Chăm lo những 'cột mốc chủ quyền' trên biển

Hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân, làm chỗ dựa cho ngư dân vươn khơi bám biển mưu sinh, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc là nhiệm vụ quan trọng được lực lượng hải quân, cảnh sát biển (CSB) triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Với những việc làm trách nhiệm, nghĩa tình đó, cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân và Vùng CSB 3 được cấp ủy, chính quyền, nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển tin yêu, quý mến.

Hiểu luật biển để vững tâm bám biển

Bãi biển Đồng Hòa, xã Long Hòa (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) một ngày cuối tháng 8. Trong không khí rộn ràng mừng Tết Độc lập, đông đảo đoàn viên, thanh niên, ngư dân địa phương có mặt từ sáng sớm để nghe tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến biển, đảo Việt Nam; nhận quà và cờ Tổ quốc của bộ đội trao tặng. Đây là các hoạt động trong Chương trình dân vận “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, do Bộ tư lệnh Vùng CSB 3 tổ chức.

Cán bộ Vùng Cảnh sát biển 3 trao quà và cờ Tổ quốc tặng ngư dân huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận).

Trực tiếp đảm nhiệm nội dung tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, Trung tá Vũ Thái Anh, Phó trưởng phòng Pháp luật (Vùng CSB 3) đã thông tin về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới; những nội dung cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam...

Đặc biệt, khi tuyên truyền về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thông tin viên nhấn mạnh những giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để gỡ thẻ vàng của Liên minh châu Âu đối với hải sản Việt Nam và trách nhiệm của ngư dân khi tham gia đánh bắt hải sản...

Trung tá Vũ Thái Anh chia sẻ: “Những nội dung tuyên truyền, chúng tôi chuẩn bị rất kỹ, chắt lọc thông tin ngắn gọn, dễ hiểu và hướng dẫn, giải thích, có ví dụ từng trường hợp cụ thể sát với đặc điểm hoạt động trên biển và chế tài xử phạt tương ứng để bà con chấp hành nghiêm túc, hạn chế thấp nhất sai phạm xảy ra”.

Bằng nhiều cách làm đa dạng, phong phú, thiết thực, hiệu quả, như: Tuyên truyền tập trung trong hội trường, đến từng tàu hướng dẫn những điểm cốt lõi về đánh bắt hải sản kết hợp bảo vệ môi trường, phát tờ rơi... cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 3 từng bước làm thay đổi nhận thức của ngư dân, trang bị những kiến thức bổ ích giúp ngư dân yên tâm bám biển mưu sinh.

Bộ tư lệnh Vùng CSB 3 đã ký kết phối hợp và triển khai chương trình phối hợp của Bộ tư lệnh CSB Việt Nam với hầu hết các tỉnh ủy, ban tuyên giáo, ban dân vận các tỉnh ven biển và lực lượng biên phòng, hải quan, kiểm ngư... để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân.

Theo Đại tá Lê Văn Tú, Chính ủy Vùng CSB 3: Kết hợp nhiều hình thức, phương pháp thích hợp sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân khai thác hải sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật, gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển.

Cũng tập trung tuyên truyền, giúp ngư dân hiểu và tuân thủ pháp luật trên biển, Vùng 2 Hải quân thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” tại các tỉnh: Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang; giới thiệu những làng chài, âu tàu trên quần đảo Trường Sa sẵn sàng hỗ trợ ngư dân khi cần thiết...

Ông Đặng Quốc Thùy, chủ tàu Hòa Bình BLTX-93179, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải (Bạc Liêu), bộc bạch: “Từ khi được các anh bộ đội hải quân, CSB phổ biến pháp luật liên quan đến biển, đảo và cách xử trí các tình huống thường gặp trên biển, chúng tôi hiểu hơn về các quy định của pháp luật, từ đó vững tâm bám biển mưu sinh”.

Gắn kết tình quân - dân

Cuối tháng 7 vừa qua, Vùng 2 Hải quân đã phối hợp với UBND 3 tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh tổ chức triển khai Chương trình “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân” và thực hiện Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”.

Thực hiện chương trình, đơn vị nhận đỡ đầu 15 cháu là con ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cho đến khi đủ 18 tuổi; tặng ngư dân mỗi tỉnh 300 lá cờ Tổ quốc, 100 áo phao cứu sinh và 100 túi thuốc y tế đi biển; tặng xe đạp, đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm học sinh nghèo; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con ngư dân địa phương... Từ nhiều năm nay, những hoạt động này đã trở nên thân thuộc với bà con các tỉnh ven biển, thiết thực gắn kết tình quân dân ấm áp.

Cán bộ Vùng 2 Hải quân trao quà và cờ Tổ quốc tặng ngư dân huyện Trần Đề (Sóc Trăng).

Câu chuyện của gia đình chị Võ Thị Liên, ngụ tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) khiến nhiều người xúc động, Cách đây hơn 2 năm, trong một trận cuồng phong của biển, chồng chị gặp nạn vĩnh viễn không về. Không nhà, phải ở nhờ người thân, các con thơ dại, đang tuổi đến trường, chị Liên suy sụp tưởng chừng không gượng nổi. Đúng lúc gia đình chị cùng quẫn nhất thì cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân kịp thời có mặt, nhận đỡ đầu, hỗ trợ kinh phí nâng bước con chị đến trường.

Chị Võ Thị Liên, tâm sự: “Ai rơi vào hoàn cảnh mẹ góa, con côi, thiếu thốn trăm bề như tôi mới thấm thía câu nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Những tình cảm và sự động viên, giúp đỡ kịp thời, quý báu của các anh bộ đội hải quân đã tiếp thêm động lực cho mẹ con tôi lấy lại tinh thần, nỗ lực vượt qua cơn bĩ cực”.

Để hỗ trợ tối đa cho các gia đình ngư dân khó khăn, Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân chủ động liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đồng hành, huy động nguồn tài trợ bằng vật chất, kinh phí để duy trì việc chăm lo, đỡ đầu theo kế hoạch.

Cũng với tình cảm giúp đỡ, sẻ chia, Bộ tư lệnh Vùng CSB 3 thiết thực hỗ trợ ngư dân cả trên bờ, dưới biển. Những phần quà, tủ thuốc y tế, phao cứu sinh... được trao tận tay các thuyền viên trước lúc vươn khơi; mỗi năm, lực lượng Vùng CSB 3 tham gia cứu hộ, cứu nạn hàng chục vụ tàu cá ngư dân xảy ra sự cố trên biển, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân; mỗi chương trình dân vận, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ CSB tham gia trồng cây xanh, đắp bờ đê chắn sóng, dọn vệ sinh bãi biển...

Tất cả những việc làm đó chỉ nhằm một mục đích bảo vệ, chăm lo đời sống, sức khỏe, tinh thần của những “cột mốc chủ quyền” trên biển và hậu phương, gia đình của họ với tinh thần “Mỗi con tàu là một cột mốc chủ quyền, mỗi ngư dân là một chiến sĩ giữ biển”.

Bà Phạm Thị Na, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhấn mạnh: “Nghĩa tình của Bộ đội Cụ Hồ đối với nhân dân nói chung và ngư dân các tỉnh ven biển nói riêng đã góp phần gắn kết tình quân dân bền chặt, là cơ sở, nền tảng xây dựng thế trận lòng dân trên biển, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH - TIẾN ĐỊNH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/cham-lo-nhung-cot-moc-chu-quyen-tren-bien-741297