Cầu nối HTX mở cơ hội mới cho bánh đa nem truyền thống vươn ra thị trường

Hơn 30 năm trở lại đây, người dân thôn Trung Hà (xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã sớm quen với nhịp độ sản xuất và kinh doanh bánh đa nem quanh năm suốt tháng. Đây cũng là nền tảng để HTX sản xuất và tiêu thụ bánh đa nem làng nghề Trung Hà ra đời với mong muốn đồng nhất về chất lượng, tạo cơ hội để người dân địa phương an tâm phát triển nghề truyền thống.

HTX Trung Hà đã và đang nỗ lực đổi mới từ quy trình sản xuất đến phương thức hoạt động nhằm tạo thêm nhiều giá trị cho nghề sản xuất bánh đa nem. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến sự ưu tiên lợi ích dành cho chính người lao động và người tiêu dùng của HTX.

Ổn định quy mô, nâng cao chất lượng

Từ thời điểm được công nhận làng nghề truyền thống đến nay, hầu hết các hộ gia đình tại Trung Hà vẫn duy trì làm bánh đa nem đều đặn quanh năm. Tuy vậy, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cách làm”, vô hình trung khiến tình hình sản xuất tại đây còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu đồng nhất.

Vào tháng 5/2022, HTX sản xuất và tiêu thụ bánh đa nem làng nghề Trung Hà chính thức được thành lập. Đến nay, HTX có 25 hộ cùng sản xuất, cùng tham gia tạo dựng thương hiệu bánh đa nem làng nghề.

Theo ông Lê Ngọc Thanh, Giám đốc HTX, các hộ sản xuất trực thuộc đều phải tuân thủ yêu cầu chung về tính đồng bộ trong sản xuất. Điển hình, sử dụng chung loại gạo đầu vào, áp dụng nguồn nước sạch từ nhà máy, sấy bằng điện 3 pha thay vì than đá,... Điều này đã góp phần không nhỏ tạo ra hương vị dẻo thơm xen lẫn dai giòn vô cùng đặc trưng của bánh đa nem Trung Hà.

Kết quả ban đầu, tháng 8/2023, HTX thành công đạt chứng nhận HACCP, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đến cuối năm 2023, niềm vui nhân đôi khi HTX được công nhận OCOP 3 sao với 2 sản phẩm bánh đa nem sần màu nâu và bánh đa nem sần màu trắng.

Bên cạnh đó, thông qua sự giới thiệu của chính quyền địa phương, HTX cũng tích cực đưa sản phẩm góp mặt tại nhiều hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại tại địa phương và nhiều huyện lân cận như Đông Anh, Sóc Sơn,...

Sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó

Mỗi ngày, trung bình mỗi cơ sở tiêu thụ khoảng 2 tạ gạo, vào cao điểm có thể lên đến 5 tạ gạo. Điều này phụ thuộc phần lớn vào năng suất hoạt động của mỗi hộ sản xuất. Song, thông thường bánh đa nem của HTX đều có đầu mối là các nhà bán lẻ và doanh nghiệp đến lấy mỗi ngày, khó xảy ra tình trạng tồn đọng.

Từ cuối năm ngoái đến nay, giá gạo iên tục tăng nhưng giá thành phẩm vẫn luôn được HTX ưu tiên duy trì ổn định nhằm phục vụ tối đa nhu cầu khách hàng.

Dựa theo hạch toán từng cơ sở, doanh thu bình quân của HTX đạt 17 - 18 tỷ mỗi năm. Nhờ vậy, mỗi lao động chính tại xưởng có thể nhận bình quân 15 triệu/người/tháng, lao động thời vụ dao động ở mức 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Để tối ưu thời gian và năng suất lao động, HTX đã chủ động đầu tư đồng bộ về máy móc. Trong đó, cơ sở sản xuất và cơ sở đóng gói được đảm bảo trang bị đầy đủ từ máy xay, dây chuyền bao gồm buồng sấy cùng buồng hấp, quạt hút nước và điện 3 pha, phòng sấy, máy cắt.

Theo chia sẻ của nhiều lao động tại HTX, trước đây bà con chủ yếu sử dụng than đá hoặc than tổ ong để phục vụ làm bánh, nhưng từ khi chuyển sang áp dụng điện 3 pha cùng nhiều máy móc hiện đại, chất lượng bánh qua kiểm nghiệm và sức khỏe bà con đều được đảm bảo.

Hiện tại, HTX cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm công nhận nhãn mác và bảo hộ nhãn hiệu tập thể bánh đa nem làng nghề Trung Hà. Bởi, thực chất hiện nay, HTX mới chỉ đạt được sự đồng bộ về sản xuất, còn vấn đề về bản quyền thương hiệu là chưa đáng kể.

