Cầu Đầm Vạc - Điểm nhấn đô thị Vĩnh Phúc

Thi công trong điều kiện phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, cộng với ảnh hưởng bởi tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm, giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, cát sỏi, công lao động tăng cao; song, với quyết tâm đưa công trình vào sử dụng đúng dịp chào mừng kỷ niệm chiến thắng (30/4) và Ngày quốc tế lao động (1/5), chủ đầu tư và nhà thầu thi công cầu Đầm Vạc đã nỗ lực tranh thủ thời gian, đẩy nhanh tiến độ thi công, quyết tâm hoàn thành công trình trước thời gian, phục vụ đời sống dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tạo điểm nhấn đô thị Vĩnh Phúc trong thu hút đầu tư và du lịch.

Cầu Đầm Vạc đang khẩn trương hoàn thiện để bàn giao và đưa vào sử dụng

Cầu Đầm Vạc đang khẩn trương hoàn thiện để bàn giao và đưa vào sử dụng

Ý nghĩa xã hội to lớn

Cầu Đầm Vạc là dự án công trình giao thông trong đô thị; công trình cầu cấp III, đường dẫn đầu cầu cấp II; cột tháp trang trí công trình dân dụng cấp II. Hệ thống điện chiếu sáng công trình dân dụng cấp III, thuộc dự án nhóm B được xây dựng trên diện tích mặt bằng 4,01 ha thuộc phường Đồng Đa và 1 phần xã Thanh Trù (Vĩnh Yên).

Đây là dự án về hạ tầng giao thông quan trọng của thành phố Vĩnh Yên, được đầu tư xây dựng nối đường Kim Ngọc – Cầu Ðầm Vạc – QL2 – Đường tránh quốc lộ 2 phía Đông thành phố Vĩnh Yên. Dự án có điểm khởi đầu tại khu đô thị River Bay Vĩnh Yên, bắc ngang qua hồ Đầm Vạc và kết nối với khu vực phía Nam thành phố Vĩnh Yên.

Cầu Đầm Vạc hoàn thành sẽ giúp cho việc giao thương đi lại trên trục chính Bắc – Nam của thành phố Vĩnh Yên trở nên thuận tiện. Dự án cũng giúp gắn kết các khu đô thị đang hình thành và phát triển, tạo không gian phát triển du lịch, dịch vụ quanh Đầm Vạc và làm cơ sở phát triển đồng bộ các ngành kinh tế khác.

Dự án Cầu Đầm Vạc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư năm 2015; đến tháng 6/2019, dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư theo Quyết định số 797/2019 của Thủ tướng Chính phủ với tổng mức đầu tư 612,5 tỷ đồng, trong đó, vốn vay nước ngoài hơn 500,6 tỷ đồng, vốn đối ứng 111,9 tỷ đồng (tương đương 27,3 triệu USD, theo tỷ giá công bố của Bộ Tài chính thời điểm tháng 4/2018).

Cầu có cấp kỹ thuật của đường dẫn hai bên đầu cầu thiết kế theo tiêu chuẩn Đường phố chính đô thị thứ yếu TCXDVN 104-2007. Mặt cầu thiết kế theo Tiêu chuẩn thiết kế cầu đường bộ TCVN 11823:2017, gồm 2 đơn nguyên cầu độc lập được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; cầu có 9 trụ tháp nằm giữa 2 đơn nguyên cầu; 13 trụ tháp trên giữa hè phố đi bộ của mỗi bên đơn nguyên cầu, tổng số 26 cột trụ, chiều cao cột H=4,6m.

Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài (VPMO) tỉnh. Nhà thầu thi công là Liên danh 3 công ty gồm: Công ty Cổ phần Cầu 14, Licogi 18 và Công ty Cổ phần Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô.

Ngày 01/10/2020, dự án chính thức khởi công. Theo kế hoạch, Cầu Đầm Vạc sẽ được thi công trong 15 tháng và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, do chậm trễ trong công tác GPMB và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dự án không thể hoàn thành theo thời gian thực hiện đã được phê duyệt.

Để đảm bảo hoàn thành dự án đáp ứng các mục tiêu đề ra, VPMO đã báo cáo UBND tỉnh cho phép triển khai thủ tục điều chỉnh, gia hạn thời gian thực hiện dự án đến hết 31/12/2022. Ngày 15/12/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, chấp thuận để VPMO có cơ sở triển khai các bước tiếp theo đúng tiến độ đề ra.

Quyết tâm thi công vượt tiến độ

Được sự quan tâm của Chính phủ và tỉnh cũng như nhà đầu tư, gói thầu tiếp tục được điều chỉnh thời gian thi công hoàn thành kéo dài thêm 5 tháng đến hết 31/5/2022 nhưng cũng không phát sinh chi phí, nhà thầu không có phản ánh, kiến nghị.

