Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau: 5 tháng chỉ thi công đạt hơn 2%

Đến nay, tổng sản lượng của dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang chỉ đạt 2,4%, còn dự án thành phần Hậu Giang – Cà Mau chỉ đạt 2,9%.

Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình thi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Mục tiêu phấn đấu của chủ đầu tư là đạt 35% giá trị dự án trong năm 2023, tuy nhiên, đến nay chỉ đạt hơn 2%.

Mục tiêu phấn đấu của chủ đầu tư là đạt 35% giá trị dự án trong năm 2023, tuy nhiên, đến nay chỉ đạt hơn 2%.

Báo cáo với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết, đối với đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, công tác GPMB đã được các địa phương bàn giao khoảng 39 km, trong đó, chiều dài mặt bằng có thi công được khoảng 38 km và 33/40 cầu có mặt bằng thi công. Còn lại đoạn Hậu Giang - Cà Mau, mặt bằng cũng được bàn giao khoảng 74 km, mặt bằng có thể thi công khoảng 69 km, trong đó, 69/86 cầu có mặt bằng thi công.

Theo ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, chủ đầu tư đã quán triệt các nhà thầu phải có kế hoạch thi công đối với tuyến chính, đường găng của dự án ngay từ thời điểm ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, đến nay, tổng sản lượng thi công 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau chỉ đạt hơn 2%, rất chậm so với kế hoạch.

Ông Trần Văn Thi đánh giá, nguyên nhân chính là do thời gian qua, dự án gặp khó khăn về vật liệu cát. Ngoài ra, địa bàn chia cắt với 126 cầu dọc tuyến nên việc tiếp cận công trường khó khăn, dẫn đến công tác huy động ban đầu mất nhiều thời gian. Đối với các nhà thầu, Ban QLDA Mỹ Thuận đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương kiện toàn nhân sự ban điều hành, huy động bổ sung máy móc, thiết bị.

Đại diện Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trung Nam E&C) cho biết, nhà thầu đã xây dựng phương án thi công cụ thể đối với các cầu trên tuyến bám sát theo kế hoạch chủ đầu tư đưa ra.

Trong tuần tới, nhà thầu sẽ huy động thêm máy móc, thiết bị phục vụ cho việc thi công công trình. Tuy nhiên, đại diện Trung Nam E&C cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay đó là mặt bằng tại nhiều điểm thi công còn vướng mắc. Mặc dù, các hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn chưa di dời. Ngoài khó khăn về mặt bằng, các nhà thầu đang gặp khó khăn lớn từ vật liệu cát.

Từ đó, đại diện các nhà thầu kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục quan tâm và có ý kiến với các địa phương có mỏ cát sớm hỗ trợ cho dự án và tháo gỡ các vấn đề vướng mắc liên quan đến thủ tục cấp phép khai thác, tăng công suất các mỏ.

Qua kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm bày tỏ không hài lòng trước việc tổ chức thi công của một số nhà thầu chưa tương xứng với quy mô công trình.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, Bộ GTVT xác định dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là dự án có nhiều khó khăn cả về vật liệu lẫn điều kiện địa chất. Do đó, khi chọn nhà thầu, Bộ đã cân nhắc chọn các đơn vị đủ mạnh và có kinh nghiệm để thi công. Tuy nhiên, qua gần 6 tháng thi công, sản lượng chung của dự án chỉ khoảng 3% là chưa chấp nhận được.

“Chủ đầu tư rất sốt ruột, nhưng công trình thì dường như bế tắc, tình hình này, rất lo ngại là mục tiêu phấn đấu đạt 35% giá trị dự án trong năm 2023 là không thể hoàn thành. Tinh thần thi công hiện nay chưa phải là tinh thần làm dự án cao tốc mà các đơn vị đã cam kết trước đó” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nhận xét.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, dự án có thuận lợi lớn là khi khởi công đã có mặt bằng lớn. Do đó, việc còn lại là các nhà thầu cần tập trung nhân lực, thiết bị để tổ chức đẩy nhanh tiến độ thi công.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cũng yêu cầu các liên danh cần kiện toàn nhân sự ban điều hành. Đồng thời, lựa chọn đơn vị mạnh nhất để làm điều phối, kịp thời hỗ trợ cho các đơn vị trong liên danh khi gặp khó khăn trong quá trình thi công.

Liên quan đến vấn đề nguồn vật liệu cát, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ TN&MT sẽ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương có nguồn cát như: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long bố trí các mỏ cát để phục vụ cho việc thi công dự án và hướng dẫn chi tiết cụ thể các vướng mắc liên quan đến thủ tục cấp mỏ cát.

“Các nhà thầu đưa ra kế hoạch vẫn bám sát mục tiêu đạt sản lượng thi công 35% trong năm 2023 và mục tiêu này sẽ không thay đổi, các nhà thầu đã cam kết là phải thực hiện”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cao-toc-can-tho-ca-mau-5-thang-chi-thi-cong-dat-hon-2.html