Cấp thiết để quản lý theo hướng phát triển bền vững

Với thực trạng tốc độ đô thị hóa tăng nhanh tại các huyện của Hà Nội hiện nay, yêu cầu có những nội dung hướng dẫn về quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan là hết sức cấp thiết.

Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, đại diện chính quyền địa phương tại hai Hội thảo khoa học: “Giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện của thành phố Hà Nội“Khung hướng dẫn về quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện của thành phố Hà Nội” do Sở QH - KT Hà Nội tổ chức ngày 20/4.

Mảnh khuyết trong quản lý quy hoạch, kiến trúc Thủ đô

Phó Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Trần Quang Tuyên cho biết, liên quan đến Đề tài nghiên cứu khoa học cấp TP: “Thực trạng quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện của TP Hà Nội”, trong tháng 11/2021, Sở đã tổ chức 2 hội thảo làm rõ về cơ sở khoa học, đánh giá thực trạng về quản lý quy hoạch xây dựng và kiến trúc cảnh quan tại các huyện.

Tại hội thảo thứ 3 và thứ 4 này, Ban tổ chức sẽ nghe báo cáo của chủ nhiệm đề tài và một số tham luận nhằm trao đổi, gợi mở, thống nhất về định hướng, đề xuất các yêu cầu quản lý cũng như giải pháp chung, giải pháp cụ thể về quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện của TP.

Quang cảnh buổi hội thảo "Giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện của TP Hà Nội”

Quang cảnh buổi hội thảo "Giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện của TP Hà Nội”

Tại các buổi hội thảo, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan từ các hội nghề nghiệp của T.Ư và Hà Nội đã có nhiều đánh giá khách quan đối với công tác quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện của TP Hà Nội.

PGS.TS Phạm Hùng Cường - Nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội nêu thực tế, thời gian qua do thiếu nội dung trong các quy định quản lý nên các huyện hiện nay đang thiếu đi các đặc trưng về kiến trúc cảnh quan, khu vực bảo tồn cảnh quan như khu vực ven sông, kênh mương, hệ thống cây xanh thuần không được đề xuất, chất lượng môi trường vì vậy cũng chưa được đảm bảo. “Đi dọc các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ qua các huyện hai bên đường, cảnh quan nhiều nơi còn là nhà tạm, xưởng tạm, nơi để vật liệu xây dựng, thậm chí là phế liệu. Cảnh quan sông ngòi, cánh đồng, kênh mương là đặc trưng của cảnh quan nông thôn, vốn thân thuộc với mọi người lại không lọt vào tầm nhìn. Hệ thống hành lang xanh đã có định hướng trong đồ án quy hoạch chung Thủ đô chưa được cụ thể hóa thành các quy định quản lý trong đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện” - PGS.TS Phạm Hùng Cường nêu cụ thể.

Ở góc dộ địa phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai Lê Hải Đăng nhìn nhận, công cụ thực hiện quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan trên địa bàn huyện còn thiếu như chưa phủ kín quy hoạch chi tiết và quy hoạch phân khu, chưa có quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc (quy chế kiến trúc) của huyện, thị trấn sinh thái Quốc Oai, đô thị Hòa Lạc là các khu vực quan trọng về kiến trúc cảnh quan. Phân loại, phân vùng khu vực đô thị và khu vực nông thôn hiện trạng và quy hoạch chưa rõ ràng, thống nhất giữa các quy định về quản lý địa giới hành chính, phân loại đất đai, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị gây khó khăn cho việc quản lý quy hoạch kiến trúc với các công trình xây dựng.

Nhiều giải pháp thiết thực

Theo các chuyên gia, nhà quản lý từ những tồn tại thực tế đã đặt ra cho TP Hà Nội trong quá trình phát triển một nhu cầu cấp thiết là phải nghiên cứu giải pháp quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện theo hướng phát triển bền vững.

