Chăm lo đời sống người dân A.T.K

Trong bài thơ Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu nhiều lần khắc họa tình cảm thủy chung, son sắt của người dân vùng chiến khu cách mạng với Đảng, Bác Hồ và của Đảng, Bác Hồ với người dân vùng chiến khu: 'Rừng thu trăng rọi hòa bình/Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung'. Năm tháng đi qua, để tri ân tấm lòng chở che cách mạng của người dân vùng chiến khu a.t.k năm xưa, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo đời sống bà con.

Quan tâm đầu tư về hạ tầng

Xã Tân Trào (Sơn Dương) những ngày thu tháng Tám hiện ra với sự đổi thay đến ngỡ ngàng. Bên cạnh Dự án Làng Văn hóa du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào (Dự án Flamingo Tân Trào) đang được đầu tư xây dựng, tỉnh đang có chủ trương mở mới tuyến đường từ thị trấn Sơn Dương đi xã Tân Trào với chiều dài khoảng 10,3 km. Ngoài ra, các cơ quan chức năng đang tiến hành khảo sát để cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã Tân Trào đến Khu di tích lịch sử Tân Trào.

Đồng chí Hà Hữu Tiệp, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào cho biết, năm 2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tân Trào được cấp trên 800 triệu đồng để làm đường bê tông nông thôn, 100 triệu đồng để sửa chữa nhà văn hóa thôn Tân Lập, 150 triệu đồng để xây dựng cổng, hàng rào nhà văn hóa thôn Vĩnh Tân, Mỏ Ché, 100 triệu đồng xây dựng đường điện thắp sáng và trồng cây xanh tại thôn Vĩnh Tân. Phòng khám đa khoa khu vực Tân Trào cũng vừa khởi công để nâng cấp. Các trường học trên địa bàn xã đều đạt chuẩn quốc gia. Nhằm phát triển du lịch cộng đồng, vừa qua, 9 hộ dân tại thôn Tân Lập được hỗ trợ kinh phí 80 triệu đồng/hộ để sửa chữa, nâng cấp nhà ở, cổng vào nhà để phục vụ phát triển du lịch homestay.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) đầu tư chỉnh trang nhà ở để phát triển du lịch cộng đồng.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) đầu tư chỉnh trang nhà ở để phát triển du lịch cộng đồng.

Về xã Trung Minh (Yên Sơn) giờ đây thật thuận lợi khi được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư đường giao thông thông suốt từ Hùng Lợi - Trung Minh - Linh Phú. Hiện nay, 8/8 thôn đều có nhà văn hóa, trường học, trụ sở UBND xã, trạm y tế được xây dựng kiên cố. Đồng chí Lý Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND xã cho biết, năm 2023, xã được đầu tư và đã hoàn thành tuyến đường bê tông thôn Khuổi Bốc, tổng đầu tư trên 1,7 tỷ đồng và đang thi công tuyến đường từ thôn Bản Pình đi thôn Vàng On giai đoạn 1 chiều dài 2,5 km, tổng mức đầu tư trên 13 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, xã cũng đang được đầu tư xây dựng nhà công vụ, nhà bếp, công trình vệ sinh, giếng khoan, tường rào trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS. Ông Chu Văn Tình, thôn Bản Pình cho biết: “Đường giao thông trong thôn giờ đây được bê tông hóa trên 90%, người dân đi lại thuận lợi hơn rất nhiều. Nhân dân có điện lưới và nước sạch để phục vụ sinh hoạt. Nhà văn hóa được đầu tư đảm bảo nhu cầu của nhân dân. Tôi rất phấn khởi khi thôn ngày càng đổi thay”.

Những năm qua, nhằm tạo động lực và đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các xã vùng ATK, từ Trung ương, tỉnh, huyện đã ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện, nâng cấp và xây dựng hạ tầng như: giao thông, điện, trường học, trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, thiết chế văn hóa tại các xã này. Diện mạo của các xã ATK ngày càng có nhiều sự đổi thay, khang trang. Tỷ lệ bê tông hóa đường giao thông nông thôn, liên thôn, nội đồng được nâng lên, kênh mương được kiên cố hóa. Thiết chế nhà văn hóa được đầu tư đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giao lưu văn hóa của người dân. Hạ tầng y tế, trường học được đầu tư từng bước đạt chuẩn, tạo thuận lợi chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Điện lưới quốc gia được kéo về tới tận những thôn xa xôi nhất.