Kỹ sư Nguyễn Hoàng Thức, Trưởng Ban OFID - quản lý Dự án cầu Đầm Vạc cho biết: "Xác định công trình cầu Đầm Vạc là một dự án có quy mô lớn, giá trị về mặt kinh tế, xã hội, mặc dù thi công trong điều kiện dịch bệnh gia tăng, phức tạp, giá vật tư và công xây dựng lên cao nhưng hiểu được giá trị ý nghĩa của dự án, chúng tôi đã tranh thủ thời tiết, thực hiện 3 tại chỗ “Ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ, làm việc tại chỗ”.

Bên cạnh đó, đầu tư thiết bị máy móc hiện đại để ghép nối, thi công; khen thưởng đột xuất cho các cá nhân, tổ thi công thực hiện đúng tiến độ, nhất là các hạng mục quan trọng. Yêu cầu đặt ra nhanh nhưng phải đảm bảo chất lượng từng phần việc nhỏ nhất cho đến tổng thể gói thầu. Nhờ đó, mà công trình thi công an toàn, đảm bảo kỹ thuật, thời gian các hạng mục đề ra".

Đến giữa tháng 4/2022, kết cấu phần trên đã thi công xong 18/18 nhịp dầm, chiều dài dầm hoàn thành 620/620m dầm (đạt tỷ lệ 100%). Phần kết cấu phần dưới đã hoàn thành thi công, đạt tỷ lệ 100%; Hạng mục trụ trang trí: Đã hoàn thành 9/9 trụ bê tông, đạt tỷ lệ 100%.

Đến cuối tháng 4/2022, hạng mục đường dẫn đã thi công hoàn thành kết cấu áo đường, đạt tỷ lệ 100% khối lượng. Hạng mục trụ tháp phần thép: Đã gia công, tổ hợp 9/9 cột và đang tổ hợp lắp dựng trên công trường (tỷ lệ 95% khối lượng);...

Quyết tâm của chủ đầu tư và nhà thầu sẽ hoàn thành 100% khối lượng trước thời gian 5 tháng theo hợp đồng đấu thầu, khánh thành và đưa vào sử dụng đúng dịp Kỷ niệm 47 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4) và Ngày quốc tế lao động (1/5).

Lợi ích kinh tế của dự án

Ông Hồ Quang Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài (VPMO) tỉnh cho biết: Đầu tư xây dựng cầu Đầm Vạc nhằm từng bước hoàn chỉnh khung hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên; kết nối thông suốt đường hai bên đầu cầu đã xây dựng từ đường Kim Ngọc - Cầu Đầm Vạc - đường QL.2 tránh phía Nam thành phố Vĩnh Yên theo trục Bắc - Nam của quy hoạch xây dựng chung đô thị Vĩnh Phúc.

Kết nối hành lang vành đai phía Bắc và phía Nam, giảm tải và hạn chế ùn tắc giao thông khu vực trung thâm thành phố Vĩnh Yên; tạo điểm nhấn quan trọng và phục vụ du lịch của khu vực Đầm Vạc nói riêng và thành phố Vĩnh Yên nói chung.

Phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển KT- XH của thành phố Vĩnh Yên và đảm bảo thông suốt cho trục xuyên tâm chính của thành phố Vĩnh Yên. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu và kết nối hạ tầng giao thông vận tải cho các dự án đô thị đang hình thành và phát triển quanh Đầm Vạc như khu đô thị Bắc Đầm Vạc, khu đô thị Nam Đầm Vạc, khu đô thị Nam Vĩnh Yên, sân golf Nam Đầm Vạc, quy hoạch khu hồ Sáu Vó và nhân dân trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên.

Tăng hiệu quả đầu tư các dịch vụ du lịch hiện tại và tương lai. Góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của đô thị Vĩnh Phúc theo quy hoạch chung Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều phối các luồng xe quá cảnh qua thành phố Vĩnh Yên cũng như giao thông bên trong đô thị ra bên ngoài, góp phần làm giảm ách tắc giao thông trong đô thị.

Đặc biệt, xung quanh khu vực hồ Đầm Vạc hiện đang có nhiều dự án đầu tư khu đô thị lớn như Dự án Khu đô thị Nam Đầm Vạc và Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc (River Bay Vĩnh Yên) do một công ty thành viên của Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô là chủ đầu tư.

Việc đầu tư, cải tạo cảnh quan hồ, hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối hai bên hồ Đầm Vạc được sẽ giúp khai thác tốt hơn nguồn lực đất đai quanh khu vực.

Cùng với xây dựng Cầu Đầm Vạc, dự án Nạo vét và bảo tồn cảnh quan Đầm Vạc sẽ tạo nên một điểm nhấn đô thị hiện đại, hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội trên địa bàn tỉnh trong tiến trình xây dựng thành phố Vĩnh Phúc trong tương lai.

Bài, ảnh: Xuân Hùng

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/76523/cau-dam-vac---diem-nhan-do-thi-vinh-phuc.html