CEO Nguyễn Thị Các Thủy khát khao mang đặc sản Việt ra thế giới

Thành công đưa thương hiệu bánh chuối phồng Tư Bông nổi tiếng khắp cả nước, song chưa dừng lại, doanh nhân Nguyễn Thị Các Thủy - CEO Công ty TNHH Tây Cát vẫn đang tiếp tục cần mẫn trên hành trình đưa đặc sản Việt Nam vươn ra thế giới.

Khởi nghiệp từ món quà quê của mẹ

Có bằng cấp kỹ sư công nghệ thông tin nhưng doanh nhân Nguyễn Thị Các Thủy lại đam mê làm bánh dân gian và kẹo, mứt. Vì vậy, chị mạnh dạn rẽ hướng khởi nghiệp với nghề làm bánh phồng từ trái cây.

Chị Thủy kể lại, trước đây, cứ mỗi độ Tết đến là mẹ chị sẽ làm món bánh chuối phồng để biếu mọi người, và bất ngờ là ai ăn cũng khen ngon. Từ đấy, chị nảy ra ý tưởng khởi nghiệp bằng chính món bánh thân thương này.

Nghĩ là làm, tháng 4/2013, thương hiệu bánh chuối phồng Tư Bông ra đời với mục tiêu ban đầu chỉ là để mẹ cùng nhóm em ở nhà có thêm việc làm, thu nhập. Sau đó vì nhận thấy nguồn nguyên liệu chuối xiêm ở quê khá tốt, chị Thủy bắt tay vào việc thương mại hóa sản phẩm và thành lập Công ty TNHH Tây Cát (Tây Cát).

Các sản phẩm của Tây Cát được làm thủ công từ 80 -100% và trải qua một quy trình vô cùng kỹ lưỡng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Tiểu Thúy

Chỉ một năm sau, năm 2014, bánh chuối phồng Tư Bông xuất hiện phổ biến trên kệ hàng tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp. Đến năm 2019, sản phẩm được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là sản phẩm tiêu biểu của OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Để được người tiêu dùng công nhận, hành trình làm ra chiếc bánh chuối phồng Tư Bông chất lượng cũng lắm công phu. Bởi đặc tính của bánh phồng là giòn, còn mứt chuối là mềm deo. Vì vậy nếu không khéo, bánh phồng sẽ không còn giòn và ngược lại, bánh phồng dễ bị vỡ vụn. Phải rất nhiều lần thử nghiệm, Tây Cát mới tìm ra được công thức thành công.

“Mứt chuối sau khi sên tới, đưa thẳng từ lò xuống cán mỏng trên nền bánh phồng nướng được phơi sương lúc tờ mờ sáng. Sau đó nhanh tay cuộn lại từ ngoài vào trong, cuộn tròn thật chặt, rồi mới cắt ra thành khoanh có độ dày khoảng 0,8cm. Kỹ thuật cuốn phải chặt hơn để cho viên bánh gọn, cứng, khô, bảo quản được lâu. Nhưng vẫn phải bảo đảm khi ăn bánh vẫn mềm vừa đủ, phồng giòn để ăn cảm giác đỡ ngán và cảm nhận được vị đậu phộng rõ hơn” - chị Thủy chia sẻ.

Từ món quà quê quen thuộc mẹ hay làm, chị Thủy đã gây dựng thành công thương hiệu bánh chuối phồng Tư Bông, nức tiếng xa gần.

Hiện đại hóa để vươn xa

Bằng sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, Tây Cát đã cho ra đời các dòng sản phẩm đa dạng như: chuối phồng hạt điều, chuối phồng hạt mè, chuối phồng sầu riêng, bánh khóm cuộn, bánh xoài cuộn, bánh mãng cầu cuộn, bánh me cuộn, trái cây cuộn, củ sen kẹp mứt, sản phẩm khô từ gạo…

Đến nay, các phẩm mang thương hiệu Tây Cát đã có mặt tại Hà Nội, Hội An, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, các sân bay và hệ thống siêu thị lớn ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

“Luôn trân trọng và đặt người tiêu dùng lên hàng đầu, trong tương lai, Tây Cát vẫn sẽ miệt mài nghiên cứu, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó ra mắt nhiều sản phẩm với chất lượng tốt hơn nhằm đáp ứng kỳ vọng và niềm tin của người tiêu dùng” - chị Thủy nhấn mạnh.

Trải qua hơn 10 năm phát triển, Tây Cát đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước. Sắp tới với mong muốn đưa đặc sản quê hương đến với nhiều quốc gia trên thế giới, Tây Cát chú trọng ứng dụng những kiến thức từ IT vào việc kinh doanh như xây dựng website, chạy quảng cáo online, mua phần mềm quản lý,… để đưa thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.

Đồng thời chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ, sự kiện kết nối cung cầu. Từ năm 2019, Tây Cát đã gia công sản phẩm cho đối tác tại Campuchia và Thái Lan với số lượng khoảng hơn 500kg/tháng. Gần đây, công ty đã đạt được các chứng chỉ như ISO 22000, HACCP và đã bán thử nghiệm tại một số thị trường như Mỹ, Hà Lan.

“Để đưa được món Việt ra các nước trên thế giới là một hành trình dài và không dễ dàng. Song tôi có niềm tin, không chỉ Việt kiều yêu thích đặc sản quê nhà, mà ngay cả Hoa kiều, Nhật kiều, thậm chí người Mỹ, người Úc… cũng sẽ yêu thích món ăn truyền thống Việt Nam nếu có cơ hội được thưởng thức” - CEO Tây Cát bày tỏ.

Khác với miếng mứt chuối truyền thống, bánh phồng Tư Bông không chỉ khô ráo và tiện dụng suốt cả 4 mùa như chiếc bánh Tây, mà còn đẹp mắt bởi đường nét màu trắng cách điệu hình trôn ốc nổi bật lên bề mặt miếng mứt màu vàng mật. Nhấn nhá chút vàng rượm của đậu phộng, hạt điều rang vàng, của hạt mè li, và chút the the nơi đầu lưỡi của vị gừng già, vô cùng ngon miệng.

Tiểu Thúy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ceo-nguyen-thi-cac-thuy-khat-khao-mang-dac-san-viet-ra-the-gioi.html