Câu chuyện đắm màu huyền thoại: Truyền thuyết '7 hồ, 3 thác' ở Kon Tum

Truyền thuyết '7 hồ, 3 thác' kể về câu chuyện lập làng, sinh sống của bảy người con trai thần Plinh Huynh. Tuy nhiên, vì vi phạm vào điều cấm kỵ nên người cha đã trừng phạt, nhấn chìm bảy người con và những ngôi làng các con cai quản vào biển lửa.

Măng Đen là thị trấn thuộc huyện Kon Plong (Kon Tum), nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Sở hữu khí hậu mát mẻ, ôn hòa với 4 mùa trong ngày cùng tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, những năm gần đây Măng Đen trở thành điểm đến lý tưởng đối với du khách.

Măng Đen – vùng đất “7 hồ, 3 thác”

Là vùng đất mang vẻ đẹp hoang sơ và thuần khiết, từ lâu Măng Đen đã nổi bật giữa Tây Nguyên đại ngàn và được nhiều người biết đến. Thế nhưng, không phải ai cũng am hiểu tường tận ý nghĩa của thị trấn có tên Măng Đen và truyền thuyết “7 hồ, 3 thác” ở mảnh đất bình yên và hùng vĩ này.

Một trong những cán bộ trẻ thường xuyên giới thiệu đến du khách về vùng đất “7 hồ, 3 thác” là anh Đinh Tam – Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Plông. Theo anh Tam, nhiều người cứ lầm tưởng rằng vốn dĩ có tên Măng Đen bởi nơi đây có thứ măng màu đen nên gọi là Măng Đen.

Tuy nhiên trên thực tế không có loại măng nào màu đen cả. Măng Đen vốn là tên gọi chệch của địa danh T’ Măng Deeng (theo cách gọi của người dân tộc thiểu số Mơ Nâm). T’Măng có nghĩa là nơi ở hoặc vùng, còn Deeng là thần linh. T’Măng Deeng dịch ra tiếng Kinh là nơi bằng phẳng trú ngụ của các thần linh.

Măng Đen - vùng đất thơ mộng, trong lành và không kém phần hùng vĩ giữa đại ngàn Tây Nguyên

Truyền thuyết của người Mơ Nâm kể rằng, T’ Măng Deeng là vùng đất rộng lớn rất đẹp, nơi có một con sông lớn uốn lượn theo những cánh rừng già, qua những đoạn dốc ghềnh, đổ xuống tạo nên những thác nước hùng vỹ. Ở đây thú rừng nhiều vô kể và chung sống với nhau rất hòa thuận. Thế nhưng, từ trên cao Plinh Huynh (vị thần có quyền lực nhất ở trên trời thường gọi là Ngọc Hoàng) nhìn xuống cảm thấy buồn bã và vắng lặng.

Suy nghĩ mãi, Plinh Huynh mới nhận nơi đây thiếu con người. Thấy đây là vùng đất bằng phẳng, rộng rãi và trù phú nên Plinh Huynh quyết định cho 7 người con trai của mình xuống vùng đất này lập làng và sinh sống. 7 người con trai của Plinh Huynh gồm: Gu Kăng Đam, Gu Kăng Rpong, Gu Kăng Zơ Ri, Gu Kăng Ziu, Gu Kăng Săng, Gu Kăng Lung và Gu Kăng Pô. Mỗi chàng trai được cha bắt cho một cô gái ở vùng khác về làm vợ và lập 7 làng quanh vùng T’Măng Deeng.

Người chồng được phong làm vị thần cai quản vùng đất đó gọi là Huynh, còn người vợ phải biến thành những con vật như heo, nai, cá, thằn lằn. Nhưng không phải là những con vật thường mà chúng là những con heo thần, nai thần, cá thần, thằn lằn thần để chăn dắt các loài đó. Plinh Huynh quy định, các vị thần cai quản các vùng đó phải kiêng ăn thịt của các loài vật cùng loài với vợ mình làm thần.

