Châm cứu bấm huyệt thế mạnh của Y học Việt Nam

Châm cứu bấm huyệt không chỉ là di sản văn hóa mà còn là một thế mạnh trong hệ thống y học của nước ta.

Sự kết hợp giữa nền tảng y học cổ truyền và các cơ sở y học hiện đại, cùng với các kỹ thuật tiên tiến đã mở rộng khả năng ứng dụng của châm cứu, đưa phương pháp này trở thành một phần không thể thiếu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Châm cứu , bấm huyệt là những phương pháp điều trị không dùng thuốc cốt lõi của y học cổ truyền Việt Nam.

Châm cứu bấm huyệt đang dần khẳng định vị thế trong nước và quốc tế

Châm cứu bấm huyệt là những phương pháp điều trị không dùng thuốc cốt lõi của y học cổ truyền Việt Nam, đã và đang trải qua những giai đoạn phát triển vượt bậc.

Phương pháp này được biết đến bằng việc sử dụng kim châm hoặc lực tay để kích thích các điểm cụ thể trên cơ thể gọi là huyệt, nhằm cân bằng âm dương và khí huyết, đã được hiện đại hóa và tinh chỉnh phù hợp với nhu cầu y tế hiện đại. Việc tích hợp các công nghệ mới như laser châm (châm cứu bằng laser), điện châm, nhĩ châm... cùng với sự đầu tư vào nghiên cứu khoa học và đào tạo, không chỉ nâng cao hiệu quả của phương pháp này mà còn mở rộng phạm vi ứng dụng trong điều trị bệnh. Phương pháp châm cứu bấm huyệt tại Việt Nam với sự kế thừa y học cổ truyền bản địa và tiếp thu những thành quả nghiên cứu khoa học hiện đại, đang dần khẳng định vị thế của mình không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn trên trường quốc tế.

Cứu là dùng nhiệt (hơi nóng) tác động lên huyệt.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 1791) là một đại danh y - nhà văn lớn - nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc ta. Ông đã để lại cho hậu thế khối di sản văn hóa đồ sộ, có giá trị sâu sắc, bền vững về nhiều mặt, về cơ bản được tập hợp trong bộ Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh (gồm 28 tập, 66 quyển) - bộ sách được coi là "Bách khoa y học" vĩ đại nhất của Việt Nam thời trung đại. Ông từng được phong là "Việt Nam y thánh" dưới thời vua Khải Ðịnh (1916 - 1925, triều Nguyễn), được tôn là ông tổ ngành Y Dược của Việt Nam.

Kỳ họp Ðại hội đồng các quốc gia thành viên UNESCO lần thứ 42, diễn ra từ ngày 7 đến 22/11/2023 tại Paris - Cộng hòa Pháp, đã thông qua Nghị quyết về danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023 - 2024 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm. Tại Kỳ họp này, hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cùng với 52 hồ sơ khác đã được tổ chức UNESCO thông qua. Nghị quyết được toàn thể thành viên UNESCO thông qua là sự khẳng định rõ ràng nhất về những đóng góp to lớn của người Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, đồng thời thể hiện sự lan tỏa tài năng, trí tuệ của người Việt Nam trên trường quốc tế.

Châm cứu bấm huyệt có lịch sử hàng nghìn năm

Châm cứu là một phương pháp điều trị bệnh từ cổ xưa của y học cổ truyền Trung Quốc. Từ cách đây khoảng 3.000 năm, trong tác phẩm Hoàng Ðế Nội Kinh Linh Khu đã đề cập đến phương pháp châm cứu trong điều trị nhiều bệnh lý. Tại Việt Nam, từ thời vua Hùng (2879 - 257 TCN) trong tác phẩm Lĩnh Nam chích quái đã đề cập tên thầy thuốc An Kỳ Sinh, người làng Ðông Triều đã dùng châm cứu để trị bệnh.

Châm cứu là tên gọi chung của hai phương pháp điều trị không dùng thuốc bao gồm: Châm là dùng vật có đầu nhọn (ví dụ như kim, que nhọn...) để đâm và kích thích vào những vị trí huyệt vị trên cơ thể; cứu là dùng sức nóng tác động lên huyệt tạo nên phản ứng của cơ thể. Hiện nay, có nhiều loại châm cứu khác nhau bao gồm: Hào châm (châm cứu bằng kim nhỏ, mảnh), điện châm (kết hợp hào châm và kích thích của dòng điện), mãng châm (hay còn gọi là trường châm, châm cứu bằng kim cỡ lớn đi xuyên từ huyệt này sang huyệt kia), mai hoa châm (sử dụng kim mai hoa gõ trên bề mặt da dọc theo đường kinh), ôn châm (kết hợp châm và cứu), nhĩ châm (châm cứu bằng kim nhỏ ở loa tai), đầu châm (châm cứu ở da đầu), laser châm (sử dụng ánh sáng đơn sắc từ thiết bị laser công suất thấp chiếu lên các huyệt đạo), thủy châm (tiêm thuốc vào huyệt đạo) và cấy chỉ (dùng một loại protein tự tiêu chôn vùi vào huyệt). Một số nguyên liệu sử dụng trong cứu gồm cứu bằng mồi ngải và cứu bằng điếu ngải.

