Câu chuyện về những bức ảnh nổi tiếng của nữ du kích Sóc Trăng

Chiến tranh đã đi qua, nhưng câu chuyện của những người nữ du kích ở Sóc Trăng vẫn được nhiều người nhắc đến, nhất là khi họ là nhân vật của những bức ảnh nổi tiếng của một thời gian khổ hào hùng…

Tấm ảnh “Nữ du kích Gia Hòa”

Chiều ngày 11/8/2023, tôi về ấp Long Hòa, xã Gia Hòa 1 (huyện Mỹ Xuyên) để thắp hương viếng thân mẫu của một đồng nghiệp vừa mới mất. Bước chân vào nhà, tôi vô cùng bất ngờ khi thấy một tấm ảnh rất quen thuộc với mọi người nói chung, với tôi nói riêng, tấm ảnh được nhà báo Lê Minh Trường chụp năm 1972 có tên “Nữ du kích Gia Hòa”. Tấm ảnh được phóng to, đặt trang trọng, ngay ngắn trước hiên nhà, gần cỗ áo quan người đã khuất. Trong ảnh là một nữ du kích có dáng người nhỏ nhắn, đang đứng trên một cánh đồng lúa mênh mông, đầu quấn khăn rằn, tay cầm khẩu súng tiểu liên M-16, loại súng tiêu chuẩn của lính Mỹ được trang bị trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, mắt nhìn về phía trước….Tấm ảnh này tôi đã được nhìn thấy ở nhiều nơi và rất tự hào về vẻ đẹp của người phụ nữ Sóc Trăng nói riêng, của người phụ nữ Việt Nam nói chung. Hóa ra, người mà tôi đi viếng chiều nay là nhân vật chính trong tấm ảnh nổi tiếng “Nữ du kích Gia Hòa”, cô là Lâm Hồng Đẹp…

“Nữ du kích Hòa Tú” của tác giả Lê Minh Trường.

Chị Nguyễn Việt Bắc (con gái cô Đẹp) cho biết, mẹ chị sinh năm 1956, là con gái lớn của một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Gia Hòa 1 (trước đây là xã Hòa Tú, sau chia thành nhiều xã, trong đó có xã Gia Hòa 1). Vừa tròn 18 tuổi, cô Đẹp tham gia lực lượng du kích ở địa phương.

Mẹ chị từng kể, hôm đó (vào năm 1972), lực lượng xã đội đi đánh đồn địch, đội nữ du kích được giao nhiệm vụ hậu cần, cứu thương. Cuộc tập kích kéo dài, quyết liệt. Sáng ra, đội du kích nữ được phân công đi tiếp tế lương thực. Trên đường băng qua một cánh đồng, đội nữ du kích xã Gia Hòa gặp các phóng viên đang tác nghiệp và nhà báo Lê Minh Trường đã chụp được tấm ảnh này.

Sau ngày hòa bình lập lại, đi xem trưng bày ảnh ở Đình thần Nguyễn Trung Trực, cô Đẹp mới thấy bức ảnh nữ du kích đầu quấn khăn rằn, tay cầm khẩu súng M-16 của Mỹ với tư thế rất hào hùng và nhận ra đó là mình. Ngoài tấm ảnh đó, còn có những bức ảnh đội du kích nữ Gia Hòa đang chuẩn bị hành quân và hội họp bàn kế hoạch công tác. Đặc biệt, trong số những nam du kích có anh Nguyễn Thanh Vân, sau này là chồng của cô Lâm Hồng Đẹp…

Ông Đỗ Văn Hên - Chủ tịch UBND xã Gia Hòa 1 chia sẻ: “Tấm ảnh của cô Lâm Hồng Đẹp rất ấn tượng với nhiều người bởi vẻ đẹp dịu dàng, duyên dáng của người thiếu nữ nông thôn Nam Bộ, vừa bình dị, gần gũi, vừa mạnh mẽ, kiên cường, thể hiện rất rõ phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Trong những năm kháng chiến, vợ chồng cô Đẹp đã cống hiến tuổi thanh xuân cho quê hương đất nước. Sau giải phóng, vợ chồng cô đã có nhiều đóng góp trong xây dựng quê hương, nuôi dạy con cái thành đạt. Không chỉ vậy, gia đình cô còn hiến đất làm đường, nhà sinh hoạt cộng đồng,…”.

