'Cây cao, bóng cả' tỏa mát cho đời

Từ xưa đến nay, trong mỗi gia đình Việt, ông bà luôn là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cháu. Họ không chỉ nuôi dạy, truyền đạt kinh nghiệm sống quý báu mà còn là người giữ gìn gia phong, nét đẹp truyền thống tổ tiên để lại. Người cao tuổi (NCT) trong mỗi gia đình bằng trải nghiệm, thu nhận, rèn luyện của mình sẽ trao truyền cho con cháu những bài học sinh động, phù hợp với chuẩn mực của gia đình và xã hội. Từ đó hình thành văn hóa gia đình, văn hóa cộng đồng dân cư, văn hóa xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế cũng vậy, người già yêu lao động, giỏi tính toán là tấm gương, là niềm cảm hứng nuôi dưỡng ước mơ cho các thế hệ tương lai.

DOANH NHÂN NGƯỜI CAO TUỔI

Luôn tâm niệm “còn sức khỏe là còn lao động” nên dù đã 81 tuổi, ông Phạm Kim Sầm ở khu phố 3, phường Long Thủy, thị xã Phước Long vẫn không ngừng nỗ lực, gương mẫu phát triển kinh tế và tham gia các hoạt động xã hội của địa phương. Ông Sầm quê ở Phú Thọ, năm 1977, ông được điều động vào công tác tại huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé cũ. Đến năm 1992 về hưu, ông chuyển sang kinh doanh lúa gạo, rồi hạt điều. Hiện nay, ông là chủ Công ty TNHH MTV SX TM DV Thanh Minh Ngọc, chuyên sản xuất hạt điều, có doanh thu hằng năm hơn 200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động.

Ông Phạm Kim Sầm (bìa phải) ở khu phố 3, phường Long Thủy, thị xã Phước Long giới thiệu với khách về sản phẩm hạt điều của doanh nghiệp mình

Ông Phạm Kim Sầm (bìa phải) ở khu phố 3, phường Long Thủy, thị xã Phước Long giới thiệu với khách về sản phẩm hạt điều của doanh nghiệp mình

Dù tuổi cao nhưng ông vẫn chèo lái công ty kinh doanh luôn có lãi. Hằng năm, gia đình ông trích ra cả trăm triệu đồng đóng góp xây dựng địa phương; giúp Hội NCT phường, tổ chức hội chữ thập đỏ, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, bếp ăn tình thương phục vụ bệnh nhân nghèo tại thị xã Phước Long và nhiều hoạt động thiện nguyện, tình nghĩa khác. Ông còn là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương nhiều năm liền. Năm 2019, ông vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi.

“Đừng quan tâm đến tuổi để thấy mình vẫn còn trẻ, còn cống hiến, còn lao động” là câu nói ấn tượng của doanh nhân cựu chiến binh Bùi Văn Tân (SN 1952), chủ cơ sở sản xuất hạt điều Hoàng Long, ấp Thanh Thủy, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp. Ông được người dân nơi đây gọi với cái tên thân mật là ông Tân Điều.

Ông Tân quê tỉnh Nam Định, năm 1993, ông đưa vợ con vào Bù Đốp lập nghiệp. Thời điểm này, ông làm công cho các chủ vườn điều. Khi dành dụm được ít vốn, vợ chồng ông mở tiệm tạp hóa và mở cơ sở mổ heo thịt bỏ mối cho các chợ trong huyện. Năm 2005, kinh tế ổn định, lĩnh vực gia công, sản xuất hạt điều phát triển, ông bàn với vợ con mở xưởng chế biến hạt điều. Lúc đầu, chỉ có 15 bàn chẻ gia công bằng tay, sau đó gia đình tăng dần lên 100 bàn. Năm 2013, ông nhập về hệ thống dây chuyền, máy móc hiện đại để chẻ hạt điều, thay dần sức lao động thủ công. Hiện nay, ông có 6 dàn máy chẻ hạt điều, công suất 40 tấn điều thô/ngày. Năm 2022, cơ sở của ông sản xuất 10.000 tấn điều thô, xuất bán 2.500 tấn điều nhân, doanh thu hơn 400 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm người, trong đó có nhiều lao động dân tộc thiểu số tại địa phương.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Tân còn giúp đỡ người dân trong vùng thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp để cùng làm giàu. Ông cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu mua hạt điều cho người dân địa phương. Đối với công nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn, ông hỗ trợ nơi ở và nhiều vật chất khác. Còn với địa phương, các hội, đoàn thể, đồng đội của mình, ông dành hàng trăm triệu đồng để làm từ thiện. Với ông, cho đi là còn mãi.

