'Cây sáng kiến' ở Trường Trung cấp 24 Biên phòng

Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng, Chủ nhiệm bộ môn Biên phòng – Pháp luật, Khoa Cơ bản, Trường Trung cấp 24 Biên phòng là một cán bộ trẻ, trưởng thành từ các phong trào của Đoàn Thanh niên, luôn giữ lửa trách nhiệm, sáng tạo trong công việc và cuộc sống.

Sáng kiến “Thiết bị hỗ trợ nâng cao chất lượng tập bắn súng ngắn K54” của Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng được Trường Trung cấp 24 Biên phòng đưa vào huấn luyện mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh: Hà Mi

Sáng kiến “Thiết bị hỗ trợ nâng cao chất lượng tập bắn súng ngắn K54” của Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng được Trường Trung cấp 24 Biên phòng đưa vào huấn luyện mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh: Hà Mi

Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng sinh năm 1986, tại xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng năm 2010, Hoàng nhận quyết định công tác tại Trường Trung cấp 24 Biên phòng và được phân công giảng dạy qua nhiều bộ môn như: thể thao, võ thuật, điều lệnh, chiến thuật, trinh sát đặc nhiệm, bắn súng... Từ thực tiễn công tác, sinh hoạt tại đơn vị, Hoàng cùng đồng đội đã cho ra đời nhiều công trình, sáng kiến đem lại hiệu quả thiết thực.

Hiệu quả của mô hình “Máy bắt muỗi chú BĐBP”

Chia sẻ với phóng viên về câu chuyện khơi nguồn cảm hứng để cho ra đời mô hình “Máy bắt muỗi chú BĐBP”, Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng cho biết: “Thời gian qua, tại nhà trường cũng như các đơn vị trong BĐBP đã tiến hành nhiều biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh do muỗi gây ra, tuy nhiên, việc này còn gặp rất nhiều khó khăn như: Khi phun thuốc diệt muỗi thì độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe của bộ đội và tác dụng không được lâu dài. Ở một số nơi, muỗi có biểu hiện “nhờn” thuốc, sau khi phun thuốc xong, muỗi vẫn còn rất nhiều. Mặt khác, trên thị trường cũng có rất nhiều các loại máy, đèn bắt muỗi nhưng giá thành khá cao và một số loại thì có độ bền kém và không hiệu quả”.

"Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng là cán bộ trẻ, luôn phát huy tinh thần ham học hỏi, say mê nghiên cứu khoa học. Thời gian qua, Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng đã cùng với đồng đội nghiên cứu và cho ra đời nhiều mô hình, sáng kiến như: Mô hình “Máy bắt muỗi chú BĐBP”; sáng kiến “Thiết bị hỗ trợ nâng cao chất lượng tập bắn súng ngắn K54”... Đây là những mô hình, sáng kiến có ý nghĩa thực tiễn rất cao trong huấn luyện và bảo đảm đời sống bộ đội" - Đại tá Nguyễn Quang Thuyên, Hiệu trưởng Trường Trung cấp 24 Biên phòng khẳng định.

Xuất phát từ những yếu tố trên, Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng đã nghiên cứu và tìm các loại vật liệu tốt, phù hợp, nhưng có giá thành rẻ để làm ra một chiếc máy bắt muỗi nhỏ gọn, có độ bền cao và đặc biệt hiệu quả.

Cấu tạo của thiết bị nhỏ, gọn gồm: Vỏ được làm bằng Fomex nhẹ nhưng vừa cứng, vừa dẻo dai, không thấm nước. Quạt hút làm bằng quạt 12V không chổi than, có độ bền rất tốt mà không tiêu hao nhiều điện năng. Nguồn cấp: Nguồn 12v. Đèn led UV: Đèn led UV có bước sáng ngắn có tác dụng thu hút muỗi tốt hơn các loại đèn khác trên thị trường. Đây cũng là yếu tố quyết định về tính hiệu quả của thiết bị so với các thiết bị hiện có trên thị trường. Lưới được làm bằng loại lưới sợi thủy tinh chống muỗi có độ bền cao. Nắp đậy: Khi không sử dụng có thể đóng nắp tránh để muỗi, côn trùng còn sống bay ra ngoài. Thiết bị được chế tạo nhanh, hình thức đẹp, giá thành rất rẻ so với các thiết bị hiện có trên thị trường.

Bên cạnh đó, hiện nay, Hoàng cùng Đoàn cơ sở Trường Trung cấp 24 Biên phòng đang tiếp tục nghiên cứu cải tiến thiết bị sao cho tối ưu nhất như: Thiết bị được gắn thêm pin Lithium hoạt động độc lập mà không cần cắm điện trực tiếp. Sau mỗi lần sử dụng có thể sạc lại và 1 lần sạc có thể sử dụng liên tục được 15 giờ. Những thiết bị này sẽ phát huy hiệu quả, tác dụng trong điều kiện công tác của bộ đội ở xa nguồn điện như gác bảo vệ khu vực, bảo vệ biên giới, diễn tập, huấn luyện đêm...

Mô hình “Máy bắt muỗi chú BĐBP” đã được một số đơn vị đón nhận kiểm chứng ở nhiều địa điểm trên cả nước như các đơn vị thuộc BĐBP: Lào Cai, Gia Lai, Cà Mau... và mang lại hiệu quả cao, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe của bộ đội và nhân dân.

