Câu chuyện vươn lên của anh Thành

Anh Lê Quang Thành (sinh năm 1973) không may bị mù từ một tai nạn bom mìn khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau tiếng nổ lớn ấy, những tưởng cuộc sống của anh sẽ kết thúc trong một màu đen tẻ nhạt cùng với nỗi đau khổ, tự ti. Thế nhưng may mắn thay, anh lại gặp chị - người phụ nữ đã trở thành đôi mắt của anh. Họ nỗ lực cùng nhau đi lên từ nghèo khó để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp như hiện tại.

 Sản xuất hương tăm mang đến thu nhập ổn định cho gia đình anh Thành - Ảnh: T.P

Sản xuất hương tăm mang đến thu nhập ổn định cho gia đình anh Thành - Ảnh: T.P

Trong ngôi nhà khang trang nằm yên bình bên nhà thờ An Đôn, phường An Đôn, thị xã Quảng Trị, chúng tôi có dịp gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện về nghị lực vượt lên số phận của vợ chồng anh Thành.

Anh Lê Quang Thành sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đông con tại Phường 1, thị xã Quảng Trị. Hầu hết thời gian bố mẹ anh đều “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” ngoài đồng ruộng, làm thuê, làm mướn để có đủ tiền trang trải cuộc sống. Tuy là con trai nhưng anh Thành biết làm mọi việc trong nhà để phụ giúp bố mẹ, từ nấu ăn, giặt giũ cho đến chăn trâu cho hợp tác xã, cắt cỏ ngoài đồng. Không những thế, tranh thủ sau giờ học, anh còn kiếm thêm thu nhập từ nghề buôn bán ve chai. Những ngày tháng cùng bố đi cày thuê có lẽ sẽ trở thành một ký ức đẹp trong anh nếu như vụ nổ bom kinh hoàng ấy không xảy ra. Trong ký ức của anh Thành, tiếng nổ đó dường như vẫn còn văng vẳng bên tai, trở thành nỗi ám ảnh với anh ngay cả trong giấc ngủ. Một ngày, anh cùng ba ra đồng. Trong lúc cày ruộng, ba anh phát hiện một quả bom bị chôn sâu dưới đất, đã bị bùn đất bám chặt lâu ngày. Chủ quan cho rằng bom đã nổ, ông ném lên bờ để con trai nhặt về bán ve chai. Trên bờ, anh Thành vui mừng vì nhặt được “chiến lợi phẩm”, ngồi gõ vào quả bom cho rơi bùn ra thì bom đột ngột phát nổ. “Đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được tiếng nổ kinh hoàng ấy. Mắt tôi rất đau, sau đó thì ngất lịm đi”, anh Thành cho hay.

Sau tiếng nổ lớn, anh đến Bệnh viện khu vực Triệu Hải, rồi Bệnh viện Hà Lan (nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị). Tỉnh dậy, anh được bác sĩ cho biết đã bị mất 50% thị lực, chỉ còn nhìn được bằng một mắt. Những vết thương trên cơ thể có thể lành theo thời gian, riêng đôi mắt thì không. Nỗi đau khổ, hối hận, dằn vặt cứ bủa vây lấy ba con anh. Từ đó, anh Thành bắt đầu làm quen với cuộc sống mới, không còn đi lượm nhặt ve chai mà chỉ loanh quanh trong nhà, phụ giúp ba mẹ những công việc lặt vặt. 3 năm kể từ ngày vụ nổ bom kinh hoàng ấy xảy ra, nỗi đau tưởng chừng đã nguôi ngoai ấy bỗng chốc lại trỗi dậy khi mắt anh Thành ngày càng mờ đi, thậm chí với những đồ vật ở cự ly gần, anh cũng rất khó để nhìn thấy. Gia đình tiếp tục đem anh đến kiểm tra tại các cơ sở y tế trong tỉnh nhưng đều nhận được câu trả lời rằng mắt anh có thể bị mù hẳn trong một thời gian ngắn. Anh Thành tâm sự: “Nỗi đau mà tôi phải đối diện khi ấy không chỉ là đôi mắt. Tôi cảm thấy bất lực trước mọi thứ. Những việc thường ngày một đứa trẻ có thể làm được, tôi lại không thể. Đã có lúc tôi nghĩ quẩn. Nhưng rồi lại không thể, sau lưng tôi còn biết bao nhiêu người”.

