Câu chuyện đáng nhớ của nhà văn đoạt giải Nobel bị lãng quên

Grazia Deledda thường được nhắc đến là tác giả đoạt giải Nobel bị quên lãng, nhưng theo TS Trần Ngọc Hiếu, tác phẩm 'Người mẹ' đáng đọc và dễ kết nối với độc giả trẻ ngày nay.

 Một phần tranh Saint Catherine in prayer của Plautilla Nelli. Ảnh: AWA.

Một phần tranh Saint Catherine in prayer của Plautilla Nelli. Ảnh: AWA.

Nhà văn Grazia Deledda là người phụ nữ thứ hai và là người phụ nữ người Italy duy nhất đoạt giải Nobel Văn chương cho đến nay. Bà được Viện hàn lâm Thụy Điển vinh danh vì “những tác phẩm được truyền cảm hứng duy tâm, mô tả rõ nét về cuộc sống trên hòn đảo quê hương của bà và giải quyết các vấn đề của con người nói chung với chiều sâu và sự cảm thông”.

Dù vậy, Grazia Deledda thường được nhắc đến là một tác giả đoạt giải Nobel bị quên lãng. Trong buổi giao lưu ra mắt tác phẩm đầu tiên của Grazia Deledda được dịch sang tiếng Việt - Người mẹ, TS Trần Ngọc Hiếu phản bác rằng tác phẩm Người mẹ vẫn đáng đọc và dễ kết nối với độc giả trẻ ngày nay.

Câu chuyện đồng vọng với nhiều thế hệ

Người mẹ kể câu chuyện về mối tình cấm kị đẩy vị cha xứ trẻ vào thế tiến thoái lưỡng nan, kẹt giữa tình yêu và sự giày vò, nỗi sợ sự ô nhục và nỗi ăn năn khi phụ lòng đấng sinh thành - người mẹ vị cha xứ đã hy sinh tất cả cho mong muốn con trai mình trở thành linh mục. Ngay ở chương đầu tiên, độc giả thấy hình ảnh người mẹ nằm trong bóng tối, chua xót nghe tiếng người con trai lẻn ra khỏi nhà, đi gặp một cô gái.

"Trước đó, người mẹ đã đóng cửa nhà và chẹn bằng hai then gỗ để chặn ma quỷ xâm nhập vào nhà. Cái con quỷ đó vào những đêm trở gió vẫn thường sục sạo bên ngoài để tìm kiếm linh hồn còn váng vất tuy nhiên, trong sâu thẳm, bà ít tin vào những điều này, còn bây giờ bà lại chua chát và mơ hồ xem thường chính mình, nghĩ rằng linh hồn ma quỷ kia đã hiện hữu bên trong giáo xứ nhỏ bé; rằng nó uống nước từ chiếc bình của Paulo và lởn vởn quanh chiếc treo bên cửa sổ", trích trang 6.

Chỉ trong đoạn văn này, ta thấy tài năng của tác giả Grazia Deledda khi miêu tả tâm lý nhân vật phức tạp kết hợp được cả yếu tố văn hóa, gợi mở cho những giằng xé mãnh liệt hơn sau này.

 Người mẹ là tác phẩm đầu tiên của Grazia Deledda được dịch sang tiếng Việt. Ảnh: TĐ.

Người mẹ là tác phẩm đầu tiên của Grazia Deledda được dịch sang tiếng Việt. Ảnh: TĐ.

Theo TS Trần Ngọc Hiếu, chủ đề trong Người mẹ mang tính vĩnh cửu. Đó là vấn đề nan giải giữa đức tin và nhu cầu của con người trần thế. Ông Trần Ngọc Hiếu cho rằng có lẽ nhà văn Deledda có nền tảng về phân tâm học khi trong sách bà, có những phân tích rất sâu những ẩn ức của nhân vật - người mẹ trong tác phẩm là một người thất học, muốn con mình trở thành linh mục, thành người có địa vị cao trong xã hội, kinh hãi trước khả năng bị lung lay địa vị xã hội nếu con trai mình chọn chạy theo tình yêu trai gái.