Nâng cao thu nhập và mức sống của Nhân dân

Tại các xã ATK, nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, việc làm, thu nhập và hỗ trợ nhân dân được triển khai hiệu quả. Công tác chuyển giao, tập huấn, hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng được chú trọng nhằm hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm OCOP.

Xã Tân Trào (Sơn Dương) hiện có 407/1.255 hộ có mức sống khá giàu. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn chiếm trên 5%, hộ cận nghèo chiếm trên 6%. Trên địa bàn xã hiện có nhiều mô hình kinh tế cho giá trị kinh tế khá như trồng dưa chuột, trồng chè. Hiện toàn xã có 5 sản phẩm được cấp nhãn hiệu có mã số, mã vạch, trong đó có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao là: mật ong Tân Trào, rượu men lá và sản phẩm Tâm trà. Ngoài ra, nhiều hộ có mức thu nhập khá từ làm du lịch cộng đồng.

Bà Bế Thị Chín, người dân thôn Tân Lập cho biết, sau khi được Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng, gia đình bà chỉnh trang nhà cửa để đón khách du lịch, cải tạo vườn rau ngót rừng, chăm sóc tre lấy măng và trám để tạo ra các sản phẩm cung cấp cho du khách. Hiện homestay của gia đình bà có thể phục vụ 30 du khách ngủ, nghỉ.

Đường bê tông nội đồng thôn Cảy, xã Minh Thanh (Sơn Dương) vừa được đầu tư và đưa vào sử dụng.

Đường bê tông nội đồng thôn Cảy, xã Minh Thanh (Sơn Dương) vừa được đầu tư và đưa vào sử dụng.

Đời sống của người dân xã Minh Thanh (Sơn Dương) những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Từ việc triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, người dân ở nơi đây từng bước có cuộc sống ấm no. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã đã quan tâm hỗ trợ vốn vay để giúp hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tổng dư nợ toàn xã hiện nay gần 3 tỷ đồng cho hàng trăm hộ vay vốn. Kinh tế rừng hiện đang giữ vai trò chủ lực, toàn xã có 2.093 ha rừng, trong đó, rừng tự nhiên là 272 ha, rừng trồng sản xuất trong Nhân dân là 1.821 ha.

Diện tích rừng được hỗ trợ giống keo lai mô theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh trên 74 ha. Ông Vũ Đức Dương, thôn Cò là một trong những hộ có kinh tế khá giả nhất ở Minh Thanh nhờ trồng rừng. Gia đình ông Dương có 6 ha rừng sản xuất đã cho khai thác. Mỗi năm, gia đình ông khai thác khoảng 2 ha, trừ chi phí cho thu lãi 100 triệu đồng/ha. Ông Dương chia sẻ, được Đảng, Nhà nước quan tâm nên ông được tham gia nhiều lớp hướng dẫn, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng rừng. Từ đó, ông áp dụng vào trồng rừng, ông trồng theo mật độ được hướng dẫn, bón phân, cuốc hố theo đúng kỹ thuật. Nhờ đó, sản lượng gỗ khai thác năm sau cao hơn năm trước.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hứa, Bí thư Đảng ủy xã Minh Thanh cho rằng, quan tâm, chăm lo đời sống người dân là nhiệm vụ quan trọng nhất, là mục tiêu xuyên suốt mà Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của cấp trên đều được triển khai đúng, đủ, kịp thời đến Nhân dân

Quả thật, nếu ai có dịp trở lại các xã ATK trên mảnh đất xứ Tuyên đều cảm nhận rõ sự đổi thay từng ngày của nơi đây. Điều đó càng khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đời sống người dân vùng chiến khu cách mạng.

Bài, ảnh: Thủy Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/cham-lo-doi-song-nguoi-dan-atk-178712.html