Câu hỏi nhức nhối từ cơn sốt vàng xanh ở New Zealand

Ngành công nghiệp thông ở New Zealand đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, điều này đi kèm với câu hỏi về những hệ quả tiềm tàng của phế phẩm lâm nghiệp khi có thời tiết cực đoan.

Bầu trời tại Wairoa đã hiện màu trong xanh. Sau một đêm dài mưa gió, Mặt Trời lại ló rạng.

“Đó là một ngày trời đẹp”, Terina Henare nói, đứng trong trang trại vốn là nơi sinh sống của gia đình cô qua nhiều thế hệ. Vào sáng sớm, cô thích cảm giác thức dậy và nhìn ra sau nhà, ngắm những cái cây và marae (nhà hội họp của người Maori) ở đằng xa.

“Sau đó, tôi nghe thấy tiếng bố hét lên: ‘Có thứ gì đó đang đến’. Nó giống như cơn sóng thần. Mọi thứ đổ dồn về phía chúng tôi. Đó không phải là nước, mà là bùn, cây cối và mảnh vụn”, cô kể lại.

Henare bám vào hàng rào khi sự việc xảy tới. 30 phút sau, cô và người cha 70 tuổi, Isaac Henare, phải trèo lên mái nhà, nhìn dòng nước chảy qua.

Hiện tại, mọi thứ gia đình có thể giữ lại đều chất trong nhà để xe. Họ cẩn thận dùng xẻng xúc bùn ra khỏi nhà, nhưng dấu vết về nước dâng vẫn còn hiện rõ trên giấy dán tường. Trang trại này không có bảo hiểm, và ông Issac quyết tâm không rời nhà mà ngủ trên chiếc giường đơn.

Trong khi đó, bên dưới cầu Mangatokerau, hàng nghìn khối gỗ đã lấp lòng sông. Theo Guardian, tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão Gabrielle, có thể dễ dàng bắt gặp những cảnh tượng như vậy khi các khúc gỗ lấp đầy các tuyến đường thủy. Những cảnh tượng này đã khơi mào cuộc tranh luận về hệ quả từ phế phẩm lâm nghiệp thương mại.

“Mọi thứ phải thay đổi”

Ngành lâm nghiệp thông của New Zealand đang mở rộng nhanh chóng, một phần được thúc đẩy bởi nhu cầu về tín chỉ carbon.

Tuy nhiên, “slash” - phế phẩm từ các hoạt động lâm nghiệp, gồm đống cành lá cắt sau khi đốn hạ, những chất thải như cành, thân cây, khúc gỗ hay mảnh vụn bị bỏ lại - có thể gây rủi ro trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Slash có thể tạo thành các con đập, chuyển hướng dòng chảy của nước, làm ngập các thị trấn và trang trại, đồng thời làm sập cầu và đường.

Theo Otago Daily Times, slash đang là vấn đề nhức nhối tại bờ biển phía Đông New Zealand. Theo đó, slash có thể đã góp phần vào việc tàn phá các thung lũng tại Vịnh Hawkes và Tairāwhiti trong bão Gabrielle. 9 trong số 11 trường hợp tử vong trên toàn New Zealand đến từ 2 khu vực này.

Theo New Zealand Herald, tại các nước phát triển, vấn đề về slash được quy định rõ ràng, hoặc thậm chí bị cấm. Nhưng dù đây là câu chuyện đã có từ nhiều năm, các chính trị gia New Zealand vẫn chưa có kế hoạch giải quyết.

Những khúc gỗ khổng lồ tương tự ở cầu Mangatokerau (trong ảnh) đã phá sập nhiều cây cầu khác bắc qua khu vực lâm nghiệp ở New Zealand. Ảnh: Guardian.

Hôm 24/2, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins đã công bố cuộc điều tra kéo dài hai tháng về vai trò của lâm nghiệp trong thảm họa lần này. “Mọi thứ phải thay đổi”, ông nói. “Slash xuất hiện trên biển, trên sông hoặc trong trang trại là không thể chấp nhận được”.

Việc các công ty lâm nghiệp có thể gây ra thiệt hại lớn tới vậy mà không phải chịu trách nhiệm khiến nhiều người kinh ngạc. Trong khi đó, quy định khác cho thấy công dân có thể bị phạt tới 5.000 NZD theo Đạo luật xả rác năm 1979, và nếu việc xả rác gây nguy hiểm, mức phạt sẽ tăng lên, thậm chí là phạt tù.

Một số công ty lâm nghiệp từ chối yêu cầu bồi thường thiệt hại. “Tôi chưa thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy các hoạt động lâm nghiệp trực tiếp gây hại cho những khu vực xung quanh”, Bert Hughes - giám đốc điều hành Forestry Enterprises - cho hay.