Theo PGS.TS. Phạm Hùng Cường, qua khảo sát đánh giá công tác quy hoạch vùng huyện và việc triển khai quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan vùng huyện tại một số huyện ngoại thành Hà Nội cho thấy có 2 nội dung chưa được hướng dẫn rõ trong Thông tư 04/ 2022/TT-BXD và các hướng dẫn của TP, do đó rất cần xem xét bổ sung để hoàn thiện công cụ quản lý quy hoạch vùng huyện. Đó là, bổ sung các quy định quản lý về phân bố điểm dân cư, khung cảnh quan vùng huyện trong các đồ án quy hoạch vùng huyện là cần thiết.

Các chỉ tiêu kiểm soát và khung phát triển sẽ bổ sung cho công cụ quản lý quy hoạch hiện nay. Việc bổ sung có thể thông qua các khung hướng dẫn quản lý quy hoạch để các đơn vị tư vấn lập quy hoạch, đơn vị quản lý lập quy hoạch cấp thành phố, huyện, xã thống nhất về những nội dung quản lý trong các đồ án quy hoạch và triển khai quy hoạch trên địa bàn vùng huyện.

Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo

Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu thêm, để xác định các khu vực và kiến trúc cảnh quan đặc thù của huyện tạo phân cấp quản lý phù hợp. Trong các huyện hiện nay mô hình làng xã còn mang đậm dấu tích truyền thống với kiến trúc cảnh quan riêng biệt tạo thuận lợi để phát triển văn hóa phi vật thể. Cần nhận diện di sản văn hóa từng huyện, từng làng xã để có giải pháp thích hợp trong quy hoạch.

“Các huyện của Hà Nội đang có nhiều thách thức về đô thị hóa nên đổi mới bộ máy quản lý xây dựng cần được quan tâm hơn gắn với chủ trương phân cấp, ủy quyền của TP như về quản lý các dự án phát triển, cơ quan đầu mối quản lý quỹ đất, thanh tra xây dựng...” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Theo ThS. KTS Lã Hồng Sơn - Chủ nhiệm đề tài (Sở QH - KT Hà Nội), qua đánh giá được thực trạng, Đề tài đã đề xuất được các yêu cầu, giải pháp, khung hướng dẫn về quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc cảnh quan tại các huyện trên địa bàn TP. Đồng thời, đề xuất được các nội dung mới trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, vừa để tham mưu cho các cấp chính quyền bằng những khuyến nghị chi tiết và cụ thể, vừa để góp phần phát triển cơ sở lý luận hướng tới những mục tiêu cần đạt được của công tác quản lý ở mỗi giai đoạn phát triển, với những nguyên tắc chung và yêu cầu riêng có của mỗi huyện để góp phần giải quyết những thách thức, tồn tại, hạn chế trong thời gian qua gắn với cụ thể hóa những định hướng, dự báo, yêu cầu mới của T.Ư và TP đối với công tác quản lý quy hoạch xây dựng, đặc biệt là kiến trúc cảnh quan nông thôn của Thủ đô.

"Từ các nội dung lớn được đưa vào tiêu chí đánh giá như: Cơ chế chính sách lập quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch; thời gian, tiến độ lập đồ án quy hoạch xây dựng và quy chế quản lý; sự tương tác, khớp nối giữa các đồ án, giữa các giai đoạn quy hoạch; quản lý chất lượng đồ án quy hoạch; quản lý triển khai thực hiện quy hoạch, quản lý xây dựng; và một số khía cạnh khác,… Đề tài đã tiếp cận đánh giá và qua 2 buổi hội thảo hôm nay đề xuất nhiều giải pháp đối với công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc cảnh quan tại các huyện" ThS. KTS Lã Hồng Sơn – Chủ nhiệm đề tài (Sở QH - KT Hà Nội) cho hay.

Hoạt động hội thảo này góp phần cụ thể hóa Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Kế hoạch số 185/KHUBND của UBND TP về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” triển khai thực hiện tại Sở QH –KT. Đồng thời góp phần thiết thực vào nội dung nghiên cứu lập “Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và lập “Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” - Phó Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Trần Quang Tuyên

Vũ Lê

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cap-thiet-de-quan-ly-theo-huong-phat-trien-ben-vung.html