Vai trò của châm cứu, bấm huyệt ngày càng được chứng minh trong chăm sóc sức khỏe

Theo lý luận y học cổ truyền, âm dương trong cơ thể phải cân bằng thì cơ thể mới khỏe mạnh, khi âm dương mất cân bằng thì sinh ra bệnh tật. Bệnh tật phát sinh do nguyên nhân bên ngoài (tà khí), hoặc do cơ thể bị suy yếu (chính khí hư). Nếu do nguyên nhân bên ngoài xâm nhập sẽ gây bế tắc sự vận hành của khí trong kinh mạch, châm cứu vào các huyệt trên đường kinh để loại trừ tác nhân gây bệnh ra ngoài (gọi là khu tà). Nếu do cơ thể suy yếu, kinh khí không đủ chống lại ngoại tà thì châm cứu có tác dụng làm tăng kinh khí để đạt mục đích điều trị (gọi là phù chính).

Điện châm không dùng kim là bước phát triển mới của y học cổ truyền Việt Nam.

Châm cứu ngày càng được chứng minh hiệu quả trong phòng và điều trị bệnh qua nhiều nghiên cứu khoa học. Một số tác dụng điều trị của châm cứu đóng góp trong lĩnh vực y học:

Giảm đau: Châm cứu được biết đến rộng rãi trong việc giảm đau cấp và mạn tính như đau do đụng giập, đau sau phẫu thuật, đau các khớp và phần mềm quanh khớp, đau bụng do rối loạn tiêu hóa, đau trong các bệnh lý thần kinh, đau bụng kinh... Cơ chế tác động bằng cách kích thích hệ thần kinh để giải phóng các chất giảm đau tự nhiên trong cơ thể.

Ðiều trị rối loạn chức năng cơ thể: Châm cứu có khả năng cải thiện chức năng của các hệ thống cơ thể như tiêu hóa, hô hấp, tim mạch và thần kinh, giúp cân bằng hoạt động của cơ thể, từ đó cải thiện tình trạng sức khỏe tổng thể.

Giảm stress và lo âu: Kỹ thuật này cũng được sử dụng để giảm căng thẳng, lo âu và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.

Phục hồi chức năng sau đột quỵ, sau chấn thương: Châm cứu cũng được áp dụng trong việc phục hồi chức năng sau đột quỵ hoặc chấn thương cơ xương khớp, thông qua việc kích thích sự tái tạo và sửa chữa các tế bào.

Tăng cường hệ miễn dịch: Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng châm cứu có thể tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại bệnh tật tốt hơn.

Châm cứu đã từng bước hiện đại hóa như thế nào?

Châm cứu là một phần không thể tách rời của y học cổ truyền Việt Nam và trong những năm gần đây, phương pháp này đã trải qua quá trình hiện đại hóa sâu rộng. Sự kết hợp giữa y học cổ truyền và các công nghệ thiết bị hiện đại đã mở rộng phạm vi của chuyên ngành này, đưa ra những phương pháp châm cứu mới và nâng cao hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe.

Châm cứu là phương pháp được sử dụng nhiều và chữa trị được nhiều bệnh. Những năm gần đây, không ít bệnh nhân nước ngoài đã đến nước ta để chữa bệnh bằng châm cứu bấm huyệt.

Laser châm sử dụng ánh sáng đơn sắc từ thiết bị laser công suất thấp chiếu lên các huyệt đạo để chữa bệnh.

Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại như laser châm và điện châm đã giúp tăng cường hiệu quả điều trị, giảm đau mà không cần sử dụng kim truyền thống. Ðiều này không chỉ mang lại hiệu quả điều trị cho người bệnh, giảm bớt các trở ngại trong quá trình điều trị mà còn mở rộng được phạm vi điều trị thêm nhiều mặt bệnh khác. Ngoài ra, sự tích hợp của các phần mềm chẩn đoán với hệ thống dữ liệu y học đang được xây dựng, có tiềm năng sẽ giúp các bác sĩ châm cứu xác định chính xác hơn các huyệt đạo và kế hoạch điều trị cá nhân hóa cho từng người bệnh.

Bên cạnh đó, việc đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu luôn được thúc đẩy và phát triển. Các bác sĩ chuyên ngành y học cổ truyền hiện nay luôn phối hợp giữa việc điều trị bệnh và nghiên cứu khoa học, nhằm khảo sát và đánh giá hiệu quả của các phương pháp châm cứu trên nhiều đối tượng người bệnh khác nhau cũng như hợp tác với các tổ chức y học quốc tế trong việc nghiên cứu và phát triển châm cứu, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của y học Việt Nam và nâng cao vị thế và uy tín của Y học cổ truyền Việt Nam trên trường quốc tế.

TS.BS. Bùi Phạm Minh Mẫn, BSNT. Lê Ngọc Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cham-cuu-bam-huyet-the-manh-cua-y-hoc-viet-nam-169240206144202399.htm