Sáng kiến nâng cao chất lượng tập bắn súng ngắn K54

Trong tập bắn súng ngắn K54, do súng có đường ngắm gốc ngắn, lại bắn trong điều kiện không có bệ tỳ nên kết quả bắn thường không cao. Bắn súng là một nội dung khó, đòi hỏi người bắn phải nắm vững yếu lĩnh, động tác, có thể lực và bản lĩnh. Thời gian qua, quá trình tổ chức huấn luyện, kiểm tra bắn súng cho cán bộ, chiến sĩ, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn vì quá trình luyện tập không được thực hành bắn đạn thật mà chỉ tập “chay”. Người bắn không kết hợp được yếu lĩnh giữ súng và tay cò, không kiểm tra được độ rung của cánh tay, từ đó dẫn đến không biết tại thời điểm bóp cò, đường ngắm cơ bản có vào điểm ngắm trên mục tiêu không; do đơn thuần chỉ giương súng, ngắm bắn, bóp cò mà không biết phát bắn đó có trúng mục tiêu không. Vì vậy, thường gây cảm giác nhàm chán, ngại rèn luyện cho người tập.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế đó và bảo đảm huấn luyện bắn súng ngắn K54 có chất lượng, hiệu quả, Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng đã nghiên cứu và cho ra đời sáng kiến “Thiết bị hỗ trợ nâng cao chất lượng tập bắn súng ngắn K54” nhằm rèn luyện yếu lĩnh giữ súng và tay cò, kết hợp kiểm tra độ rung của cánh tay, kiểm tra đường ngắm, làm cơ sở vận dụng để huấn luyện, học tập, nghiên cứu và thực hành bắn đạt thật các bài bắn súng K54 đạt kết quả cao nhất.

Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng chia sẻ: Sáng kiến “Thiết bị hỗ trợ nâng cao chất lượng tập bắn súng ngắn K54” được thiết kế, chế tạo đơn giản, gọn nhẹ, tận dụng được những vật liệu sẵn có tại đơn vị, trên thị trường với giá thành rẻ, gồm: Công tắc cò súng, đèn laze, nguồn điện 12V, bảng mạch điều khiển, bia cảm biến ánh sáng, bảng led báo điểm. Thiết bị kiểm tra đường ngắm và kiểm tra kết quả bắn mang tính ứng dụng cao, dễ sử dụng, dễ bảo quản, với độ bền tốt, ít hỏng hóc. Không những vậy, thiết bị này còn tiết kiệm về kinh tế vì không cần sử dụng đạn thật, giúp người tập vừa rèn được động tác giữ súng và bóp cò kết hợp với kiểm tra được độ rung của cánh tay và kết quả bắn. Người tập có thể luyện tập cả vào ban ngày và ban đêm đều mang lại hiệu quả cao.

Quá trình tập, người tập ngắm qua khe ngắm đến đỉnh đầu ngắm tới điểm định ngắm trên mục tiêu để kiểm tra đường ngắm và kết hợp rèn yếu lĩnh động tác bóp cò. Sau khi bóp cò, đèn laze sẽ chiếu một tia sáng tới điểm ngắm trên mục tiêu, tại thời điểm bóp cò, đèn laze chiếu vào đâu thì cảm biến ánh sáng ở vòng điểm đó sẽ nhận tín hiệu và truyền tín hiệu qua bảng led báo điểm số điểm tương ứng trên bia cảm biến, người bắn quan sát bảng led kiểm tra xem mình được bao nhiêu điểm. Sau đó, tự điều chỉnh về tư thế động tác để phát bắn tiếp theo đạt kết quả cao hơn.

Sáng kiến đã được thông qua Hội đồng khoa học nhà trường và được đánh giá xuất sắc. Quá trình áp dụng vào luyện tập tại nhà trường cho huấn luyện các khóa học, huấn luyện tại chức kết quả huấn luyện được nâng lên rõ rệt. Sau khi tiếp tục nghiên cứu cải tiến hoàn thiện, thiết bị được thông qua Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam vào ngày 15/2/2023 và được Hội đồng khoa học Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam đánh giá cao về tính ứng dụng, hiệu quả và đạt loại xuất sắc.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình tìm tòi, say mê nghiên cứu khoa học, Thiếu tá Phạm Ngọc Hoàng cho biết: "Tôi và đồng đội đều không được đào tạo về kỹ thuật điện, điện tử, vì vậy, có thể nói, điểm xuất phát cho những mô hình, sáng kiến của tôi và đồng đội được bắt đầu từ con số không tròn trĩnh, tất cả đều phải tự mày mò, tìm hiểu. Mặt khác, một số thiết bị điện tử không có trong nước mà phải tìm đặt từ nước ngoài. Chính vì vậy, thất bại với chúng tôi là chuyện không thể tránh khỏi. Nhiều lần, bản thân tôi cũng suy nghĩ việc nghiên cứu các mô hình, sáng kiến này vượt quá sức của mình nên cũng thấy nản. Tuy nhiên, quá trình thi công, nghiên cứu, tôi luôn nhận được sự động viên, hỗ trợ của chỉ huy, đồng chí, đồng đội. Đây thực sự là nguồn cổ vũ, động lực lớn lao để bản thân tôi cố gắng hoàn thành tốt mô hình, sáng kiến này".

Trần Đức

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quotcay-sang-kienquot-o-truong-trung-cap-24-bien-phong-post463971.html