Cấp cứu bệnh nhân bị uốn ván nguy kịch vì giẫm phải đinh

Tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp nhận người bệnh L.M.T (sinh năm 1965) ở huyện Thanh Thủy, nhập viện trong tình trạng khó thở, cứng hàm, suy hô hấp, viêm phổi, được chẩn đoán mắc uốn ván giai đoạn toàn phát mức độ nặng.

Tình trạng người bệnh bị uốn ván do giẫm phải đinh đã ổn định sau điều trị.

Theo chia sẻ của người nhà, khoảng hai tuần trước khi vào viện, người bệnh giẫm phải đinh gỉ nhưng chủ quan nghĩ vết thương nhỏ không đáng kể nên đã không đến cơ sở y tế kiểm tra và cũng không tiêm huyết thanh phòng uốn ván.

Trong thời gian điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, các bác sĩ phải áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực như kiểm soát hô hấp nhân tạo (mở khí quản thở máy), dùng huyết thanh kháng độc liều cao, kiểm soát các triệu chứng và biến chứng, dùng kháng sinh dự phòng chống bội nhiễm, đồng thời chăm sóc và can thiệp dinh dưỡng cho người bệnh.

Tiêm huyết thanh phòng uốn ván (SAT) là biện pháp đơn giản và hiệu quả, giúp ngăn ngừa bệnh uốn ván khi có vết thương ngoài da. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người bệnh chủ quan không đến cơ sở y tế kiểm tra và tiêm phòng dẫn tới bệnh phát triển gây biến chứng nguy hiểm.

Qua đây, bác sĩ khuyến cáo: Những người có nguy cơ cao, thường xuyên làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất cát, bụi bẩn, phụ nữ trong thời kỳ mang thai hoặc sinh nở, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì nên được tiêm phòng uốn ván đủ liều. Khi bị vết thương ngoài da, đặc biệt là những vết thương bị nhiễm bẩn, dính đất cát, bụi bẩn thì cần đến cơ sở y tế để được xử lý đúng cách và được tiêm phòng uốn ván càng sớm càng tốt.

Vĩnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/y-te/cap-cuu-benh-nhan-bi-uon-van-nguy-kich-vi-giam-phai-dinh/203426.htm