Chậm bàn giao đất nông, lâm trường về địa phương quản lý: Tháo gỡ bằng cách nào?

Chậm bàn giao đất nông, lâm trường về địa phương quản lý không chỉ làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, mà còn gây ra những vấn đề phức tạp trong quản lý và sử dụng đất đai.

Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, hy vọng tháo gỡ được những khó khăn, bất cập này, nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai.

Do chưa được bàn giao trên thực địa, việc quản lý đất nông, lâm trường trên địa bàn huyện Ba Vì vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bàn giao đất “trên giấy”

Huyện Ba Vì có 12 nông, lâm trường, trạm trại với diện tích lên tới hàng chục ngàn héc ta đất. Các đơn vị này được giao đất cách đây 40-50 năm, đến nay đã thực hiện cổ phần hóa hoặc thay đổi chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt, công tác bàn giao nhân khẩu về địa phương quản lý đã xong gần 20 năm nay, nhưng việc bàn giao đất đai vẫn chưa hoàn thành, gây ra nhiều hệ lụy. Điển hình như Nông trường Việt Mông, năm 2006 đã thực hiện cổ phần hóa, không còn vốn nhà nước, nhưng đến nay, công tác bàn giao đất đai về địa phương quản lý vẫn chưa thực hiện xong.

Ông Nguyễn Việt Lê ở thôn Phù Yên, xã Yên Bài chia sẻ: “Năm 2010, chúng tôi được thành lập thôn, chuyển về địa phương quản lý cả nhân khẩu và đất đai với hy vọng ổn định cuộc sống sau hơn 40 năm lao động, làm việc tại nông trường. Thế nhưng, do chậm trễ trong việc bàn giao đất, nên dù gia đình đã sinh sống trên thửa đất được nông trường cấp cho mấy chục năm nay vẫn không được phép sửa chữa, xây mới nhà cửa"...

Tương tự, tại huyện Quốc Oai, tình hình bàn giao đất nông, lâm trường về địa phương quản lý vẫn chỉ “trên giấy”, chưa có trên thực địa. Năm 2008, Xí nghiệp Nông công nghiệp Chè Long Phú đóng trên địa bàn huyện Quốc Oai chuyển đổi thành Công ty cổ phần Chè Long Phú. Sau nhiều văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành, tháng 6-2018, Công ty cổ phần Chè Long Phú hoàn thiện thủ tục bàn giao hơn 200ha đất cho 3 xã: Hòa Thạch, Phú Cát, Đông Yên.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch Cấn Văn Thành cho biết, Công ty cổ phần Chè Long Phú mới chỉ bàn giao bản đồ, sổ mục kê và 1.612 biên bản bàn giao mốc giới làm nhà trông chè và kinh tế hộ, còn các tài liệu khác chưa bàn giao. Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn, hồ sơ giao khoán đất cho cán bộ, nhân viên của đơn vị này bị thất lạc nhiều, không đầy đủ.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 57 nông, lâm trường, hầu hết đã thực hiện cổ phần hóa, chuyển đổi mô hình hoạt động, song hiệu quả sử dụng đất tại các đơn vị còn kém và chưa làm thủ tục để chuyển sang thuê đất với Nhà nước… Đặc biệt, công tác quản lý đất nông, lâm trường tại các địa phương trên địa bàn thành phố vốn đã phức tạp do không rõ vai trò quản lý, nay lại đối diện với nhiều khó khăn khác. Các vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai qua nhiều thời kỳ chưa thiết lập hồ sơ xử lý. Nhiều hộ đã xây dựng nhà kiên cố, xưởng sản xuất, cửa hàng dịch vụ trên diện tích đất nhận khoán trồng cây...

Sớm giải quyết dứt điểm

Trước những khó khăn, vướng mắc như trên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 sẽ tháo gỡ được những khó khăn. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin, Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong việc quản lý đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, nhằm khắc phục những bất cập tồn tại nhiều năm qua.

Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất nông, lâm trường về địa phương quản lý, việc bàn giao cần thực chất, không để tình trạng bàn giao trên giấy, bàn giao nửa vời, không rõ trách nhiệm… Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì Nguyễn Thị Nam đề xuất, các bộ, ngành, đơn vị liên quan cần tối ưu hóa các quy trình và thủ tục liên quan đến bàn giao đất và quản lý đất, giảm bớt khó khăn và rủi ro pháp lý. Điều quan trọng là cần xây dựng đề án, bố trí kinh phí hỗ trợ việc thống kê, rà soát, đo đạc, thiết lập lại hồ sơ địa chính dựa trên thực tế sử dụng hiện nay…

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Văn Tuấn cho rằng, ngoài các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chức năng, cần hỗ trợ về nhân lực để thực hiện quá trình bàn giao đất. Đối với các đơn vị cố tình kéo dài thời gian bàn giao đất về địa phương quản lý cần có chế tài, quy trách nhiệm cho người đứng đầu và đơn vị chủ quản.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Bộ đã xây dựng các thông tư, nghị định cũng như hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương sớm hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, tiến tới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích liên quan đến đất nông, lâm trường, trạm trại…

Trước thực trạng việc quản lý, bàn giao đất nông, lâm trường, trạm trại về địa phương quản lý kéo dài nhiều năm mà chưa đạt kết quả như mong đợi, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc tiếp nhận và xây dựng kế hoạch sử dụng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý; xây dựng phương án sắp xếp, điều chỉnh (nếu có), phương án tiếp tục sắp xếp gửi Bộ NN&PTNT để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 6-2024.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cham-ban-giao-dat-nong-lam-truong-ve-dia-phuong-quan-ly-thao-go-bang-cach-nao-664932.html