Chăn cừu là một nghệ thuật

Thông qua mối quan hệ giữa người chăn cừu và đàn cừu, tác giả Robert Moor muốn nêu lên thông điệp về sự đoàn kết của các cá thể để tới một cái đích chung.

Ảnh minh họa. Nguồn: Farming UK.

Một đường mòn hình thành khi một nhóm cá thể đoàn kết lại đi tới một đích đến chung. Do đó, nhiều đường mòn kỳ vĩ nhất của thế giới động vật đến từ các đàn thú lớn cả khả năng cố kết và phối hợp với nhau nhuần nhuyễn - voi, bò, rừng, một hỗn hợp nhiều loài móng guốc của châu Phi.

Tuy vậy, dẫu có bao nhiêu nghiên cứu khoa học cao xa, chúng ta vẫn chỉ hiểu lờ mờ về cách hoạt động của bầy đàn động vật. Khi bắt đầu nghiền ngẫm kỹ hơn về động lực của bầy đàn, tôi chợt nhận ra loài người đã có cả thiên niên kỷ sống gần gũi và nghiên cứu một loài vật sống theo bầy: loài cừu hiền lành, giản dị. Nhằm quan sát cách cừu hợp tác với nhau để mở đường mòn - và hơn nữa là cách người với cừu hợp tác làm thay đổi cảnh quan - tôi quyết tâm thử chăn cừu một phen.

Trong bản chất mỗi con cừu đều tồn tại mâu thuẫn cố hữu giữa sự ngoan ngoãn và hỗn loạn. Đứa trẻ nào cũng biết cừu là loài vật sống bầy đàn kiểu mẫu; quả thật, từ cừu (sheep) cũng gần như đồng nghĩa với kẻ hay mù quáng đi theo người xung quanh. Đặc điểm này khiến Aristotle coi cừu là “loài vật ngớ ngẩn và ngu ngốc nhất trần đời”.

Ấy thế mà, trong những tuần tôi dành ra để làm người chăn cừu vào mùa xuân năm 2014, tôi vỡ lẽ ra rằng càng hiểu rõ về cừu, ta càng thấy chúng ít giống cừu hơn. Trên thực tế, mỗi cá thể cừu có cá tính và tính khí riêng. Một số con thì ương ngạnh và (khá) đơn độc, trong khi con khác lại nhút nhát và cứ bám sát đồng bọn trong bầy. Dẫu sao đi nữa, chúng vẫn phối hợp nhịp nhàng đến độ mà đôi khi cả đàn di chuyển như một thể thống nhất.

Nhà tự nhiên học Mary Austin - người từng dành ra hai thập kỷ để quan sát và trò chuyện với những người chăn cừu ở California - đã viết rằng bầy đàn bao giờ cũng được tạo nên từ “Thủ lĩnh, nhóm ở giữa và nhóm theo đuôi”. Thủ lĩnh đầu đàn; nhóm ở giữa cứ ở giữa và nhóm đi chót. Một cá thể cừu thường giữ một vai trò duy nhất, Austin viết, và bởi vì có thể dùng thủ lĩnh để lèo lái đàn cừu, người chăn cừu thường dành sự chăm sóc đặc biệt cho chúng, cứu chúng ra khỏi cảnh bị giết mổ để “dạy khôn” cho thế hệ tiếp theo. Một vài anh chàng thậm chí còn đặt tên chúng theo tên bạn gái của họ.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, động lực trong bầy không đơn giản như Austin mô tả. Có khá nhiều thủ lĩnh trong một đàn duy nhất, mỗi con nhận lấy trọng trách trong từng tình huống khác nhau. Lạ lùng hơn, tôi bắt đầu để ý có một số cá thể dường như có nhu cầu được xem là thủ lĩnh của bầy - khi bầy không tuân theo sự dẫn dắt của chúng nữa mà đổi hướng, chúng sẽ chạy vội lên phía đầu đàn, như một chính trị gia loay hoay cố giữ vững vị thế đi đầu với đoàn cử tri liên tục thay đổi.

Tương tự, quan hệ giữa người chăn cừu và đàn cừu trong thì thế nhưng cũng không được xác lập rõ ràng. Người chăn cừu không phải chủ nhân của đàn cừu; thay vào đó, người chăn cừu và đàn cừu tham gia vào một cuộc đàm phán kéo dài, luân phiên chống lại nhau và hợp tác với nhau, phút trước còn hòa hợp thì phút sau đã hục hặc bất hòa.

Một vài người chăn cừu dám khẳng định rằng họ có thể điều khiển bầy cừu bằng lời nói hay tiếng huýt sáo, và có thể họ làm được thật, nhưng cơ chế báo hiệu duy nhất mà bầy cừu và tôi cần tới là ngôn ngữ của không gian: nếu tôi lại gần chúng quá mức, chúng sẽ nhích ra xa. Bằng cách này, tôi có thể định hình cho chuyển động của chúng, nhưng chỉ lờ mờ thôi, như một đám khói ấy. Bản chất của việc chăn cừu không phải là sự chi phối, mà là một vũ điệu.

Robert Moor/NXB Phụ Nữ Việt Nam & Huy Hoàng Bookstore

Nguồn Znews: https://znews.vn/chan-cuu-la-mot-nghe-thuat-post1472312.html