Cát sông ở miền Tây chỉ dùng đủ đến năm 2035

Trữ lượng cát sông tại đồng bằng sông Cửu Long hiện dao động từ 367 – 550 triệu m3, chỉ đủ dùng đến khoảng năm 2035. Vì vậy, việc cấp bách là phải tìm vật liệu thay thế.

Ngày 24-11, tại TP Cần Thơ, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức tọa đàm "Vật liệu nào thay thế cát sông?".

Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, phát biểu khai mạc

Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, phát biểu khai mạc

Một công bố mới đây của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam cho thấy trữ lượng cát ở đáy sông tại đồng bằng sông Cửu Long đo đạc hiện dao dộng từ 367 – 550 triệu m3. Nếu tiếp diễn tình trạng khai thác như hiện tại thì trữ lượng cát ở đáy sông sẽ chỉ đủ dùng đến khoảng năm 2035. Vì vậy, việc phát triển vật liệu thay thế cát sông là vấn đề cấp bách hiện nay.

Ông Võ Tấn Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Cát sạch MeKong (người sáng chế máy tuyển cát đồi núi sông suối, cát biển xây dựng, san lấp…), cho rằng vật liệu thay thế cát sông đó chính là cát biển. Theo ông Dũng, cát biển nếu khai thác đúng luồng lạch sẽ hạn chế sạt lở bờ biển, cát tại các cồn ở biển có ít tạp chất hữu cơ.

Nguồn gốc của cát biển bản chất cũng giống cát sông, trên những hạt cát có những vết nứt tạm thời, có những tạp chất hữu cơ lẫn trong cát, khi xử lý được thì loại cát ra được cũng như cát sông. Thậm chí một số nhà khoa học có những kiến cứu cho thấy cát biển còn tốt hơn cát sông.

Ông Võ Tấn Dũng nói về cát biển

Ông Võ Tấn Dũng nói về cát biển

"Hệ thống thiết bị mà chúng tôi đang làm đã loại bỏ hết muối, chất lượng được bảo đảm. Thiết bị có thể cho sản xuất lượng cát đáp ứng công trình với khối lượng 1.000 - 2.000 m3, thậm chí 5.000 -10.000 m3. Thành phẩm sau khi qua thiết bị chúng tôi đảm bảo được tiêu chuẩn của Mỹ. Chúng tôi đã nghiên cứu, phân tích, nếu đưa được cát biển vào xây dựng, san lấp thì còn rẻ hơn cát sông, có thể giảm trên 100.000 đồng/m3, trong khi khai thác cát sông nhiều gây sạt lở" - ông Dũng khẳng định.

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu đưa ra nhiều phương án để giảm bớt việc khai thác hoặc vật liệu thay thế cát sông, như: xay đá thành cát (chi phí cao, bù lại tăng tuổi thọ cộng trình); nghiên cứu thay đổi kết cấu công trình; phát triển giao thông đường thủy, giảm bớt việc xây dựng đường bộ; trộn tro xỉ thay thế cát; làm đường cao tốc trên cao…

Ông Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, nhấn mạnh: "Chúng ta đang tìm kiếm vật liệu thay thế là cát biển nhưng cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau. Vẫn là khai thác tài nguyên thiên thiên và cũng có thể dẫn đến nhiều tác động xấu môi trường và các vấn đề khác".

Cũng theo nhà báo Lê Anh Đạt, không chỉ tập trung vào thay đổi vật liệu mà cần thay cả đổi tư duy, áp dụng công nghệ và sáng tạo trong vấn đề này. Ngoài ra, phải làm sao bớt nhu cầu về cát sông, cần thay đổi trong thói quen xây dựng, không phải lúc nào cũng phải là cát, mà hoàn toàn có thể có những vật liệu khác thay thế.

Tin-ảnh: C.Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/cat-song-o-mien-tay-chi-dung-du-den-nam-2035-20231124155258366.htm