Cập nhật Covid-19 ngày 24/4: Ca tử vong vượt mốc 3 triệu; Campuchia đóng cửa toàn bộ các chợ tại Phnom Penh, Kuwai đình chỉ bay với Ấn Độ

Theo trang thống kê worldometers.info, đến 10h sáng 24/4, thế giới đã ghi nhận hơn 146,2 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 3 triệu ca tử vong và hơn 124 triệu bệnh nhân bình phục.

Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới, lần lượt là 32.735.124 ca nhiễm và 585.033 ca tử vong.

Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm với hơn 16,6 triệu ca trong khi Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong, hiện là 386.623 ca trong tổng số hơn 14,2 triệu ca nhiễm.

Liên quan tình hình dịch nghiêm trọng tại quốc gia Nam Á, Tổng Cục hàng không dân dụng Kuwait sáng 24/4 thông báo đã đình chỉ tất cả các chuyến bay thương mại thẳng từ Ấn Độ, bắt đầu từ ngày 24/4 và kéo dài cho tới khi có thông báo tiếp theo.

Quyết định trên được đưa ra theo chỉ thị của giới chức y tế nước này sau khi đánh giá tình hình đại dịch Covid-19 toàn cầu. Thông báo nêu rõ, tất cả hành khách tới từ Ấn Độ trên các chuyến bay thẳng hay qua một nước thứ ba đều không được nhập cảnh vào Kuwait, trừ khi họ đã trải qua 14 ngày ở bên ngoài Ấn Độ.

Các công dân Kuwait, người thân cấp độ 1 của họ (cha mẹ, anh chị em ruột, con cái), sẽ được phép nhập cảnh. Các chuyến bay vận tải không bị ảnh hưởng.

Trong số 10 nước bị ảnh hưởng nhất thế giới, 7 nước còn lại đều ở châu Âu, gồm Pháp, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Italy, Tây Ban Nha và Đức, tất cả đều đã ghi nhận hơn 3,2 triệu ca nhiễm, riêng Pháp là 5,4 triệu ca.

Xét theo khu vực, châu Âu có nhiều ca nhiễm nhất (43.656.471 ca) và cũng nhiều ca tử vong nhất (993.454 ca). Tiếp đến là Bắc Mỹ với 37.840.951 ca nhiễm và 853.440 ca tử vong.

Châu Á đứng thứ ba về số ca nhiễm (hiện đã vượt ngưỡng 36 triệu ca) nhưng Nam Mỹ đứng thứ ba về số ca tử vong (hiện là 644.215 ca).

Các số liệu ghi nhận tại châu Phi hiện là 4.525.278 ca nhiễm và 119.915 ca tử vong và của châu Đại Dương lần lượt là 61.971 ca và 1.184 ca.

Tại châu Âu, Pháp đã vượt Nga, trở thành nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khu vực, với 5.440.946 ca nhiễm và 102.496 ca tử vong.

Tuy nhiên, tin mừng là Thủ tướng Pháp Jean Castex nhận định làn sóng thứ 3 tại quốc gia này dường như đã qua thời kỳ đỉnh điểm, khi số ca mắc mới đang có chiều hướng giảm trong những ngày qua.

Tại nước láng giềng Bỉ, chính phủ đã quyết định tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 8/5 tới. Nhà hàng, quán cà phê sẽ được phép mở cửa đón khách trở lại từ 8h - 22h hằng ngày nhưng phải kê bàn ngoài trời cách nhau 1,5m và đảm bảo không quá 4 khách/bàn, trừ những gia đình đông thành viên.

Quy định cũng nêu rõ tổng số lượng khách ngồi tại các bàn ngoài trời không được vượt quá 50 người và tất cả các nhân viên phục vụ phải bắt buộc đeo khẩu trang. Riêng các quán bar vẫn chưa được hoạt động.

Tại châu Mỹ, những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất sau Mỹ và Brazil gồm Argentina (2,8 triệu ca nhiễm), Colombia (2,7 triệu ca nhiễm), Mexico (2,3 triệu ca) và Canada (1,1 triệu ca).

Tại châu Á, số ca nhiễm của hai quốc gia Đông Nam Á là Indonesia và Philippines đang khá cao, lần lượt là 1.632.248 ca và 979.740 ca. Trong khi đó, số ca tử vong ở Indonesia đứng thứ 3 toàn châu lục (với 44.346 ca), sau Ấn Độ và Iran.

Malaysia hiện đứng thứ ba Đông Nam Á về mức độ ảnh hưởng của dịch. Hiện nước này đã ghi nhận 387.535 ca nhiễm và 1.415 ca tử vong.

