Chậm hoàn thuế, doanh nghiệp không còn vốn để kinh doanh

Vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng là chủ đề 'nóng', không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà các doanh nghiệp nước ngoài cũng liên tục phản ánh trong các hội nghị đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp thời gian gần đây. Số tiền chậm hoàn thuế có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, khiến nhiều doanh nghiệp đang rơi vào thế đường cùng khi không còn vốn để kinh doanh.

Mặc dù Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã có văn bản đôn đốc Cục thuế các tỉnh, thành phố về đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), tuy nhiên tiến độ còn chậm. Tổng cục Thuế cho biết, tổng số tiền được dành cho quỹ hoàn thuế VAT của năm nay là 186.000 tỷ đồng, nhưng hiện tại mới chỉ hoàn thuế được 1/4 dự toán.

Doanh nghiệp khó khăn vì chậm hoàn thuế

Ông Lê Mạnh, Chủ tịch HĐTV Công ty Leglor, TP Hồ Chí Minh thông tin: Công ty đang rất trông chờ được tiếp cận số tiền hơn 30 tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT. "Nếu được hoàn thuế, đầu tiên chúng tôi trả nợ ngân hàng, nợ người lao động. Đồng thời, khôi phục lại sản xuất bằng cách giao dịch lại với khách hàng, đáp ứng những nhu cầu mà khách hàng đề ra", ông Mạnh cho hay.

Trong khi đó, Công ty Dệt kim Đông Xuân đã nộp hồ sơ đến Cục Thuế Hà Nội đề nghị được hoàn trên 12 tỷ đồng tiền thuế VAT từ tháng 11/2022. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa được hoàn thuế, bởi trong bộ hồ sơ có một số hóa đơn mua vật tư của những doanh nghiệp không kê khai nộp thuế hoặc đã bỏ trốn và bị cơ quan thuế đưa vào diện rủi ro cao.

Việc hoàn thuế nhanh giúp doanh nghiệp có nguồn vốn tái tạo sản xuất.

Ông Nguyễn Đăng Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Xuân cho rằng, việc hoàn thuế nhanh giúp doanh nghiệp có nguồn vốn tái tạo sản xuất.

Nguyên nhân khiến việc hoàn thuế VAT chậm được ngành thuế cho là do có nhiều doanh nghiệp đề nghị hoàn thuế rất lớn, nhưng khi gửi hồ sơ xác minh, các nước nhập khẩu trả lời có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế, Tổng cục Thuế, dẫn chứng: "Doanh nghiệp tinh bột sắn xuất khẩu có tờ khai hải quan, có hợp đồng có chứng từ thanh toán và có hóa đơn, nhưng khi chúng tôi xác minh, cơ quan thuế nước ngoài trả lời những doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam là doanh nghiệp không tồn tại. Một số doanh nghiệp đã bỏ trốn, ngừng hoạt động từ lâu. Còn một số doanh nghiệp đang hoạt động thì họ lại cam kết với cơ quan thuế Trung Quốc là không ký hợp đồng với các doanh nghiệp xuất khẩu phía Việt Nam".

Mỗi năm, tiền hoàn thuế chiếm khoảng 10 - 15% trên tổng số thu ngân sách. Một vài năm gần đây, tổng số thu ngân sách vào khoảng 1,5 triệu tỷ đồng thì số tiền xin hoàn thuế lên khoảng 150.000 tỷ đồng. Đây là số tiền rất lớn nên tạo không ít thách thức đối với ngành thuế. Thực tế, thời gian qua, nhiều vụ gian lận hoàn thuế xảy ra, cho thấy chính sách hoàn thuế còn kẽ hở.

Một chuyên gia ngành thuế phân tích, đặc thù hoàn thuế dựa chủ yếu vào hóa đơn, mà doanh nghiệp mua hàng trên cả nước nên hóa đơn cũng do nhiều địa phương khác nhau cung cấp, nên cơ quan thuế khó kiểm soát. Vì lúng túng trong việc quản lý dẫn đến có những trường hợp doanh nghiệp đúng cũng chịu thiệt trước chính sách hoàn thuế ngặt nghèo.

