Cây Xích Tùng Yên Tử đã 'thượng thọ' bao nhiêu hoa giáp?

Cây Xích Tùng Yên Tử - một giống cây quý hiếm được trồng trên núi thiêng Yên Tử, cùng thời với Trần triều, một triều đại nhà nước phong kiến hùng mạnh trong lịch sử Việt Nam, đang có nguy cơ chết dần chết mòn từ lâu do tuổi cao, lại bị sâu bệnh, thời tiết tấn công khiến nhiều người quan tâm lo lắng. Nhưng lai lịch 'cụ' Xích Tùng và tuổi thọ của hàng cây này thì nhiều người chưa được biết.

Cây Xích Tùng phân bố tập trung ở các chùa, Am, Vườn Tháp, đường hoằng dương trên dãy Yên Tử.

Rừng Yên Tử (Uông Bí) thuộc dãy núi Bảo Đài Sơn, một trong 5 dãy núi vùng Đông Bắc có đỉnh cao trên 1.000m, khí hậu ở đây có điểm khác biệt so với các vùng núi khác trên cả nước, điều này hình thành nên một hệ sinh thái đặc trưng của khu vực. Hệ sinh vật ở đây gồm 830 loài thực vật, trong đó có 38 loài đã được ghi vào sách đỏ Việt Nam, đó là ngành dương sỉ, ngành hạt trần và ngành hạt kín. Các loại cây như: Gụ, Lau, Vàng Kiêng, Thông Tra, Thông Tra lá ngắn, Tùng La Hán, Giổi Xanh, Giổi Đỏ, Sến Mật, Đinh Thối, Vù Hương... Đặc biệt tại đây có cây Xích Tùng và cây Mai Vàng giống cây đặc sắc của vùng danh sơn Yên Tử mà không nơi nào có.

Hay loại cây này có đặc điểm khác nhau, cây Mai Vàng là loài cây hoang dã quần thể hỗn giao, rừng có cây non có cây cổ thụ bách niên. Còn cây Xích Tùng thì khác biệt, các nhà khoa học lâm sinh xác định chúng cùng trang lứa với nhau trên 700 năm tuổi (không có cây non hoặc cây mới trưởng thành), phân bố tập trung ở các chùa: Hoa Yên, Vân Tiêu, Bảo Sái, Hòn Ngọc và khu Am Dược, Thác Vàng, Thác Bạc, Tháp Tổ... Giống cây nay rất có thể là loài cây di thực, theo chân các cao tăng hòa thượng truyền đạo, không phải là loài cây hoang dã bản địa.

237 cây Xích Tùng cùng trang lứa đã trên 700 năm tuổi.

Cây Xích Tùng hiện đang già cỗi, do thời gian mòn mỏi và hệ lụy của con người đã làm cho chúng bị tổn thương, có nguy cơ tiệt chủng. Theo kết quả điều tra ngày 21/4/2015 giữa UBND thành phố Uông Bí và một số chuyên gia đầu ngành về thực vật thuộc Cục Bảo vệ thực vật, Viện Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Bắc, Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ninh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho thấy tại các điểm di tích có 237 cây Tùng Xích. Trong đó, 18 cây đã chết trong thời gian 5 năm trở lại đây; 132 cây thân và gốc bị mục rỗng một phần, cụt ngọn, thân nghiêng, sâu bệnh, nhiều rễ trồi trên mặt đất... Riêng đường Tùng cổ thụ có 69 cây thì 7 cây đã chết đứng, 51 cây bị mục rỗng thân, gốc và sâu bệnh hại như: Bệnh xỉ mủ hoại dần phần thân gỗ, bệnh nấm khô cành...

Năm 2016, thành phố Uông Bí đã lập đề án quản lý, chăm sóc, bảo vệ cây Xích Tùng để bảo tồn, phát triển bền vững các giá trị đa dạng sinh học của rừng quốc gia, gắn kết với bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa Yên Tử, đồng thời phát triển ngành Du lịch sinh thái, Du lịch tâm linh.

