Cây cầu trong mật mã chỉ việc Nữ hoàng Anh qua đời

Nhiều người có thể đã nghe qua cụm từ 'Cầu London sập rồi' như một mật mã ám chỉ Nữ hoàng Anh qua đời, nhưng có thể không nhiều người hiểu tường tận về cầu London.

Theo một quy trình được Guardian công bố hồi 2017, tin tức về việc Nữ hoàng Elizabeth II qua đời sẽ được thư ký riêng của bà thông báo cho các thành viên trong hoàng tộc, nhà ngoại giao nước ngoài và quan chức hàng đầu với mật mã:

"London Bridge is down" (Cầu London sập rồi - PV).

Ngay lập tức, chính phủ Anh sẽ thực hiện "Chiến dịch cầu London" với một loạt các hoạt động diễn ra liên tiếp trong nhiều ngày sau đó để tưởng nhớ nữ hoàng.

Trước đó, một mật mã khác cũng được truyền đi để báo tin về sự qua đời của Vua George VI, cha Nữ hoàng Elizabeth II. Đó là "Hyde Park Corner" (Góc công viên Hyde - PV).

Cũng như công viên Hyde, cầu London là địa danh nổi tiếng, có lịch sử lâu đời và gắn bó với người dân London. Tên của nó cũng được lấy làm mật mã báo hiệu sự qua đời của Nữ hoàng Elizabeth II.

Cầu London bắc qua sông Thames, nối Southwark và London. Ít ai biết nó được xây dựng 3 lần trong suốt 2.000 năm để có diện mạo như hiện tại.

Cầu London cũ

Theo ghi chép cũ nhất, cầu London được xây dựng lần đầu vào năm 43 sau Công nguyên bởi người La Mã. Ở thời điểm đó, cây cầu chỉ bao gồm những tấm ván gỗ đặt trên một dãy thuyền neo đậu trên sống Thames.

Năm 1176, dưới sự chỉ đạo của Peter Colechurch, cây cầu lần đầu tiên được xây dựng bằng đá trên nền cầu phao thời Trung cổ. Cây cầu hoàn thành sau 33 năm, vào năm 1209, rộng 20-24 feet (khoảng 6,1-7,3 m) và dài 926 feet (khoảng 282 m) với 20 mái vòm cong theo phong cách Gothic.

 Cầu London cũ. Ảnh: Thư viện Anh.

Cầu London cũ. Ảnh: Thư viện Anh.

Sau khi hoàn thiện, cây cầu là con đường duy nhất nối 2 đầu sông Thames trong vòng gần 600 năm. Không chỉ là giao lộ thương mại quan trọng, cây cầu còn là một địa điểm kinh doanh được nhiều dân cư lựa chọn. Tính đến năm 1358, 138 cửa hàng và nhà ở mọc 2 bên cầu, tạo thành lối đi như đường hầm với tấp nập người qua lại.

Tuy nhiên, cây cầu liên tục hư hỏng bởi các vụ hỏa hoạn năm 1212, 1623 và sập vòm vì các trận đại đóng băng. Năm 1821, Nghị viện Anh quyết định xây cây cầu khác thay thế, cách cầu London 30 m. Năm 1831, cầu London mới hoàn thành sau 6 năm xây dựng. Năm 1832, cầu London cũ chính thức bị phá bỏ sau 622 năm.

Cầu London mới

Ngày 15/6/1825, John Garratt, Thị trưởng London lúc đó, đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng cầu London mới. Sáu năm sau, cầu khánh thành với sự có mặt của Vua William IV và Hoàng hậu Adelaide.

Cầu London mới được xây bằng đá granite khai thác ở Dartmoor, gồm 5 mái vòm, dài 928 feet (khoảng 283 m) và rộng 49 feet (khoảng 15 m).

 Cầu London năm 1927. Ảnh: Alamy.

Cầu London năm 1927. Ảnh: Alamy.

Cầu London mới tồn tại chưa đầy 140 năm. Năm 1962, cầu bị phát hiện đang "chìm" xuống sông Thames vì không đáp ứng được nhu cầu giao thông của người dân London.

Năm 1968, cây cầu đã được bán đấu giá cho Robert P. McCulloch, người sáng lập thành phố Lake Havasu (Aziona, Mỹ) với giá gần 2,5 triệu USD. Từ năm 1968 đến năm 1971, McCulloch đã tốn thêm 7 triệu USD cho chi phí tháo dỡ và vận chuyển cầu London qua Mỹ. Tại đây, cây cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép và phục vụ cho mục đích du lịch.

 Cầu London sau khi được sang Mỹ. Ảnh: Dreamstime.

Cầu London sau khi được sang Mỹ. Ảnh: Dreamstime.

Hiện tại, cầu London mới bắc qua hồ Havasu phía sau đập Parker, cách đập Hoover trên sông Colorado 155 dặm (tương đương 250 km) về phía Nam.

Cầu London hiện đại

Cầu London hiện đại được xây dựng từ năm 1967 đến năm 1972, ngay trên vị trí của cầu London mới. Nữ hoàng Elizabeth II cũng đã tham dự buổi khánh thành cây cầu hồi 17/3/1973. Sau khi bị tàu chiến HMS Jupiter của Anh va chạm hồi 1984 và được sửa chữa, cây cầu London hiện đại vẫn đứng vững cho đến ngày nay.

 Cầu London hiện đại. Ảnh: Dreamstime.

Cầu London hiện đại. Ảnh: Dreamstime.

Dấu tích

Sau khi cầu London cũ bị dỡ bỏ hồi năm 1832, một số tàn tích của nó vẫn còn sót lại trong nhà thờ St. Magnus trên phố Lower Thames.

Cổng mái vòm cầu London cũ nay cũng chính là cổng tháp nhà thờ. Trong giai đoạn 1763-1831, đây là lối vào chính của người đi bộ lên cầu, ghi dấu hàng triệu dấu chân người đi bộ từ London đến Southwark và ngược lại. Giờ đây, nó nằm ngay giữa sân nhà thờ St. Magnus và một khu văn phòng buồn tẻ.

 Lối vào có thể là một trong những đoạn đường nhộn nhịp nhất ở London. Ảnh: Historic UK.

Lối vào có thể là một trong những đoạn đường nhộn nhịp nhất ở London. Ảnh: Historic UK.

Phía trong sân nhà thờ, nếu nhìn kỹ, nhiều người sẽ phát hiện hàng đống tảng đá lớn, không được chú thích và nằm đó như không có mục đích gì. Tuy nhiên, chúng chính là tàn tích của lối vào cổng mái vòm phía bắc cầu London Trung cổ.

 Những tảng đá là dấu tích cổng mái vòm cầu London trung cổ. Ảnh: Historic UK.

Những tảng đá là dấu tích cổng mái vòm cầu London trung cổ. Ảnh: Historic UK.

Ngoài ra, biển hiệu của một bến tàu từ năm 75 sau Công nguyên cũng được trưng bày tại đây. Nó được tìm ra hồi năm 1931, trên đường đồi Fish gần đó. Điều này chứng tỏ bờ sông Thames đã có sự thay đổi trong 2.000 năm.

 Biển hiệu của một bến tàu từ năm 75 sau Công nguyên. Ảnh: Historic UK.

Biển hiệu của một bến tàu từ năm 75 sau Công nguyên. Ảnh: Historic UK.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cay-cau-trong-mat-ma-chi-viec-nu-hoang-anh-qua-doi-post1353872.html