàng ngũ của "anh Cả đỏ" làng sân khấu hàng đầu là niềm mơ ước của nhiều diễn viên trẻ, cho nên Hoàng Lâm Tùng hoạt động rất hăng hái. Ngày đó, Nhà hát chỉ có một đoàn biểu diễn nên hầu như vở nào anh cũng tham gia, không vị trí này thì vị trí khác, diễn xuất hoặc hỗ trợ việc gì đó. Bất cứ dạng vai nào Hoàng Lâm Tùng cũng thích. Anh không đặt ra cho mình là chỉ diễn xuất một kiểu nhân vật nào đó, vì mỗi dạng vai có cái hay riêng.

Nhiều đạo diễn chọn giải pháp an toàn, kiểu "trông mặt bắt hình dong" nên thường giao cho anh những vai hiền lành, tốt bụng. Có lẽ chính vì thế mà mãi sau này, khi Hoàng Lâm Tùng đóng vai giả gái để bòn rút tiền của khách làng chơi trong vở kịch Hợp đồng mãnh thú (tác giả Lê Hoàng, NSND Anh Tú đạo diễn), anh mới tạo được ấn tượng trong lòng khán giả. Nhưng vai diễn hay nhất của anh có lẽ là Cận, một nhân vật có lý lịch không tốt, toan tính, vụ lợi trong vở Chia tay hoàng hôn (tác giả Sỹ Hanh, NSND Xuân Huyền đạo diễn). Vẫn khuôn mặt, nụ cười chuyên vai chính diện, song nhân vật Cận của Hoàng Lâm Tùng đã có một diện mạo khác, "đểu từ trong đểu ra". Anh chia sẻ, khi được giao vai, diễn viên phải xây dựng nội tâm nhân vật trước và không phải tạo hình bên ngoài tạo nên tính cách, mà chính là suy nghĩ từ bên trong nhân vật bộc lộ ra.

Hoàng Lâm Tùng trong vai Huấn phim "Thương ngày nắng về". Ảnh chụp màn hình.

Hơn hai mươi năm theo đuổi sàn diễn, Hoàng Lâm Tùng đã tham gia khoảng 10 vai chính. Có vẻ như khi chuyển sang làm đạo diễn, anh nổi hơn. Khát vọng (tác giả Tạ Xuyên, dựa theo truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều) là vở kịch tốt nghiệp lớp đạo diễn sân khấu do chính anh bỏ tiền ra dàn dựng, nhận thấy tác phẩm có chất lượng cho nên Nhà hát Kịch Việt Nam mua lại và đưa vào dàn kịch mục của đơn vị. Ngay khi ra mắt tại Liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2016, vở diễn đã giành giải bạc và Hoàng Lâm Tùng nổi lên như một đạo diễn trẻ nhiều triển vọng.

Sau đó, Khát vọng được chọn tham gia Liên hoan Sân khấu thanh niên La Hồ - Thẩm Quyến (Trung Quốc) đã đoạt 6 giải thưởng: Vở diễn xuất sắc, Kịch bản xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Thiết kế sân khấu xuất sắc, Nữ diễn viên xuất sắc, Nam diễn viên xuất sắc.

Diễn viên Lâm Tùng bộc bạch, anh rất hài lòng với những gì đã làm được mặc dù không phải việc gì cũng toàn vẹn. Con đường nghệ thuật của anh tuy không quá rực rỡ nhưng điềm đạm, bền vững và có màu sắc riêng. Có thời, anh đóng nhiều phim truyền hình, trở thành gương mặt thân quen của khán giả. Anh tâm sự: "Theo nghệ thuật, có thể tôi không dư dả về kinh tế nhưng lại giàu có về nhiều thứ khác. Tôi thấy hạnh phúc vì những gì nghề nghiệp đem lại cho tâm hồn, trái tim mình".

Theo Khánh Đăng/Dân Việt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/giai-tri/chan-dung-nghe-si-hoang-lam-tung-duoc-phong-tang-nsnd-1950305.html