Câu chuyện tình người dưới chân núi Pha Luông

Niềm hạnh phúc của cậu bé Sồng A Tủa (lớp 3, Điểm trường Pha Luông, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) là được sống trong tình yêu thương vô bờ bến của ông ngoại, sự quan tâm chu đáo của những người lính Biên phòng và sự dìu dắt tận tình của thầy giáo chủ nhiệm.

Sồng A Tủa bé bỏng

Lần đầu tiên Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Mạnh (Đồn Biên phòng Chiềng Sơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) gặp Sồng A Tủa là khi cậu bé đang cùng ông ngoại Sồng A Câu đi bộ từ trường về nhà ở trên núi Pha Luông, nằm sát biên giới Việt Nam- Lào. Anh cho hai ông cháu đi nhờ và đã trăn trở rất nhiều khi biết hoàn cảnh của Sồng A Tủa. 9 năm trước, Sồng A Tủa được sinh ra nhưng cho đến giờ vẫn chưa biết mặt cha bởi mẹ của em trí óc không được minh mẫn, ngay cả khi mang thai cũng không biết bởi vậy ông bà ngoại đã phải cưu mang, nuôi nấng cháu ngoại từ lúc lọt lòng.

Từ nhỏ, Tủa theo ông bà ngoại lên nương trồng ngô, trỉa lúa. Đến tuổi đi học, ông ngoại sửa sang lại căn nhà ở gần Điểm trường Pha Luông để có chỗ cho cháu ở lại những ngày đến trường. Cứ sáng thứ 2, Tủa theo ông ngoại đi bộ từ núi xuống điểm trường và chiều thứ 6, hai ông cháu lại đi bộ ngược về nhà trên núi. Đối với Sồng A Tủa, ông Câu không chỉ là ông ngoại mà còn như 1 người cha bởi vậy là người vô cùng đặc biệt, là chỗ dựa duy nhất của cậu bé.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Mạnh trở thành người thân của cậu bé Sồng A Tủa.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Mạnh đã báo cáo chỉ huy đơn vị với mong muốn sẽ có cách để giúp đỡ hai ông cháu. Thời gian sau đó, thông qua Đồn Biên phòng Chiềng Sơn, Phòng phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP tỉnh Sơn La đã nhận đỡ đầu Sồng A Tủa theo Chương trình “Nâng bước em đến trường-Con nuôi đồn Biên phòng”. Hàng tháng, phòng sẽ trích một khoản tiền để gửi ông Sồng A Câu, phần nào giúp chăm sóc cho Sồng A Tủa. Số tiền ấy tuy không nhiều nhưng nó cũng đủ mua mắm muối, chút thức ăn và vài vật dụng cho đứa trẻ để có thêm điều kiện để tới trường.

Thế nhưng, câu chuyện đầy nghĩa tình, nhân văn ấy không chỉ dừng ở đó. Tình thương của Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Mạnh thực sự đã không chỉ dừng lại là “thực hiện nhiệm vụ do chỉ huy giao”. Năm học mới, mặc dù bận rộn công việc nhưng anh vẫn dành thời gian tới nhà cắt tóc cho Sồng A Tủa. Anh cũng dẫn cậu bé đi mua quần áo, dép mới để ngày đầu tiên đến trường không thua kém bạn bè. Ngày đầu tiên đến trường, Sồng A Tủa vô cùng hạnh phúc khi được ông ngoại và Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Mạnh dắt vào tận lớp để gửi gắm cho thầy giáo.

Chia sẻ về những việc mình đã làm, Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Mạnh cho biết: “Khi tôi mới về nhận công tác, chỉ huy đơn vị có giao cho nhiệm vụ hàng tháng chuyển tiền và thăm hỏi, động viên cháu Sồng A Tủa. Mỗi lần tới nhà, thấy cuộc sống của cháu Sồng A Tủa thấy thương vô cùng. Ông thì già, mẹ thì thần kinh không ổn định, thằng bé như con chuột con nép sau lưng ông ngoại mỗi khi thấy khách đến. Ở đây không có chợ, hàng tháng nhận được tiền, tôi cân đối mua gạo, mắm, muối và một chút thức ăn cho gia đình. Thằng bé nhỏ quá vì không được ăn uống đầy đủ”.

