Chăm sóc sức khỏe tinh thần và tư vấn hướng nghiệp: Cần phải hoạt động 'đậm nét'

Những năm gần đây, hoạt động tham vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần; tư vấn hướng nghiệp cho học sinh được các trường THPT ở TP.HCM quan tâm nhiều, nhưng vẫn chưa thực sự đậm nét.

Sáng 26/12, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) tổ chức hoạt động ngoại khóa giáo dục pháp luật, kỹ năng sống; tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh đại học năm 2024.

Đưa thông tin bổ ích đến với học sinh

Bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) cho biết, chủ đề ngoại khóa lần này là “Stress và quản lý stress” và “Dự phòng bệnh tật thường gặp ở học sinh”.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tham gia hoạt động ngoại khóa. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Theo bà Hiền, học sinh phải đối mặt với nhiều áp lực, gây ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất, dẫn đến thần kinh căng thẳng, mệt mỏi, chán chường, mà chúng ta thường gọi là stress.

“Thông qua những buổi ngoại khóa, tôi mong mỗi học sinh có thể hiểu rõ hơn về bản thân, giúp học sinh có thể cởi mở chia sẻ, tâm sự với thầy cô, gia đình, bạn bè để giảm bớt áp lực. Stress sẽ luôn hiện diện trong cuộc sống chúng ta, nhưng cách phản ứng và quản lý stress của chúng ta mới đóng vai trò quyết định liệu chúng ta có bị đánh bại bởi stress hay không”, bà Hiền chia sẻ.

Theo bà Hiền, bên cạnh chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý; hoạt động tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh đại học năm 2024 cũng được học sinh quan tâm và thích thú.

Học sinh lớp 12 phấn khởi sau mỗi buổi ngoại khóa. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Trung Nghĩa, học sinh lớp 12 chuyên Anh, cho biết, sau khi thi học kỳ, trường thường xuyên tổ chức những buổi ngoại khóa tư vấn hướng nghiệp và cách để học sinh tự chăm sóc sức khỏe, giảm bớt áp lực trong học tập và cuộc sống.

“Sau tốt nghiệp lớp 12, em có dự định đi du học ngành tài chính hoặc quản trị kinh doanh. Vì vậy những hoạt động tư vấn hướng nghiệp, kỹ năng sống, tự chăm sóc sức khỏe mà trường tổ chức sẽ giúp ích rất nhiều cho em trong tương lai”, Trung Nghĩa nói.

Cùng quan điểm đó, Thục Anh – lớp 11A cho rằng: “Hoạt động tư vấn hướng nghiệp giúp em và các bạn có thể lựa chọn trường tốt nhất để học ngành mà mình yêu thích”.

Liên quan đến hoạt động tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp cho học sinh, ông Trần Ngọc Huy, Phó phòng Giáo dục trung học Sở GD&ĐT TP.HCM nhận định, đây là hoạt động được Chính phủ, các cấp ban ngành quan tâm sâu sắc trong nhiều năm trở lại đây. Các hoạt động đó không chỉ được thể hiện cụ thể bằng các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước mà còn ở việc thành lập và hình thành nhiều quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.

“Để đạt được kỳ vọng, công tác tư vấn hướng nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp; các hoạt động tham vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh cần được quan tâm nhiều và "đậm nét" hơn”, ông Huy đánh giá.

Tư vấn hướng nghiệp giúp học sinh có thể định hướng được nghề nghiệp trong tương lai. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Theo ông Huy, học sinh THPT cần được trang bị kiến thức về khởi nghiệp, hoạch định tương lai nghề nghiệp cho bản thân, phát huy tính năng động, đổi mới sáng tạo, khơi đậy đam mê và giúp học sinh đạt được ước mơ của mình.

Chắp cánh ước mơ đến 40 trường THPT của TP.HCM

Thực hiện đề án của Chính phủ, kế hoạch của Bộ GD-ĐT đồng hành cùng các nhà trường trong công tác định hướng nghề nghiệp và trang bị kiến thức khởi nghiệp, khơi gợi đam mê, tinh thần đổi mới sáng tạo của học sinh, ngày 25/12, Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp cùng Báo Giáo dục và Thời đại ra mắt Chương trình “Chắp cánh ước mơ” năm học 2023 - 2024".

Chương trình ‘Chắp cánh ước mơ' sẽ được tổ chức dưới nhiều hình thức tại 40 trường THPT trên địa bàn TP.HCM với các chuyên đề, chủ đề như: Tinh thần khởi nghiệp trong kỷ nguyên số; Tìm hiểu và phát triển đam mê của bản thân; Đánh thức giấc mơ của bạn; Ứng xử thông minh với mạng xã hội; Kỹ năng thích ứng và phòng tránh bạo lực tâm lý trên mạng; kỹ năng thích ứng và học tập hiệu quả ở môi trường đại học.

Ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại lễ ra mắt chương trình. (Ảnh: H.Phúc)

Chương trình cũng có sự tham gia của nhiều diễn giả, chuyên gia trong lĩnh vực hướng nghiệp, khởi nghiệp, tư vấn tâm lý.

Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) nhận định, trong những năm qua, hoạt động hướng nghiệp, khởi nghiệp ở các nhà trường phổ thông đã có nhiều giải pháp tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ làm công tác hướng nghiệp chủ yếu là kiêm nhiệm.

Theo ông Quế, tình trạng chọn nhầm nghề, ngồi nhầm trường diễn ra thường xuyên, dẫn đến việc nhiều sinh viên bỏ học giữa chừng, lãng phí thời gian, tiền bạc. Tâm lý của học sinh, phụ huynh sính bằng cấp còn khá phổ biến.

Ông Quế đánh giá, chương trình rất ý nghĩa, thiết thực, phù hợp với việc triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”.

"Tôi tin tưởng rằng, các em học sinh THPT ở TP.HCM sẽ nhận được nhiều thông tin bổ ích từ chương trình, từ đó có định hướng học tập, hướng nghiệp đúng đắn. Sau khi triển khai hiệu quả tại TP.HCM, chương trình sẽ tiếp tục được nhân rộng đến các tỉnh thành khác trong cả nước, để tất cả học sinh được thụ hưởng lợi ích từ chương trình”, ông Quế hy vọng.

Lâm Ngọc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cham-soc-suc-khoe-tinh-than-va-tu-van-huong-nghiep-can-phai-hoat-dong-dam-net-164366.html