Tại Campuchia, đêm 23/4, chính quyền Đô thành Phnom Penh thông báo đóng cửa tất cả các khu chợ do nhà nước điều hành và chợ tự phát (chợ cóc) tại thủ đô trong vòng 14 ngày.

Chỉ đạo mới của chính quyền Phnom Penh được đưa ra nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch Covid-19 tiếp tục lây lan trên diện rộng vì các ngôi chợ được xác định là nguồn lây nhiễm lớn cho cộng đồng.

Thông báo cũng yêu cầu tất cả các tiểu thương và nhân viên bảo vệ đã hoạt động kể từ ngày 14/4 đến nay phải đến những điểm xét nghiệm Covid-19 để lấy mẫu. Sau đó, những người này phải tự cách ly trong vòng 14 ngày.

Chính quyền cơ sở 14 quận tại Phnom Penh phải chịu trách nhiệm thi hành sắc lệnh này trong khi những người vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Trước đó, hàng loạt chợ lớn và chợ dân sinh tại Phnom Penh đã bị đóng cửa sau khi hàng trăm tiểu thương và nhân viên bảo vệ, quản lý có phản ứng dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Ngày 23/4, Bộ Y tế nước này xác nhận 654 ca lây nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại lên 8.848 người, trong đó 8.301 ca liên quan tới sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Campuchia là 61 người.

Liên quan vấn đề vaccine ngừa Covid-19, cũng trong ngày 23/4, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) dẫn kết quả đánh giá vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca cho thấy với những người càng lớn tuổi, vaccine càng có hiệu quả phòng bệnh cao và lợi ích của việc tiêm vaccine này ở người trưởng thành vẫn lớn hơn so với rủi ro.

Tuyên bố nhấn mạnh việc xuất hiện huyết khối sau tiêm chỉ là phản ứng phụ rất hiếm gặp. Hiện vaccine của AstraZeneca đang được triển khai tiêm ở 157 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cũng về vaccine, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại về tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine khi tới nay vaccine vẫn chưa đến được với người dân các nước nghèo.

Theo ông Ghebreyesus, gần 900 triệu liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu, nhưng hơn 81% trong số đó là ở các quốc gia thu nhập cao hoặc trung bình, trong khi con số này ở các nước thu nhập thấp chỉ là 0,3%.

Cùng ngày 23/4, các chuyên gia dịch tễ Chile cho biết, kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa Covid-19 do AstraZeneca và trường Đại học Oxford nghiên cứu và phát triển đối với 2.200 tình nguyện viên tại nước này không xuất hiện tình trạng đông máu.

Công trình nghiên cứu do Đại học Chile thực hiện được công bố chỉ thời gian ngắn sau khi lô vaccine đầu tiên của AstraZeneca được chuyển tới nước này để phục vụ cho chương trình tiêm chủng quốc gia đang được chính phủ Chile triển khai.

Giáo sư Maria Elena Santolaya khẳng định, không có bất kỳ tình nguyện viên nào trong mọi độ tuổi, giới tính có diễn biến bất thường liên quan tới chứng đông máu tại quốc gia Nam Mỹ này.

Kết quả nghiên cứu vaccine AstraZeneca cũng xác nhận tính hiệu quả khoảng 76% trong việc phòng ngừa khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2 sau 15 ngày được tiêm liều thứ 2, cũng như 100% ngăn chặn các trường hợp mắc Covid-19 ở thể nặng hoặc nguy kịch.

Đến nay, trên thế giới đã ghi nhận 86 trường hợp bị đông máu trong tổng số 25 triệu người được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Ngày 23/4, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo, công tác tiêm chủng vaccine phòng bệnh Covid-19 của hãng dược Johnson & Johnson (J&J) có thể được tái khởi động, sau khi hoạt động tiêm chủng loại vaccine này bị đình chỉ cho những quan ngại liên quan tới chứng đông máu.

Thông báo của CDC nêu rõ: "Chúng tôi đã kết luận rằng những lợi ích tiềm năng và đã được ghi nhận của vaccine phòng Covid-19 của Janssen (chi nhánh dược phẩm của J&J) vượt trội hơn những nguy cơ đã biết và tiềm ẩn ở những người từ 18 tuổi trở lên".

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cap-nhat-covid-19-ngay-244-ca-tu-vong-vuot-moc-3-trieu-campuchia-dong-cua-toan-bo-cac-cho-tai-phnom-penh-kuwai-dinh-chi-bay-voi-an-do-143184.html