Cấp bốn bằng độc quyền sáng chế của Trường đại học Khoa học Tự nhiên

Tính 10 tháng đầu năm 2020, các nhà khoa học từ Trường đại học Khoa học Tự nhiên đã tạo được đột phá khi sở hữu bốn bằng độc quyền sáng chế, năm bằng độc quyền giải pháp hữu ích và có 17 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ được chấp nhận hợp lệ.

Tính 10 tháng đầu năm 2020, các nhà khoa học từ Trường đại học Khoa học Tự nhiên đã tạo được đột phá khi sở hữu bốn bằng độc quyền sáng chế, năm bằng độc quyền giải pháp hữu ích và có 17 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ được chấp nhận hợp lệ.

Chiều 13-11, Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin cho biết đến thời điểm này của năm 2020, các nhà khoa học của Trường đã sở hữu bốn bằng độc quyền sáng chế, năm bằng độc quyền giải pháp hữu ích và có 17 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ được chấp nhận hợp lệ. Đây là kết quả tốt nhất từ trước đến nay nhà trường đạt được về số lượng bằng độc quyền được cấp và số đơn đăng ký sở hữu trí tuệ được chấp nhận hợp lệ.

“Kết quả này cho thấy các nhà khoa học của Trường đại học Khoa học Tự nhiên không chỉ quan tâm đến nghiên cứu cơ bản mà ngày càng tập trung hơn đến các sản phẩm có định hướng ứng dụng” – đại diện Trường cho biết. Điều này cũng cho thấy Trường đang từng bước chuyển sang mô hình đại học định hướng đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội.

Bốn công trình được cấp bằng độc quyền sáng chế của các nhà khoa học Trường đại học Khoa học Tự nhiên trong 10 tháng của năm 2020:

* Sáng chế phương pháp chiết tách từ cây bàn tay ma hợp chất có các hoạt tính bảo vệ gan của nhóm tác giả: Phạm Hùng Việt, Phan Minh Giang, Dương Hồng Anh, Đỗ Thị Việt Hương, Vũ Minh Giang (Trung tâm Nghiên cứu công nghệ Môi trường và Phát triển Bền vững).

* Sáng chế phương pháp ước lượng mật độ và tốc độ trung bình của các phương tiện cơ giới tham gia giao thông đường bộ, đề xuất phương pháp dùng để ước lượng mật độ và tốc độ trung bình của các phương tiện cơ giới tham gia giao thông đường bộ thông qua thiết bị đo đạc, xử lý thống kê số liệu thăm dò trường địa điện do các phương tiện phát ra tại khu vực cần quan sát. Dữ liệu thu được có thể được lưu trữ, truyền tải đến trung tâm quản lý, điều tiết giao thông để đánh giá mức độ ùn tắc giao thông tại điểm quan sát của tác giả Trần Vĩnh Thắng (Khoa Vật lý).

* Sáng chế thấu kính hội tụ kết nối với sợi quang và thiết bị thu nhận ánh sáng mặt trời sử dụng thấu kính này” đề cập đến thấu kính hội tụ kết nối nhanh với sợi quang và thiết bị thu nhận ánh sáng mặt trời, sử dụng để hội tụ được ánh sáng mặt trời xuất phát từ mọi hướng và tại đầu ra của thiết bị ánh sáng có phương tương đối song song. Việc thực hiện hội tụ ánh sáng tại mọi hướng, không sử dụng bất kỳ chi tiết chuyển động nào, được thực hiện bằng cách sử dụng nhiều thấu kính hội tụ nhỏ xếp lại với nhau thành một mặt cong lồi của nhóm tác giả: Nguyễn Trần Thuật, Hoàng Chí Hiếu, Hồ Đức Quân, Nguyễn Quang Quân, Nguyễn Hoàng Hải (Trung tâm Nano và Năng lượng, Khoa Vật lý)

* Sáng chế “Quy trình chế tạo vật liệu làm giá thể di động cho bể lọc sinh học từ xơ mướp” đề xuất quy trình chế tạo vật liệu làm giá thể di động cho bể lọc sinh học từ xơ mướp. Quy trình này có giá thành rẻ, vật liệu thu được từ quy trình có thể được áp dụng làm giá thể di động tại các mô hình bể lọc sinh học có giá thể chuyển động MBBR mang lại hiệu quả tốt, thân thiện với môi trường của nhóm tác giả: Nguyễn Mạnh Khải, Phạm Thị Thúy, Đặng Thị Thanh Huyền (Khoa Môi trường).

HOA LÊ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/cap-bon-bang-doc-quyen-sang-che-cua-truong-dai-hoc-khoa-hoc-tu-nhien-624392/