Phải mất đến 6 năm, anh Lê Quang Thành mới có thể làm quen lại với cuộc sống. Năm 1996, Hội Người mù thị xã Quảng Trị được thành lập với 14 hội viên, trong đó có anh Thành. Được tham gia hội, cùng những người đồng hoàn cảnh chia sẻ nỗi đau, chàng trai 23 tuổi bắt đầu tìm lại được mục đích sống của cuộc đời mình. Để các hội viên có việc làm, hòa nhập xã hội và không còn cảm thấy tự ti về bản thân, Hội Người mù thị xã Quảng Trị đã mở các lớp đào tạo nghề như làm tăm tre, làm chổi, tẩm quất, làm hương…

Nhưng ban đầu, mọi thứ đều rất mới mẻ và khó khăn. Anh Thành cùng một số hội viên khác phải nhờ người sáng mắt mua tre, vận động các mạnh thường quân mua máy cưa, máy tăm… sau khi làm ra sản phẩm tự mình đi chào hàng tại các trường học trong địa bàn, rồi mở rộng ra toàn tỉnh, các tỉnh lân cận, thị trường phía Nam. Sản phẩm của hội dần được người tiêu dùng quan tâm và ưa chuộng, ngày càng bán chạy hơn, cùng với đó, số lượng hội viên của hội cũng tăng dần lên. Anh Thành vừa đi chào hàng, vừa tranh thủ dạy, hướng dẫn cho các hội viên mới vào nghề. Cuộc sống của anh từ những bận rộn, khó khăn đó mà có thêm nhiều niềm vui.

Năm 1998, anh Thành kết hôn cùng chị Hồ Thị Gái. Hai người quen nhau trong những lần đi học tại nhà thờ khi anh còn sáng mắt. Đến khi anh Thành bị tai nạn, mù hai mắt, chị Gái vẫn yêu thương và sẵn sàng làm đôi mắt của anh, chăm lo cho anh suốt cuộc đời. Chị Gái bộc bạch: “Chúng tôi nảy sinh tình cảm sau những cuộc trò chuyện. Tính anh Thành ít nói nhưng lại rất quan tâm đến tôi. Tôi yêu anh vì chính sự lương thiện, nghị lực của con người ấy. Biết chuyện, nhiều người ngăn cản tôi vì sợ sau này sẽ khổ. Nhưng anh ấy cho tôi cảm giác an toàn, có thể nương tựa suốt những tháng ngày còn lại. Lâu dần, chúng tôi đã dùng tình cảm chân thành của mình để thuyết phục gia đình đôi bên”.

Là vợ của một người mù, chị Gái gặp không ít câu chuyện trớ trêu và nỗi khổ tâm không biết san sẻ cùng ai. Có những hôm mưa to gió lớn, chị đang mang bầu phải đạp xe chở anh từ nhà đến cơ sở làm tăm rồi chở về. Đường đất đỏ gặp mưa trở nên nhão nhoẹt khiến anh chị ngã sõng soài. Chị ngồi giữa đường bật khóc. Anh Thành thương vợ nhưng chỉ có thể ngồi im. Những ngày tháng vất vả cứ thế trôi qua trong êm đẹp. Giờ đây, anh chị còn có hai người con chăm ngoan, học giỏi để làm điểm tựa. “Tôi mừng vì tình cảm vợ chồng trải qua biết bao khó khăn vẫn có thể bền chặt đến hôm nay. Mỗi lúc mệt mỏi, vợ chồng lại động viên nhau cùng cố gắng hơn nữa”, anh Thành cho hay.

Sau khi lấy vợ, anh Thành chuyển về sống tại phường An Đôn, thị xã Quảng Trị. Do quãng đường đi đến hội xa, lại bất tiện trong di chuyển nên năm 2016, anh Thành được Hội Người mù thị xã đồng ý cho tách ra làm riêng tại nhà. Nhờ sự hỗ trợ ban đầu của Tổ chức RENEW Quảng Trị, gia đình anh sắm được một mô tơ đánh bột, 2 máy đạp hương, 2 giàn phơi… để vợ chồng hành nghề.

Quy trình làm ra một thẻ hương không quá phức tạp nhưng đòi hỏi sự khéo léo của người thợ, từ khâu nhập nguyên vật liệu, bỏ vào mô tơ đánh tơi, cho đến khi ra thành phẩm và đem đi phơi, đóng gói, vận chuyển. Trung bình 8 tiếng mỗi ngày, anh Thành làm ra 60 thẻ hương, mỗi thẻ bán từ 8 nghìn đến 10 nghìn đồng tùy theo loại. Công việc này tạo cho vợ chồng anh khoản thu nhập từ 5 - 6 triệu/tháng. “Nhờ nghề làm hương, vợ chồng tôi vươn lên thoát nghèo, có tiền trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học nên người”, chị Gái cho biết.

Chị Gái tuy cũng mắc các chứng bệnh về xương khớp, lòa mắt nhưng vẫn rất siêng năng làm ăn, không chỉ giúp chồng làm hương mà còn chăn nuôi gà, lợn để có thêm thu nhập. Khi chúng tôi đến thăm gia đình, vợ chồng anh Thành vẫn đang tất bật đạp hương, phơi và đem đóng gói cho kịp giờ giao hàng. Hương do anh chị sản xuất ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi giá cả phải chăng và đảm bảo chất lượng. Nhìn cách anh Thành động viên vợ trong mọi việc, chúng tôi hiểu rằng chẳng điều gì có thể phá vỡ tình cảm bền chặt của anh chị. Mong rằng câu chuyện của hai vợ chồng anh Thành sẽ là niềm cảm hứng cho những người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật… nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=153784