Cây dâu tây ở Mai Sơn

Cây dâu tây được đưa vào trồng tại huyện Mai Sơn từ năm 2016. Đến nay, đã hình thành vùng chuyên canh với sự tham gia của hàng trăm hộ dân và nhiều hợp tác xã. Cây dâu tây đã khẳng định giá trị kinh tế, đem lại những mùa quả ngọt, giúp người dân có thu nhập tiền tỷ mỗi năm.

Xã Cò Nòi có diện tích lớn nhất với 325 ha.

Cò Nòi có hơn 80% tổng diện tích dâu tây của huyện. Ông Nguyễn Anh Thu, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, chia sẻ: Dâu tây thường được trồng từ tháng 9, tháng 10 dương lịch, thời điểm cây dâu cho quả nhiều nhất là từ cuối tháng 12 năm nay đến tháng 3 dương lịch năm sau. Nhận thấy giá trị kinh tế từ trồng dâu tây và nắm bắt nhu cầu của thị trường, xã đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc dâu tây; tổ chức cho bà con tham quan mô hình trồng dâu tây hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Thành viên HTX dâu tây Xuân Quế chia sẻ kinh nghiệm trồng dâu tây.

Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ trồng dâu tây trong vùng trồng chăm sóc theo quy trình VietGAP, hữu cơ; thực hiện tốt các quy định an toàn thực phẩm và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” để sản phẩm quả dâu ngon, sạch, an toàn, tạo lòng tin của người tiêu dùng. Các hộ trồng dâu tây đã liên kết sản xuất, thành lập HTX tiêu thụ sản phẩm.

HTX dâu tây Xuân Quế phân lô, trồng rải vụ dâu tây.

Anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quế, giới thiệu: Hợp tác xã hiện có 10 thành viên canh tác 30 ha dâu tây. Chúng tôi tuyên truyền thành viên HTX phân lô, trồng rải vụ, mỗi lứa cách nhau 15 ngày để tránh dồn sản phẩm cùng thời điểm. Hiện, lứa dâu trồng từ tháng 9 đã bắt đầu cho quả. Thời điểm này, gia đình thuê 10 nhân công trồng, chăm sóc dâu tây.

Bà Lã Thị Sinh chăm sóc dâu tây.

Còn tại bản Huổi Dương, xã Cò Nòi, gia đình bà Lã Thị Sinh, chia sẻ: Việc chăm sóc dâu tây vất vả, nhưng so với các loại cây khác, giá trị dâu tây cao hơn nhiều. Ví dụ 1.000 m2 trồng ngô, khoai, sắn chỉ được 4 - 5 triệu đồng nhưng trồng dâu tây thì giá trị 50 triệu, gấp 10 lần.

Nông dân xã Cò Nòi chăm sóc dâu tây.

Năm 2023, nông dân huyện Mai Sơn trồng 418 ha dâu tây, tập trung ở các xã Cò Nòi, Chiềng Lương, Nà Bó và thị trấn Hát Lót, tăng hơn 150 ha so với năm trước. Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Huyện đã tập trung rà soát, xây dựng vùng dâu tây ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch. Hiện, huyện đang hoàn thiện các hồ sơ xây dựng sản phẩm dâu tây sấy dẻo là sản phẩm OCOP 3 sao; đề nghị vùng trồng dâu tây đủ điều kiện tiêu thụ nội tiêu và xuất khẩu cho HTX dâu tây Xuân Quế và HTX Huổi Dương. Đồng thời, tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm quả dâu tây. Thu hút các danh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm quả dâu tây, sơ chế, đóng gói, chế biến quả dâu tây.

Nông dân đầu tư hệ thống tưới tự động cho diện tích trồng dâu tây.

Với định hướng phát triển vùng cây dâu tây gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo sản phẩm an toàn, cây dâu tây ở Mai Sơn ngày càng khẳng định hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại cây khác, là hướng sản xuất hiệu quả, bền vững.

Nguyễn Yến - Huy Thành

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/cay-dau-tay-o-mai-son-1UaN01IIg.html