Dự án chăm sóc 237 cây Xích Tùng cổ hiện có, xây dựng 1 vườn ươm để nhân giống, bảo tồn loài cây Xích Tùng, phục vụ cho việc trồng thay thế 50 cây, trong đó có 18 cây đã bị chết gần đây, nhằm tái tạo lại đường Xích Tùng cổ và cây phân tán ở khuôn viên chùa chiền, am thờ, vườn tháp.

Xây dựng vườn ươm tiên tiến có mái che, nước tưới tự động diện tích 2ha, gieo ươm 300 cây giống từ hạt, nuôi dưỡng khoảng từ 50-60 cây tái sinh tự nhiên phục vụ trồng dặm, thay thế cây đã chết.

Số cây Xích Tùng cổ hiện có, cây cành bị bệnh đã chết khô được cắt bỏ không để tự rơi rụng xuống đất hoặc để mục trên cây làm môi trường cho các loài sâu bệnh. Cắt tỉa những cành bị sâu bệnh hại, những cành còn tươi nhưng bị tổn thương ở những vị trí chịu lực, có nguy cơ gãy rụng khi có gió bão. Cắt tỉa cây rừng lân cận đang cạnh tranh không gian dinh dưỡng, chờm tán... cắt bỏ dây leo quấn quanh cây, cây đổ đè, trả lại không gian dinh dưỡng và tránh các nguy cơ tự đổ gẫy đè lên nhau.

132 cây thân và gốc bị mục rỗng một phần, cụt ngọn, sâu bệnh khó chữa.

Những cây thân bị rỗng dùng các dụng cụ chuyên dụng như: xoi, nạo lấy ra phần gỗ đã bị hoại mục, xông hơi thuốc tiêu diệt các mầm mống nấm hoại sinh và côn trùng gây hại ẩn nấp trong các khe rãnh gỗ trong lòng thân cây. Xử lý bề mặt thân gỗ bằng thuốc chống nấm, chống thấm nước hạn chế sự xâm nhập của nước mưa và các nguy cơ gây hại khác.

Cây có hiện tượng mục gốc, mục dọc thân đã và đang bị mối xâm hại, dùng thuốc diệt mối Termido và dùng máy diệt côn trùng hoặc đặt các bẫy bả diệt mối quanh gốc được để trừ diệt mối. Những cây (hoặc cành) bị nghiêng có nguy cơ gẫy, đổ được chống đỡ bằng cột chống, cáp kéo. Cây bị bọ cánh cứng gây hại được dùng các chế phẩm hóa học bảo vệ thực vật để trừ diệt.

Thành phố Uống Bí với những nỗ lực kéo dài tuổi thọ rừng Xích Tùng và trồng cây thay thế có thu được kết quả, nhưng còn nhiều gian nan. Mọi sinh vật đều có vòng đời nhất định, mở rộng ra thì cây đào Tô Hiệu, cây đa Tân Trào muốn lưu giữ được giá trị lịch sử cũng phải tính đến sự “trùng tu” trồng cây thay thế.

Cây Xích Tùng là một loài cây thượng thọ, cây vòng đời dài nhưng sinh trưởng rất chậm. Thành phố Uông Bí đã thành công trong việc ươm giống cây Xích Tùng, nhưng chúng sinh trưởng rất chậm, trồng và chăm sóc cẩn thận một cây trong 10 năm mà cây chưa cao nổi 2m.

Việc phụng dưỡng các cụ tùng 700năm tuổi, kéo dài thêm tuổi thọ là cần thiết và là một việc làm công phu, nhưng không thể áp dụng ý chí chính trị làm thay đổi hệ thực vật tồn tại khách quan trong môi trường tự nhiên.

Cây Xích Tùng Yên Tử còn ẩn tích, chưa rõ lai lịch là loài cây hoang dã bản địa hay giống cây di thực, vòng đời bao nhiêu năm. Cụ Xích Tùng thượng thọ được bao nhiêu hoa giáp, khi Nam tào gạch sổ sẽ bớt đi được “lời bấc tiếng chì” với người phụng dưỡng.

Vũ Phong Cầm

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/cay-xich-tung-yen-tu-da-thuong-tho-bao-nhieu-hoa-giap-295910.html