Cậu học trò dũng cảm cứu người ở biển Hóc Mó

Nghe tiếng kêu cứu thất thanh, em Võ Tấn Đệ, 12 tuổi, học sinh Trường Trung học cơ sở Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) lao mình xuống biển cứu 2 người bị sóng nhấn chìm. Việc làm của cậu học trò lớp 6 như hạt muối mặn đầy ắp nghĩa tình, được người dân trên địa bàn trân quý. Cũng chính hành động nhân ái ấy, vừa qua, Đệ được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu 'Tuổi trẻ dũng cảm'.

Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi trao Huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" cho em Võ Tấn Đệ. Ảnh: Văn Tánh

Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi trao Huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" cho em Võ Tấn Đệ. Ảnh: Văn Tánh

“Hiệp sĩ" cứu người

Men theo con đường ngoằn ngoèo dẫn vào làng chài Thạnh Đức 1 thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tôi hỏi nhà cậu học trò cứu 2 người bị đuối nước ở biển Hóc Mó, người dân địa phương ai cũng nhiệt tình dẫn đường. Nhà Đệ nằm sâu trong thôn, để giúp tôi đến được gia đình em, người dân phải “chạy tiếp sức”. Mỗi người dẫn một đoạn, rồi bàn giao lại cho người ở chặng tiếp theo.

Chị Nguyễn Thị Ba, người đưa tôi ở chặng cuối vừa đi, vừa bảo: Chú biết không? Bà con ở đây ai cũng gọi Đệ là “hiệp sĩ" cứu người hết á!

Ngoái đầu lại phía chị, tôi thắc mắc: Gì mà "hiệp sĩ" dữ vậy chị?

Chị Ba nhanh nhảu ứng khẩu: Chú không biết đó thôi, hôm ấy, một số người đứng trên bờ còn lưỡng lự, chưa dám xuống cứu. Chỉ có Đệ dũng cảm nhất, cậu ta nhảy xuống nước rồi bơi như con rái cá, kéo lần lượt 2 nạn nhân lên bờ. Nói thiệt, không có Đệ thì 2 nạn nhân chìm nghỉm rồi.

Lời chị Ba nói giúp tôi ngộ ra rằng, người xứ biển mặn tình, nặng nghĩa như hạt muối. Ai tốt tính, giúp đỡ người khác thì họ tôn là “hiệp sĩ” thôi. Cái danh hiệu ấy vô hình, nhưng lại hiện hữu trong tâm can của cộng đồng cư dân, của những con người yêu quý hành động đẹp, chứ chẳng phải của tổ chức, hay cơ quan nào khen tặng họ mới tôn vinh.

Gặp Đệ trong những ngày Hè oi bức, nhìn vào đáy mắt cậu “hiệp sĩ” nhí, tôi thấy lòng dịu mát đến lạ thường. Hỏi chuyện cứu người, Đệ hồn nhiên kể lại: Khoảng 16 giờ, ngày 10/4, em cùng nhóm bạn đến bãi biển Hóc Mó (thôn Thạnh Đức 2, phường Phổ Thạnh) đá bóng. Trong lúc vui chơi, em bất giác nghe tiếng kêu thất thanh phát ra từ ghềnh đá. Hướng mắt về phía mặt biển, em phát hiện chị Mai Thị Thanh Ngân (14 tuổi) và anh Phạm Minh Quân (19 tuổi), cùng trú ở địa phương đang chới với giữa làn sóng ngầm. Không một chút chần chừ, em bảo nhóm bạn chạy gọi người hỗ trợ, còn em lao xuống nước cứu 2 nạn nhân.

Đệ thổ lộ: Em thấy chị Ngân bị chìm nên lặn xuống đẩy chị lên khỏi mặt nước cho chị thở. Rồi em nắm áo vừa bơi, vừa kéo chị vào bờ. Cứu được chị Ngân, em tiếp tục bơi ra nắm chân anh Quân lôi vào. Lúc cứu anh Quân, em mệt lắm, vì sóng đã đẩy anh ra xa. Đưa được 2 anh chị lên bờ thì em cũng bị đuối sức. Mấy người lớn thấy vậy chạy ra sơ cứu, đưa em với 2 anh chị vào bệnh viện.

Cuộc “giải cứu” nạn nhân đuối nước của Đệ khiến ai chứng kiến cũng đều thán phục. Điều đáng trân quý ở Đệ, đó là trong lúc cứu người, sóng biển đẩy em vào ghềnh đá bị thương tích, song em vẫn cố gắng cứu cho bằng được 2 nạn nhân. “Sóng xoắn ốc, nó cụp em xuống dưới nước sâu. Cái chân em nó kẹp vào khe đá, giống như có ai đang ở đằng sau nắm kéo lại. Em quẫy cái chân phía trước lên, đạp cái chân phía sau cho bung ra, rồi kéo tiếp. Kéo chị Ngân vô xong, em bay xuống cứu tiếp anh Quân, mà không biết đến cái chân mình đang bị thương gì hết. Lúc lên bờ, em mới thấy đau, giống bong gân lắm” - Đệ bộc bạch.

"Gieo mầm" nhân ái

Người làng biển sống bên chân sóng, dông bão ập đến bất thường, tai nạn rủi ro cũng theo đó mà xảy ra. Nghĩa cử cao đẹp của Đệ đã giúp những gia đình không may lâm nạn giữ được mạng sống, góp phần lan tỏa lòng nhân ái, tình yêu thương con người. Buôn bán ở biển Hóc Mó, bà Ngô Thị Lịch từng chứng kiến nhiều trường hợp đuối nước thương tâm nên bà càng trân quý hành động dũng cảm của Đệ. “Thấy 2 cháu bị nạn, tui hoảng quá, đứng chôn chân luôn. May có cháu Đệ bơi ra cứu, chứ không 2 đứa nhỏ chìm luôn rồi. Tuổi nhỏ mà biết yêu thương người khác cũng là tấm gương hiếm có” - bà Lịch trải lòng.

Thời gian qua mau, kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn đuối nước, song mỗi khi có người về biển Hóc Mó hỏi “hiệp sĩ" cứu người thì dân làng lại nhắc đến em Võ Tấn Đệ. Họ tụm năm, tụm bảy bên quán nước ven bờ nói cười xôn xao, gương mặt ánh lên niềm tự hào về cậu học trò lớp 6 dũng cảm.

Em Phạm Minh Quân, một trong 2 người bị nạn chia sẻ: “Đệ quên cả thân mình để cứu em. Em cảm thấy bản thân đang nợ Đệ một thứ gì đó rất đáng quý, mà không biết lấy gì đền đáp”.

Tìm về nơi học tập của Đệ, thầy Võ Tấn Khả, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phổ Thạnh cho tôi hay: Tôi rất tự hào về em Đệ. Đây là tấm gương tốt để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường. Trường đã tặng Giấy khen, đồng thời tuyên dương em cho các em học sinh khác noi theo.

Biển mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho người dân, song những cơn sóng dữ cũng thường trực gây tai nạn cho những ai vô ý, bất cẩn. Việc làm của Đệ như "gieo mầm" nhân ái trên làng biển, để người dân yên tâm mưu sinh theo cùng con sóng.

Văn Tánh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cau-hoc-tro-dung-cam-cuu-nguoi-o-bien-hoc-mo-post463000.html