Chị Nguyễn Việt Bắc tâm sự: “Chúng tôi rất tự hào về ba, mẹ của mình. Ba, mẹ tôi đã trải qua thời thanh xuân trong chiến tranh ác liệt, sau này đã hy sinh nhiều cho chị em chúng tôi. Chúng tôi luôn biết ơn ba, mẹ. Tấm ảnh của mẹ là động lực giúp chúng tôi rất nhiều trong cuộc sống”.

Tấm ảnh “Nữ du kích Ngã Năm”

Trong một lần về Ngã Năm (Sóc Trăng), tôi được xem một tấm ảnh chụp một nữ du kích trẻ trung, khăn rằn quấn trên đầu, mặc áo bà ba, đang kê súng trên vai, ngắm về hướng quân thù và được giới thiệu là “Nữ du kích Ngã Năm” và nữ du kích đó là chị Lưu Nguyệt Hồng, người con anh hùng của nơi có dòng sông đổ đi năm ngả…

Chị Lưu Nguyệt Hồng (bà con gọi là chị Ba Nguyệt Hồng) sinh năm 1950 ở xã Vĩnh Quới, huyện (nay là thị xã) Ngã Năm. Đây là vùng đất trù phú với những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Nơi đây có chợ nổi Ngã Năm chẳng thua kém gì chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Đặc biệt, nơi đây là một vùng đất có vị trí địa lý thuận tiện cho việc đi lại giữa các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, Cần Thơ… Quê hương chị là nơi có chi bộ Đảng đầu tiên của huyện được thành lập ở ấp Mỹ Đông, xã Mỹ Quới. Nơi có má Tám Huỳnh Thị Tân, người mẹ nhận được 2 danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Quê hương của chị còn là quê hương của người anh hùng Mai Thanh Thế…

Nữ du kích Ngã Năm Lưu Nguyệt Hồng. (Chụp lại ảnh tư liệu)

Chị Nguyệt Hồng kể: "Hồi đó chị còn nhỏ nhưng đã phải chứng kiến sự tàn bạo của quân thù. Chúng tra tấn dã man những người chúng gọi là Việt cộng với các hình thức dùng cây đập đầu, lê máy chém chém đầu, móc mắt, mổ bụng, moi gan… thật rùng rợn".

Chứng kiến những cảnh tàn bạo đó, chị nung nấu một ý chí phải đi chiến đấu trả thù cho quê hương, cho đồng bào. Ý nghĩ đó cộng với truyền thống cách mạng của dòng họ, của gia đình, một gia đình có 5 người con thì cả 5 đều tham gia cách mạng ngay từ khi tuổi trăng tròn…

Năm 1965, vừa tròn 15 tuổi, chị Ba Nguyệt Hồng đã tham gia cách mạng. Công việc ban đầu mà chị được chỉ huy phân công là phụ trách công tác quân y của đơn vị biệt động Ngã Năm.

Chị nói với tôi: "Công tác nào cũng là phục vụ chiến đấu. Trong chiến đấu, khi có anh em nào bị thương, chị băng bó, cứu chữa cho anh em xong rồi chị cầm súng của người bị thương tiếp tục chiến đấu với kẻ thù. Lúc bấy giờ, chị còn nhỏ tuổi và nhỏ người nữa nên chuyện bắn súng là cả một vấn đề. Loại súng phổ biến của anh em lúc đó chủ yếu là súng trường “bá đỏ”. Người khỏe bắn còn ê vai huống chi người yếu. Thế mà, có trận chị bắn hết hơn nửa bao đạn. Lúc đó đâu có nghĩ gì đến chuyện ê vai, tất cả cứ nhằm vào kẻ thù để trả thù cho đồng đội, cho đồng bào mà thôi".

Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, chị đã đánh rất nhiều trận, tiêu diệt được nhiều tên địch. Đến nỗi giặc ở Chi khu Ngã Năm hễ nghe đến tên chị là khiếp vía. Sợ đến nỗi chúng tìm mọi cách để bắt hoặc giết chị. Đi đâu, nghe có người phụ nữ nào tên Hồng là chúng bắt, đánh đập dã man với phương châm “Trăm lần bắt trật cũng có lần bắt trúng”. Cũng có lẽ vì thế mà lúc nào trong người chị cũng có sẵn một trái lựu đạn để lỡ có gặp giặc thì rút ra “cưa đôi” với chúng. Sau này, có một người phụ nữ gặp chị Ba, kể cho chị nghe chuyện vì cũng tên là Hồng nên chị bị giặc bắt, đánh đập cho đến trật khớp đầu gối để rồi mang tật suốt đời.