Yêu thương đong đầy

Thực ra, đó chỉ là một trong số những việc mà Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Mạnh đã làm, còn rất nhiều chuyện khác mà người lính Biên phòng ấy không nhắc đến vì có lẽ, anh cho rằng không đáng để nói ra. Thế nhưng, với ông Sồng A Câu, cậu bé Sồng A Tủa hay những người trong bản Pha Luông, ai cũng biết, cũng nhớ. Thương hai ông cháu phải đi bộ vì không có xe, Thiếu tá Nguyễn Văn Mạnh thường chở hoặc nhờ người giúp khi mình bận việc.

Ngày cuối tuần, ông Câu và cháu ngoại lại về nhà ở trên núi Pha Luông để tranh thủ trồng hái và lấy thêm lương thực cho những ngày Tủa đi học. Thấy Sồng A Tủa đi học muộn so với tuổi nhưng sức vóc lại có phần nhỏ hơn bạn bè, thương cậu bé, Thiếu tá Nguyễn Văn Mạnh thường sẻ bớt thức ăn mang sang nhà cho hai ông cháu. Anh cũng dành thời gian để ghé vào Điểm trường Tiểu học Pha Luông, nơi Sồng A Tủa đang theo học. Anh tìm tới thầy cô chủ nhiệm để gửi gắm, mong thầy cô có sự quan tâm hơn vì Tủa thiệt thòi nhiều so với chúng bạn.

Sồng A Tủa và Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Mạnh trong ngày đầu tới trường.

Đầu năm học vừa rồi, Sồng A Tủa có thầy giáo chủ nhiệm mới. Đó là thầy Trần Xuân Hùng, một người thầy giáo lớn tuổi và có nhiều năm gắn bó với rẻo cao biên giới Mộc Châu này. Thực ra, đối với thầy Hùng, học trò nào thầy cũng thương vì học trò nào cũng nghèo, thế nhưng với Tủa thầy dành một tình cảm đặc biệt. “Em Tủa là học trò ngoan, không nghịch như các bạn, đọc rõ, làm phép toán được. Các chú Biên phòng có gửi gắm thế nhưng tôi cũng có trách nhiệm của riêng mình. Mong rằng những ngày đến trường với tình thương của thầy cô và bạn bè, cháu Tủa sẽ có nhiều niềm vui”.

Ông Câu không nhớ được năm sinh của mình, thế nhưng ông biết rằng mình đã nhiều tuổi, tóc ngày càng nhiều sợi bạc và sức khỏe ngày càng đi xuống. Trước đây, ông Câu rất lo lắng vì nghĩ rồi mình sẽ có ngày phải theo tổ tiên trong khi con gái ông thì không được bình thường, cháu ngoại còn quá thơ dại sẽ biết nương tựa vào đâu. Từ ngày nhận được sự giúp đỡ của những người lính Biên phòng cả về vật chất và tình cảm, ông Câu cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. “Tôi mừng lắm vì các chú Biên phòng sẽ nhận đỡ đầu cho cháu ngoại tôi đến khi học hết lớp 12. Như vậy, tôi đỡ lo việc cháu ngoại phải bỏ học dở chừng. Tôi vẫn luôn dạy cháu mình phải cố gắng hơn bạn bè, ngoan ngoãn, học tập tốt để không phụ công của các chú Biên phòng, của thầy giáo đã luôn yêu thương, giúp đỡ”.

Những lời tâm sự của ông Sồng A Câu khiến chúng tôi ai nấy đều rưng rưng. Vẫn biết rằng, con đường phía trước của cậu bé Sồng A Tủa sẽ còn rất dài, gặp không ít khó khăn nhưng chắc chắn sẽ nhẹ nhàng hơn vì đã có những người lính Biên phòng đồng hành.

Bài, ảnh: THANH TRÚC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/cau-chuyen-tinh-nguoi-duoi-chan-nui-pha-luong-746070