Chậm lại một chút…

Thất thu bạc triệu mỗi ngày khi cửa hàng phải đóng cửa, nhân viên không có việc làm, trong khi chủ cửa hàng vẫn phải trang trải mọi thứ cho cuộc sống. Điều này xảy ra với hầu hết người dân trong mùa dịch, từ chủ doanh nghiệp, nhà hàng, đến các quán cắt tóc gội đầu, thậm chí là lao động phổ thông, giúp việc theo giờ…

Vì thế, thông tin Hà Nội cân nhắc nới lỏng một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19, một số cơ sở kinh doanh thiết yếu cũng dự kiến sẽ được hoạt động trở lại … là điều mà giờ ai cũng ước ao, ai cũng mong mỏi từng giây phút. Tuy nhiên, để vừa an toàn cho sản xuất kinh doanh, vừa ổn định cuộc sống người dân, theo các chuyên gia, đây là hai nhiệm vụ khó chu toàn trong thời điểm này.

Tại TPHCM, các cơ sở kinh doanh, người dân và doanh nghiệp nóng lòng trở về cuộc sống bình thường mới hơn bất cứ nơi đâu, bởi họ đã trải qua kỳ giãn cách xã hội hơn 20 ngày qua. Bao dồn nén chưa được tháo gỡ, chính quyền thành phố vừa phải ra Chỉ thị số 10, siết chặt thêm một bước các biện pháp về giãn cách xã hội, nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, sẽ làm cho tất cả bức bối. Thế nhưng, trước biện pháp siết chặt mà thành phố vừa đưa ra, người dân đa số đã đồng tình, ủng hộ. Nhiều người còn ví von một cách hài hước rằng: “thà một lần đau” để chặt đứt dịch, mới hy vọng sống bình yên những ngày phía trước.

Bạn tôi đang ở “tâm dịch” quận Bình Tân, có chồng làm bếp, vợ bán hàng thời trang trên phố, qua ba, bốn đợt dịch, hai đợt giãn cách, anh chị không biết xoay xở thế nào, dù chỉ là lo cơm ăn hằng ngày. Với họ, kiếm tiền để rồi dịch bệnh triền miên, con cái không được đến trường, công việc đứt quãng, không được gặp gỡ bạn bè, về quê thăm bố mẹ, thì cuộc sống không còn ý nghĩa nữa.

Với lãnh đạo thành phố, tôi nghĩ họ hiểu hơn ai hết những tâm tư, mong muốn của người dân; Họ cũng biết hơn ai hết những mất mát mà địa phương đang hứng chịu mỗi ngày. TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước và vì vậy, đây cũng là nơi thiệt hại nặng nề nhất trong đợt bùng phát COVID-19 lần thứ 4 này.

Lúc này, đầu tàu “đang bệnh” và liều thuốc mạnh là Chỉ thị số 10 được lãnh đạo TPHCM đưa ra để “bắt bệnh” là cần thiết. Cấm hoạt động phương tiện công cộng, cấm chợ cóc, tụ tập không quá 3 người… cùng với chiến dịch tổng lực xét nghiệm và tiêm vắc- xin được tài trợ sẽ giúp thành phố sớm “khỏe mạnh” trở lại. Vì vậy, dù mất mát, đau thương nhiều, người dân cần có cái nhìn tổng quát hơn, chậm lại một chút, để chắc hơn, xem việc giãn cách như là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với thành phố.

Bài học của Đà Nẵng sau 10 ngày nới lỏng và giờ để dịch bùng phát trở lại trong phút chốc lơ là vẫn còn đó. Muốn bình thường mới cũng phải an toàn. Điều mà chính quyền thành phố cần nhất lúc này, theo tôi, là sự đồng lòng, ý thức tự giác, tuân thủ các quy định của người dân.

Chính quyền không cần dùng đến các biện pháp khống chế, còn người dân không phải thực hiện theo cách đối phó. Vì suy cho cùng, xử lý được COVID-19, cũng là nhằm đưa cuộc sống của chính người dân trở về trạng thái bình thường. Vậy thì, chúng ta tiếc gì để không chậm lại một chút?

Ngọc Lâm

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cham-lai-mot-chut-post1347876.tpo