Hồ Đăk Ke một trong những địa điểm nổi tiếng thu hút khách du lịch khi đến với Măng Đen – một trong 7 hồ thuộc truyền thuyết “7 hồ, 3 thác”

“Sở hữu cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp, đất đai trù phú cùng khí hậu ôn hòa mát mẻ nên từ đó đời sống của người dân 7 làng trong vùng T’Măng Deeng này rất sung túc. 7 vị thần cai quản ở đây thương dân hết mức, chăm sóc cuộc sống cho nhân dân, họ dạy dân làm rẫy, làm nhà, dệt vải… Cuộc sống ấm no của họ cứ thế trôi đi từ đời này qua đời khác. Những đứa trẻ lớn lên, trai thì vào rừng săn bắn, gái thì gùi nước nấu ăn hoặc lên nương trồng bông dệt vải. Cứ thế người già chết đi người trẻ thì lấy nhau sinh con đẻ cái, duy chỉ có các vị thần là không chết”, anh Đinh Tam kể.

Mỗi năm một lần họ về trời để báo với Plinh Huynh công việc ở trần gian cũng như đời sống của người dân vùng họ cai quản. Thế nhưng cuộc sống ở trần gian làm say mê hấp dẫn họ cùng với đó con người phát triển ngày càng nhiều nên họ phải thường xuyên đi đây đó chăn dắt giúp đỡ dân và họ không về trời nữa.

Tuy vậy mỗi năm thu xong mùa màng, các thần dạy dân làm lễ ăn trâu cúng Yeeng (nay gọi là ăn trâu mừng năm mới). Lễ hội này nhằm thông báo đến Plinh Huynh cuộc sống ở dưới trần gian trong năm qua đồng thời 7 vị thần sẽ cầu xin Plinh Huynh cho dân tình được khỏe mạnh no ấm, lúa đầy kho, heo gà đầy sân, trâu bò đông đúc.

Cho đến một năm, vào dịp cúng Yeeng mừng năm mới, dân làng vui vẻ mở hội ăn uống linh đình, các vị thần cũng cùng vui với dân đến ngày thứ 7 họ quên mất điều cấm kỵ của Plinh Huynh là không được ăn thịt các con vật mà vợ họ trước đây, giờ đang là họ chăn dắt loài đó. Các vị thần đi vòng quanh cây nêu uống rượu và ăn hết các loại thức ăn mà dân làng mang đến, trong đó có thịt heo, thịt nai, thịt thằn lằn, cá. Chỉ riêng Huynh Pô là vẫn nhớ lời dặn của cha không ăn thịt thằn lằn.

Hồ Toong Pô tên của người con trai út tự nhận cái chết về mình để bảo vệ dân làng

Từ trên cao Plinh Huynh nhìn xuống thấy các con của mình vi phạm luật cấm, ông đùng đùng nổi giận và trừng phạt các con. Theo đó, tự nhiên giông tố nổi lên đùng đùng, 7 cột khói phụt lên mù mịt và 3 tia lửa từ trên đánh xuống. Đất đá đều biến thành nước chảy tràn khắp vùng nhà cửa tài sản và con người cũng như các Huynh đều bị chìm trong biển lửa.

Riêng làng của Huynh Pô chỉ có một cột khói nhỏ ở giữa làng vì theo Plinh Huynh: “Tuy Huynh Pô không ăn con vật thiêng của làng nhưng Huynh Pô không biết nhắc nhở các anh của mình nên phải chọn một trong hai hình phạt hoặc là dân làng phải chết hoặc Huynh Pô phải chết”. Vì quá thương xót dân làng nên Huynh Pô tự nhận cái chết về mình. Các cột lửa từ từ tắt sau khi đã nuốt vào lòng đất toàn bộ con người và tài sản của các làng và các miệng cột lửa đó biến thành 7 cái hồ. Dân làng Huynh Pô sống sót chuyển đi nơi khác sinh sống.