Các tổ chức lâm nghiệp khác cho biết việc trồng cây giúp ổn định đất bị xói mòn, giảm nguy cơ sạt lở đất. Tuy nhiên, một số người, như Chủ tịch Hiệp hội Chủ rừng Grant Dodson, đồng tình phải giảm số lượng cành bị chặt phá.

"Cơn sốt vàng xanh"

Rừng thông Radiata che phủ khắp những ngọn đồi Tairāwhiti. Loài cây này vốn không có nguồn gốc từ New Zealand, nhưng phát triển mạnh ở đây. Nó cũng được coi là một trong những loài cây lâm nghiệp phát triển nhanh và sinh lời nhất.

Ngata-Gibson là nhà lãnh đạo của Mana Taiao Tairāwhiti - nhóm dành nhiều tháng kiến nghị chính phủ điều tra về slash. Trong khi bão Gabrielle đẩy vấn đề này lên tầm quốc gia, suốt nhiều năm, cộng đồng tại Tairawhiti đã vận động điều chỉnh ngành này.

Họ nói thúc đẩy mạnh mẽ việc trồng thông sẽ đẩy lượng lớn trầm tích, khúc gỗ và mảnh vụn xuống các ngọn đồi mỗi khi có hiện tượng thời tiết cực đoan.

“Đây phải là bước ngoặt trong lịch sử của chúng ta”, bà Ngata-Gibson nói, nhấn mạnh rằng New Zealand cần suy nghĩ lại toàn bộ cách tiếp cận với lâm nghiệp: Thay thế các đồn điền thông độc canh bằng rừng bản địa.

“Đây là vấn đề khi con người nghĩ mình biết rõ hơn thiên nhiên, nhưng không hiểu vị trí của mình”, bà nói thêm.

Dẫu vậy, những nỗ lực hạn chế trồng và thu hoạch thông đang đi ngược lại những động lực kinh tế mạnh mẽ ở New Zealand. Trên con đường giữa Wairoa và Gisborne, những gì còn lại là tàn tích của trang trại cừu và bò. Hàng rào động vật vẫn còn đó, nhưng gia súc đã biến mất. Thay vào đó là cây thông, điểm xuyết trên sườn đồi.

Gỗ chất đầy tại các bãi biển xung quanh Gisborne và Hawkes, khi một lượng lớn phế phẩm lâm nghiệp bị cuốn trôi xuống hạ lưu sau bão. Ảnh: Guardian.

Năm ngoái, chính phủ cho phép các rừng thông phát triển nhanh nhằm kiếm được các khoản tín chỉ carbon, với mục đích giúp New Zealand đạt mục tiêu giảm phát thải ròng. Động thái này giúp thúc đẩy “cơn sốt vàng xanh”, với số lượng lớn trang trại chuyển sang lâm nghiệp.

Nghiên cứu năm 2022 từ Beef & Lamb phát hiện các trang trại đang được mua lại để trồng thông với tốc độ 50.000 ha/năm - cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ chính phủ ước tính theo các chương trình mua bán phát thải.

Ở vùng hạ lưu, tại một bãi biển ở Vịnh Tolaga, Te Waiotu Fairlie rón rén đi xuống bờ biển. Xung quanh cô là biển thông gãy đổ. Khắp nơi là những khúc gỗ khổng lồ nằm dọc bãi biển, cành cây chổng lên lởm chởm. Dưới biển, những cơn sóng lăn tăn với những mảnh vụn đen.

Hơn một nửa dân số Tairāwhiti là người Maori. Một số người nói việc chuyển đổi môi trường đang đe dọa toàn bộ lối sống của họ: Đường thủy ô nhiễm, lươn bản địa chết trên sông, nhóm biển và tôm càng bị phù sa làm chết ngạt.

Trong lần cuối Fairlie lướt sóng, một khúc gỗ dưới nước đã đập vào ván của cô. “Thật đáng sợ. Bây giờ, những khúc gỗ xuất hiện ngày càng nhiều, không chỉ mỗi khi có mưa”, cô nói. “Tôi không thể làm bất cứ điều gì. Tôi không thể lấy hết gỗ ra khỏi nước hay làm sạch nước được”.

Trong khi đó, trên đất liền, tại nhà của Janina Kopua, đống gỗ xuất hiện sau cơn bão Hale hồi tháng 1 vẫn còn chất thành đống. Chưa đầy 2 tháng sau lần dọn dẹp gần nhất, ngôi nhà của cô lại bị ngập phù sa tới tận đầu gối.

Bên ngoài, mưa rơi cả ngày, làm nước sông dâng cao, với các cảnh báo thời tiết màu đỏ và cam thúc đẩy các cuộc di tản mới, đặt cộng đồng vào tình thế nguy hiểm.

“Cứ mỗi trận mưa lớn là chúng tôi lại lo lắng”, Janina nói.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-hoi-nhuc-nhoi-tu-con-sot-vang-xanh-o-new-zealand-post1407163.html