"Quy trình hoàn thuế trước đây ưu tiên hoàn trước - kiểm sau, trường hợp doanh nghiệp rủi ro thì kiểm trước - hoàn sau. Tuy nhiên, trên thực tế phát sinh một số gian lận hoàn thuế khiến cơ quan thuế ban hành các công văn chỉ đạo chung chung, dẫn đến cán bộ thuế sợ không dám ký, vì ký mà lỡ hồ sơ hoàn thuế bị gian lận thì đi tù, mà không ký thì doanh nghiệp lại bị găm tiền thuế", chuyên gia này nói.

Gỡ vướng bằng cách nào?

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, các chuyên gia đề xuất, có thể cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng; kết hợp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế nhằm tạo điều kiện cho số đông doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Được, Trưởng ban chính sách Hội tư vấn và đại lý thuế TP Hồ Chí Minh cho biết: "Quy định xác minh, phân tích, kiểm tra, đối chiếu… cũng phải thực hiện trong giới hạn thủ tục hành chính quy định của Luật Quản lý thuế cũng như Nghị định 126 đối với kiểm tra trước hoàn sau không quá 40 ngày. Sau đó thực hiện thanh kiểm tra hậu kiểm trong vòng 5 năm. Bây giờ chúng ta có thể đẩy nhanh tốc độ, hoàn trước kiểm sau, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp".

Ông Lợi đề nghị, những hồ sơ chứng từ đã hoàn thiện thì Cục thuế và cơ quan quản lý nhà nước cho được hoàn thuế trước, còn những hồ sơ mà cảm thấy rủi ro thì dừng lại.

Đồng thời, một số doanh nghiệp cho rằng khi doanh nghiệp chậm nộp tiền nợ thuế vào ngân sách nhà nước thì doanh nghiệp bị đóng phạt nộp chậm với mức 0,03%/ngày. Vậy, khi cơ quan thuế chậm thực hiện hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp thì cơ quan quản lý nhà nước xem xét trả lãi cho doanh nghiệp theo số tiền thuế bị chậm hoàn?

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện các quy định về hoàn thuế. Đặc biệt thống nhất một thuế suất thuế VAT trong nước để không còn phát sinh các hồ sơ xin hoàn thuế nội địa vì chênh lệch thuế suất giữa 5% hay 10%. Nếu làm được điều này, lượng hồ sơ xin hoàn thuế trong nước sẽ không còn, thay vào đó, cơ quan thuế tập trung nhiều hơn vào hoàn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Để giải quyết dòng vốn cho doanh nghiệp, Tổng cục Thuế vừa chỉ đạo Cục thuế các địa phương tập trung gia tăng hiệu quả trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết: "Những hồ sơ đầy đủ đúng quy định sẽ triển khai hoàn ngay. Tuy nhiên, những hồ sơ nào có rủi ro, chúng tôi phải xác minh, đối chiếu để làm rõ hóa đơn đầu vào, xác minh đối với những đơn vị nhập khẩu bên nước ngoài. Qua xác minh cũng cho thấy nhiều hóa đơn đầu vào là F1 chưa phát hiện rủi ro, đến F2 là phát hiện rủi ro. Lúc đó phải làm việc với doanh nghiệp xem có thực sự mua bán không và hóa đơn có hợp pháp không".

Hiện nay, Tổng cục Thuế đang chỉ đạo Cục thuế các tỉnh khẩn trương hoàn thuế ngay đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT đã đủ điều kiện hoàn thuế; đồng thời tổng hợp các vướng mắc báo cáo các cấp có thẩm quyền có giải pháp tháo gỡ, để nhanh chóng giải quyết các bộ hồ sơ hoàn thuế đang tồn đọng.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/cham-hoan-thue-doanh-nghiep-khong-con-von-de-kinh-doanh-1093183.html