Bánh đa nem của HTX Trung Hà tiêu thụ đều đặn mỗi ngày qua các kênh đầu mối nhờ uy tín trong sản xuất và chất lượng.

Giám đốc HTX Lê Ngọc Thanh lý giải, từ trước đến nay, bà con chủ yếu là tự sản tự tiêu mà chưa thực sự đầu tư tìm hiểu về nhãn mác. Chính vì vậy, tuy mỗi ngày HTX sản xuất từ hàng tấn đến hàng chục tấn bánh đa nem nhưng khi đóng gói lại phải sử dụng đến nhãn hiệu của nhiều nơi khác. Việc này dù vẫn tạo kênh tiêu thụ bền vững cho bà con, nhưng lại khiến HTX rơi vào tình trạng khó có độ nhận diện trên thị trường.

Mạnh dạn chọn lối đi từ “gốc”

Ông Thanh cho biết thêm, về lợi thế, HTX đã và đang thụ hưởng những ưu đãi về chế độ vay vốn đối với các hộ sản xuất kinh doanh làng nghề có sản phẩm OCOP. Qua đó, vấn đề về vốn được đảm bảo để HTX yên tâm đầu tư sản xuất.

Hiện tại, vấn đề lớn nhất của HTX vẫn là khâu quản lý, đặc biệt là về quy trình hoạt động và nguồn nhân lực.

Đối với quy trình hoạt động, trong năm nay, HTX sẽ đề cao quản lý chặt chẽ từ giai đoạn đầu vào đến vận hành máy móc của từng loại bánh và từng tổ liên quan. Cụ thể, HTX đang phân chia sản xuất cho các hộ trực thuộc để hạn chế tình trạng “thiếu trước, hụt sau”, chất lượng lại không được đảm bảo.

Từ trước đến nay, bà con địa phương vẫn luôn quan niệm nghề làm bánh đa nem đơn thuần chỉ là nghề phụ, do đó HTX hiện tập trung chủ yếu là lao động lớn tuổi và thiếu hụt nhiều lao động trẻ.

Theo ban lãnh đạo HTX, các hộ đăng ký đều phải tôn trọng hoạt động tập thể, có như vậy mới tạo ra sự đồng nhất về giá cả, chủng loại, kích cỡ và chất lượng cho bánh đa nem làng nghề. Việc này được kỳ vọng sẽ nhanh chóng đi vào ổn định khi HTX hoàn tất quy chuẩn về nhãn mác, bao bì cho sản phẩm bánh đa nem làng nghề Trung Hà.

Đối với nguồn nhân lực, HTX đang tập trung vào đào tạo những lao động hiện có, xuất phát từ người lớn tuổi tại địa phương. Bởi lẽ, thanh niên có trình độ về kiến thức, công nghệ và kỹ thuật chưa thật sự hứng thú tham gia, đặc biệt là khi thu nhập từ nghề truyền thống chưa cạnh tranh được với nhiều ngành nghề khác.

Tuy vậy, Giám đốc Lê Ngọc Thanh quan niệm vấn đề của HTX cần giải quyết “từ gốc tới ngọn”. Theo đó, cột mốc OCOP 3 sao đã trở thành động lực sản xuất tiên quyết của các hộ tham gia HTX theo quy trình đồng nhất, từ đó bình ổn giá cả, xây dựng thương hiệu, đa dạng thị trường.

Qua đây, HTX cũng đề xuất Phòng kinh tế địa phương cùng các cơ quan chuyên môn tạo điều kiện hỗ trợ tập huấn bà con về kiến thức quản lý mã vạch, phát triển nhãn hiệu nhằm hạn chế rủi ro, tránh bỡ ngỡ. Trước đó, HTX đã khảo sát tại các cơ sở trực thuộc và nhận được sự tán đồng cao của người dân về vấn đề này.

Để sản phẩm làng nghề phát huy tối đa thế mạnh địa phương và phát triển kinh tế, HTX cũng mong muốn có cơ hội mở rộng quy mô hoạt động cũng như diện tích sản xuất, từ đây khơi dậy tiềm năng du lịch trải nghiệm. Về lâu về dài, điều này cũng góp phần tạo thêm nhiều công ăn việc làm, thu hút lao động trẻ và lao động trình độ cao.

“Chúng tôi mong muốn làm sao để người hưởng thụ là chính bà con, trước đây bán ra 5 đồng thì nay phải lên được 10 đồng. Mục đích chính vẫn là làng nghề có sản phẩm đặc trưng của địa phương, mang thương hiệu làng nghề Hà Nội, bà con được hưởng lợi về tài chính, người tiêu dùng được hưởng lợi về sản phẩm sạch, thân thiện, an toàn”, Giám đốc HTX Lê Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Bùi Ly - Bích Tâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/cau-noi-htx-mo-co-hoi-moi-cho-banh-da-nem-truyen-thong-vuon-ra-thi-truong-1099181.html