Mọi dằn vặt phức tạp, mọi đấu tranh về mặt tư tưởng ở nhân vật đều được Grazia Deledda miêu tả một cách tinh vi. Ông Trần Ngọc Hiếu cho rằng nhà văn người Italy này như một bậc thầy trong việc mổ xẻ tâm lý nhân vật.

Mặc dù Deledda nổi bật với những tác phẩm giàu truyền thống, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi đọc kỹ, ta nhận ra Deledda gần với Virginia Woolf hơn vẻ bề ngoài.

Dịch giả Trần Thị Khánh Vân cho rằng bản thân nhà văn Grazia Deledda cũng là một đại diện của phong trào nữ quyền (ngày 8/3/2022, Chính phủ Italy đã vinh danh Deledda là biểu tượng của phong trào đấu tranh giải phóng phụ nữ). Dù vậy, Deledda tiếp cận những chủ đề gai góc một cách hài hòa, chinh phục được cả giới phê bình khó tính lúc bấy giờ.

Có lẽ, bề ngoài giàu tính truyền thống ở các tác phẩm của Grazia Deledda khiến cho một thời gian dài, độc giả ngó lơ bà. Nhưng nếu đọc sâu, ta nhận ra tư tưởng tiên tiến của Deledda vẫn trụ vững được theo thời gian. Câu chuyện bà kể có độ đồng vọng lớn với nhiều thế hệ, mang tính vĩnh cửu.

Dịch giả Trần Dương Hiệp khẳng định Người mẹ dù có vẻ ngoài cổ kính nhưng không hề mang lại cảm giác xa rời đối với văn hóa Việt Nam.

 Từ trái sang phải: TS Trần Ngọc Hiếu, dịch giả Trần Thị Khánh Vân, dịch giả Trần Dương Hiệp. Ảnh: M.H.

Từ trái sang phải: TS Trần Ngọc Hiếu, dịch giả Trần Thị Khánh Vân, dịch giả Trần Dương Hiệp. Ảnh: M.H.

Khi tình yêu trở thành gánh nặng

Một trong những vấn đề nổi bật trong cuốn tiểu thuyết Người mẹ là mối quan hệ phức tạp giữa mẹ và con trai. Người mẹ trong chuyện tìm cách thúc ép con mình theo con đường trở thành linh mục để thay đổi cuộc sống, thoát khỏi những công việc chân tay.

Các diễn giả cho rằng dù bối cảnh khác nay, câu chuyện trong tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị. Những mong mỏi, những hy sinh của người mẹ xuất phát từ khát khao con mình có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Dù vậy, TS Trần Ngọc Hiếu cho rằng thái độ của Grazia Deledda trước mối quan hệ này không hẳn là ca ngợi. Điều này đặt ra cho chúng ta một câu hỏi: Có khi nào tình yêu lại trở thành gánh nặng? Và khi đã là gánh nặng, đó có còn là tình yêu không?

Điều này cũng xảy ra ở nhiều gia đình Á Đông, khi cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào con cái, mong muốn con phải học thành tài. Ở tác phẩm của Grazia Deledda, ta bắt gặp hình ảnh người mẹ yêu con đến mù quáng, tin rằng những gì mình làm là tốt cho con, dẫn đến vô tình "giam cầm" người con của mình.

Người mẹ trong câu chuyện này mang dáng dấp của nhiều người mẹ Việt Nam ngày nay. Phải chăng, sau hơn một thế kỷ, con người vẫn đối mặt với những xung đột như nhau? Liệu có thể giải thích những xung đột này là do khoảng cách thế hệ, khủng hoảng đức tin, hay đây là cuộc chiến dai dẳng giữa bổn phận và ái tình, đạo hiếu và nhục cảm?

Tác phẩm của Grazia Deledda xoáy sâu những ẩn khuất muôn thuở của con người. Bà mổ xẻ những cảm xúc thường thấy, trưng ra những mạch máu chằng chịt, phức tạp bên trong, để rồi nỗ lực hiểu kỹ từng khía cạnh nội tâm con người.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-chuyen-dang-nho-cua-nha-van-doat-giai-nobel-bi-lang-quen-post1432771.html