LÀM GIÀU TỪ NÔNG NGHIỆP

Nói đến ông Trương Văn Đảo ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long, người ta nghĩ ngay đến thương hiệu sầu riêng “Ba Đảo” - thương hiệu được ông dày công xây dựng khoảng 20 năm nay.

Ông Đảo sở hữu 60 ha đất thì có tới 30 ha trồng sầu riêng và được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, ông thu hoạch gần 500 tấn sầu riêng. Ngoài ra, ông còn đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị để cấp đông sầu riêng bằng khí nitơ lỏng. Nhờ cách làm này, thương hiệu sầu riêng Ba Đảo được thị trường trong cả nước đón nhận.

Ông Lê Ngọc Tuấn, ngụ ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh hằng ngày vẫn thăm nom trang trại vườn - ao - chuồng của gia đình

Ông Lê Ngọc Tuấn, ngụ ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh hằng ngày vẫn thăm nom trang trại vườn - ao - chuồng của gia đình

Là chủ trang trại cho thu nhập tiền tỷ nhưng ông Ba Đảo vẫn giữ dáng vẻ mộc mạc, bình dị, luôn quan tâm đến mọi người. 73 tuổi đời, ông vẫn đam mê với công việc. Mong ước của ông là đưa thương hiệu sầu riêng Việt Nam trong top đầu các nước có sầu riêng ngon, đảm bảo tiêu chuẩn nhất thế giới.

Gần 70 tuổi nhưng ông Lê Ngọc Tuấn, ngụ ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh hằng ngày vẫn tự đi xe môtô vào thăm rẫy. Ông cũng là chủ 5 cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương.

Ngoài buôn bán, gia đình ông có 14 ha rẫy trồng cao su và cây ăn trái. Thu nhập từ kinh doanh và vườn rẫy mang lại cho gia đình ông cuộc sống khá giả. Ông đã có hơn 10 năm làm Trưởng ấp Hưng Thủy, tham gia 3 khóa HĐND xã. Giờ tuổi cao nên ông xin nghỉ về quản lý việc kinh doanh của gia đình. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn tích cực đóng góp cho xã hội, giúp đỡ những hộ hoàn cảnh khó khăn tại khu dân cư.

PHÁT HUY VAI TRÒ “TUỔI CAO, GƯƠNG SÁNG”

Theo ông Nguyễn Công Sởi, Chủ tịch Hội NCT tỉnh, ngoài tạo ra của cải vật chất, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trang trại, doanh nghiệp của NCT đã góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, đặc biệt là tích cực trong công tác nhân đạo, từ thiện. Qua các tấm gương tiêu biểu của NCT làm kinh tế giỏi, đã góp phần giáo dục thế hệ trẻ tinh thần lao động, không cam chịu đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

“Để tạo thuận lợi cho NCT tham gia phát triển kinh tế - xã hội, mong các cấp, ngành có nhiều giải pháp như: hỗ trợ vay vốn, nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; kịp thời biểu dương, khen thưởng NCT tiêu biểu làm kinh tế giỏi…” - ông Sởi mong muốn.

Theo số liệu thống kê của Hội NCT tỉnh, toàn tỉnh hiện có gần 69.000 NCT, trong đó hơn 63.711 hội viên NCT đang sinh hoạt tại 111 cơ sở hội. Trong đó có 2.353 NCT làm kinh tế, 348 NCT là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, trang trại, doanh nghiệp.

NCT tỉnh Bình Phước đến từ hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, mang theo nhiều nét văn hóa và kinh nghiệm của các vùng miền. Đây là một thuận lợi để NCT trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Nhiều NCT đã trải qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, NCT tỉnh Bình Phước luôn thể hiện là lớp người cần cù lao động, giàu kinh nghiệm, kiên trung, có uy tín, gương mẫu trong gia đình và xã hội.

Truyền thống Việt Nam xưa nay đều rất coi trọng NCT. Các cụ ông, cụ bà sống mẫu mực, ham lao động chính là tài sản quý giá, một lực lượng quan trọng trong sự phát triển chung của xã hội. Với những thành quả đạt được, NCT Bình Phước đã khẳng định điều Bác Hồ từng nói: “Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức”.

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/146593/cay-cao-bong-ca-toa-mat-cho-doi