Sau 3 năm chiến đấu, vừa tròn 18 tuổi, chị Ba được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, được bầu vào chi ủy. Mấy tháng sau được bầu giữ chức Phó Bí thư chi bộ. Vinh dự thật lớn lao nhưng trách nhiệm hết sức nặng nề với cô gái Ngã Năm vừa tròn 18 tuổi ấy. Ấy thế mà chị vẫn hoàn thành tốt, được cấp trên tin cậy, anh em đồng đội tín nhiệm, yêu thương.

Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1968, chị Ba và đồng đội của mình bao vây, bức rút Chi khu Ngã Năm suốt 52 ngày đêm. Cũng trong những ngày đó, chị là người đã hạ lá cờ sọc dưa của giặc ở Chi khu Ngã Năm và hiên ngang kiêu hãnh kéo lá cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên trên bầu trời chi khu Ngã Năm trong tiếng reo hò của bà con, của đồng đội. Đó là giây phút hạnh phúc nhất trong đời chị.

Khi tôi hỏi trong những năm tháng cầm súng đánh giặc, chị có ấn tượng nhất về trận đánh nào, chị kể: "Trận đánh nào cũng đáng nhớ cả. Nhưng nhớ nhất là trận đánh ngày 23/11 âm lịch năm 1967 vào Chi khu Ngã Năm. Trước lúc đi đánh, thấy được tính chất ác liệt của trận đánh này, chị đã gỡ đôi bông tai của mình gửi lại cho má. Má thắc mắc thì chị nói mang theo lỡ nó móc vào cành cây mất thì tiếc…

Trận đó, theo hiệp đồng, đúng 0 giờ là nổ súng. Thế nhưng, do anh em pháo binh bị lạc đường nên mãi đến 2 giờ trận đánh mới bắt đầu. Lúc đó, địch chủ động phản công nên bộ đội, du kích phải rút về cố thủ tại đám lá tối trời ở Long Mỹ (Chương Thiện - nay là Hậu Giang) quần nhau với địch cho đến 2 - 3 giờ chiều chúng mới lui quân. Khi đó, chị vừa mới mổ ruột thừa được 1 tháng nên có phần đuối sức nhưng chị vẫn quyết tâm không rời trận địa. Lúc mệt quá, chị ngủ thiếp đi. Khi giật mình tỉnh lại mới biết mình nằm ngủ giữa hai người đồng đội đã hy sinh.

Trận đó, chị được anh em trong đơn vị bình chọn xuất sắc nhất. Từ năm 1970 - 1972, chị Ba giữ chức vụ Bí thư Chi bộ Đảng tại thị Trấn Phú Lộc, ngay giữa lòng địch. Năm 1973, chị giữ cương vị Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện Thạnh Trị.

Đến năm 1975, chị tham gia vào ban chỉ huy “gỡ mảng chuyển vùng” của địa phương cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong những năm tháng chiến đấu, chị 2 lần bị thương. Vết thương đó hiện nay vẫn còn hành chị mỗi khi trái gió trở trời. Về Ngã Năm - Phú Lộc, hỏi chị Ba Nguyệt Hồng, không ai là không biết. Thời chiến, chị là tấm gương chiến đấu quên mình, là niềm tự hào của nhân dân nơi đây.

Sau khi quê hương được giải phóng, chị Ba Nguyệt Hồng vẫn tiếp tục công tác tại địa phương. Năm 1977, chị được phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Thạnh Trị. Đến năm 1996, chị chuyển công tác về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng, chị là Phó Giám đốc Sở đến lúc nghỉ hưu. Năm 2005, chị được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nói về tấm ảnh, chị cười thật tươi: "Lúc đó mình có biết bị chụp hình đâu. Sau này, thấy anh em nói có tấm ảnh chụp nữ du kích Ngã Năm rất đẹp, xem thì mới biết nữ du kích trong ảnh là chị đó. Tấm ảnh được chụp vào khoảng năm 1969 thì phải…".

CAO XUÂN LƯƠNG

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/trong-tinh/cau-chuyen-ve-nhung-buc-anh-noi-tieng-cua-nu-du-kich-soc-trang-66953.html