Phát huy tiềm năng khu du lịch quốc gia Măng Đen

Theo lý giải của anh Đinh Tam: “Người Mơ Nâm gọi hồ là Toong, cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại 7 hồ nước ở vùng Măng Đen và được dân trong vùng gọi theo tên của các Huynh là: Toong Đam, Toong R Pông, Toong ZơRi, Toong Ziu, Toong Săng, Toong Li Lung và Toong Pô. Ba tia lửa tạo thành 3 dòng thác là Pa Sỹ, Đăk Ke và Lô Ba”.

Thác Pa Sỹ một trong 3 tia lửa tạo thành

Những năm qua, tận dụng hồ nước thiên nhiên ban tặng, chính quyền huyện Kon Plông đã cải tạo, khôi phục thành những điểm du lịch nổi tiếng, thu hút du khách. Những hồ nước này cũng đã cung cấp nước tưới cho người dân thị trấn Măng Đen và các vùng lân cận góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao phát triển kinh tế.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: “Sau khi thống nhất được tư liệu về truyền thuyết “7 hồ, 3 thác”, trong quy hoạch phát triển du lịch, chủ trương của huyện là chỉnh trang, khôi phục lại các hồ và thác này để phục vụ du lịch. Huyện sẽ quy hoạch những hồ và thác nước thành các điểm du lịch. Có những hồ, thác nước sẽ phát triển công cộng hoặc huyện sẽ kêu gọi thu hút đầu tư. Khi các nhà đầu tư vào họ sẽ triển khai theo quy hoạch của huyện. Như thác Pa Sỹ và Lô Ba, hiện huyện đang có kế hoạch phát triển thành những điểm du lịch lớn vì vậy phải ưu tiên, lựa chọn những nhà đầu tư lớn để họ phát triển các khu này xứng tầm”.

Chương trình thời trang thổ cẩm được UBND huyện Kon Pông tổ chức ngay lòng hồ dưới chân thác Pa Sỹ hùng vỹ

Cũng theo ông Thắng, hiện tại có rất nhiều nhà đầu tư muốn đầu tư vào Măng Đen, tuy nhiên huyện thấy rằng năng lực của họ chưa đảm bảo nên giữa huyện và tỉnh vẫn chưa thống nhất chủ trương. Huyện đang có kế hoạch khôi phục một số hồ nước đã cạn. Song song với việc khôi phục lại những hồ và thác nước này, huyện luôn quán triệt không được ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là nghiêm cấm hành vi hủy hoại rừng, phải giữ được cảnh quan thiên nhiên.

Theo ghi nhận của PV, hiện tại khách du lịch tập trung chính vẫn là điểm đến thác Pa Sỹ và hồ Đắk Ke vì đã có sự đầu tư, còn một số hồ khác thì rải rác, ít hơn. Những năm gần đây, lượt khách du lịch đến với Măng Đen tăng vọt. Theo số liệu thống kê, năm 2022 huyện Kon Plông đón 600.000 lượt khách và chỉ 9 tháng đầu năm nay, huyện Kon Plông đã đón đến 720.000 lượt khách.

Phố đi bộ "Đại lộ hoàng hôn" nơi lý tưởng cho du khách nghỉ ngơi, thư giãn, thưởng thức ẩm thực đặc trưng của Măng Đen đại ngàn

“Chúng tôi đang xây dựng 2 quy hoạch, thứ nhất là quy hoạch thị trấn do huyện làm chủ đầu tư. Thứ hai là điều chỉnh tổng thể quy hoạch quốc gia Măng Đen do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, mà điều chỉnh quy hoạch Măng Đen thì Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định điều chỉnh. Hiện nay Sở đang phối hợp với Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch này”, ông Thắng cho biết thêm.

Bài và ảnh: Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cau-chuyen-dam-mau-huyen-thoai-truyen-thuyet-7-ho-3-thac-o-kon-tum-post267231.html