Câu chuyện phía sau thông báo trúng tuyển 20 năm về trước

Tròn 20 năm trước, khi đang làm việc tại một văn phòng luật sư ở quận Đống Đa, Hà Nội, tôi nhận được thông báo trúng tuyển vào Báo An ninh Thủ đô với vị trí phóng viên. Ngày đầu đặt chân đến Tòa soạn, bên cạnh niềm vui và sự phấn khích, trong tôi canh cánh nỗi lo của một lính mới vào nghề báo!

Nhà báo Huệ Anh

Áp lực từ nghề và những giọt nước mắt

Trong hơn 4 năm theo học tại trường Đại học Luật Hà Nội, tôi chưa từng mảy may nghĩ một ngày nào đó mình sẽ theo nghiệp báo chí. Bởi vậy, chưa khi nào tôi tìm hiểu về cách viết báo cũng như tò mò về công việc cụ thể của một phóng viên. Đến khi bước chân vào một cơ quan báo chí, tôi chẳng khác nào một cánh chim lạc đàn khi không biết kết cấu một bài phóng sự ra sao, một cái tin viết thế nào, văn phong báo chí có đặc trưng gì…

Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, khi mới vào nghề, tôi vô cùng hãnh diện và tự hào, thấy mình thật “oách” khi được gọi bằng hai từ “nhà báo”, nhưng khi thực sự dấn thân, tôi đã từng bước trải nghiệm với đầy đủ cung bậc cảm xúc.

Trong những ngày tháng đầu tiên trong vai trò phóng viên, dù đã đọc đi đọc lại những bài viết của đồng nghiệp, những tập bản thảo đã được Ban Biên tập chỉnh sửa từng câu, từng chữ, dấu chấm, dấu phẩy, nhưng có khi chỉ với 1 cái tin, tôi đã phải xóa đi viết lại hàng chục lần.

Phóng viên An ninh Thủ đô phỏng vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (thời điểm là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) bên hành lang Quốc hội

Cũng không ít lần tôi đã rơi nước mắt khi bị thẳng thừng từ chối phỏng vấn hay hoang mang không biết bắt đầu từ đâu khi được giao xác minh, xử lý những vụ việc khiếu kiện phức tạp, gặp những đối tượng đã từng vào tù, ra tội, những bạn đọc đã “vang danh’ trong làng báo với những tập đơn kiện cao ngất, những cuộc gọi “khủng bố” phóng viên mỗi đêm cùng sự đeo bám không biết mệt mỏi kéo dài nhiều năm trời… Tôi cũng đã từng sợ hãi đến nghẹt thở khi các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật đe dọa, rượt đuổi, đã từng buồn da diết khi thấy mình bất lực trong những sự cố nghề nghiệp bắt nguồn từ những câu chữ còn ngô nghê.... Bên cạnh đó, cách đặt tít bài, cách triển khai vấn đề, cách viết tin, bài cho hợp với phong cách tờ báo của lực lượng vũ trang cũng khiến tôi nhiều đêm trăn trở. Sự khắt khe của nghề báo đôi khi khiến tôi cảm thấy mệt mỏi muốn bỏ cuộc. Với đòi hỏi về sự nhanh nhạy, kịp thời trong nắm bắt, truyền tải thông tin, người làm báo lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng tác nghiệp, bất kể trong thời gian, hoàn cảnh nào.

Giống như các đồng nghiệp khác, tôi không chỉ phải lăn lộn với thực tế để lấy tư liệu viết bài mà còn phải hoàn thành tác phẩm đúng kỳ, đúng hạn, đặc biệt là với những bài viết mang tính thời sự, cuộc chạy đua lên bài sớm được tính đến từng phút giây. Có thể nói, thời gian là áp lực lớn nhất mà bất kỳ phóng viên nào cũng phải đối mặt nhất là khi báo điện tử đang chiếm thế thượng phong. Bên cạnh đó, trong quá trình tác nghiệp, người phóng viên phải giữ vững tinh thần không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng đến những nơi khó khăn, hiểm trở nhất để kịp thời phản ánh dòng chảy của cuộc sống, là cầu nối đưa những tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với chính quyền.

Hành trình dài đầy ý nghĩa

Tôi vẫn còn nhớ như in những buổi sáng mùa đông rét mướt, chúng tôi phải ra khỏi nhà từ 2-3 giờ sáng đi công tác tại Hà Giang, Thanh Hóa… để đến nơi cho kịp giờ làm việc rồi lại vội vã trở về ngay trong đêm.

Công việc của phóng viên không giống các công việc khác, có thể lúc mọi người nghỉ ngơi lại là lúc phóng viên bắt tay vào viết, truyền tin, bài về tòa soạn. Ngay sau đó, họ lại bắt tay ngay vào việc khai thác tin, bài và lập kế hoạch cho số báo tiếp theo, như một vòng quay vận động không ngừng, không xác định được điểm kết thúc.

Phóng viên Báo An ninh Thủ đô tặng quà cho các em nhỏ ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Vất vả là thế nhưng nghề báo luôn lấp lánh những niềm vui. Không vui sao được khi nhìn thấy những nụ cười, những ánh mắt hạnh phúc của những cảnh đời bất hạnh đã được giúp đỡ thông qua bài viết của mình. Những chuyến đi đến những vùng đất mới, đặc biệt là những chuyến từ thiện tặng quà cho đồng bào, các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa đã cho tôi những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống, để biết cảm thông, sẻ chia và gần gũi hơn với những cảnh đời bất hạnh, biết thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của những người dân miền núi, hải đảo. Và có lẽ, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của mỗi phóng viên khi mỗi ngày được cầm trên tay tờ báo thơm mùi mực trên đó có bài báo mang dấu ấn của chính mình hay thấy những bài viết của mình nổi bật trên trang báo điện tử mang hơi thở cuộc sống, được đông đảo bạn đọc tương tác, đón nhận.

20 năm là một hành trình dài kể từ khi tôi đi những bước chân đầu tiên đầy bỡ ngỡ vào nghề báo. Khoảng thời gian đó đã cho tôi nhiều trải nghiệm trong nghề với những kỷ niệm khó quên, là động lực để tôi cố gắng bước tiếp mỗi khi có ý định muốn… dừng lại. Để mỗi khi nhớ về những ngày đầu làm báo, tôi lại thấy thêm yêu nghề hơn, bởi nhiệt huyết tuổi trẻ và lòng yêu nghề giúp tôi ngày một trưởng thành. Dẫu biết rằng phía trước có nhiều khó khăn, nhưng tôi tự hứa với lòng mình sẽ luôn cố gắng và nỗ lực, sống hết mình bằng cái tâm của nghề để tiếp tục đi, viết, tích lũy thêm những điều mới mẻ và thú vị để gom nhặt câu chữ vào những tác phẩm báo chí chất lượng phục vụ bạn đọc.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cau-chuyen-phia-sau-thong-bao-trung-tuyen-20-nam-ve-truoc-post543540.antd