Cao cả tấm lòng Mẹ Việt Nam Anh hùng!

Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, những người Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) hy sinh thầm lặng, góp phần làm nên những trang sử vàng của dân tộc.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tân An - Lê Thị Khuyên đến thăm, tặng quà cho mẹ Nguyễn Thị Bông (xã Bình Tâm, TP.Tân An)

1. Căn nhà tình nghĩa tại ấp Bình Nam, xã Bình Tâm, TP.Tân An, tỉnh Long An là nơi cư ngụ của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Bông. Mẹ Bông chia sẻ, tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, mẹ tham gia cách mạng từ sớm với công việc giao liên và làm công tác binh vận. Tại đây, mẹ gặp và nên duyên với ông Lê Văn Khương. Những năm tháng chiến tranh, mẹ Bông cùng cán bộ và người dân địa phương ra sức tuyên truyền, vận động người dân nâng cao lòng yêu nước, tham gia tiếp sức cho cách mạng, làm hậu phương vững chắc cho chồng, con yên tâm lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1967, trong trận càn của địch, chồng mẹ hy sinh lúc đang làm nhiệm vụ. Khi ấy, mẹ mới 27 tuổi và có 5 người con. Nén nỗi đau, mẹ Bông tiếp tục lao động và nuôi dạy các con nên người.

Sau này, người con trai trưởng của mẹ là anh Lê Văn Thanh cũng hy sinh. Một lần nữa, nỗi đau mất con giày xé lòng mẹ. Còn mẹ Bông, trong khoảng thời gian làm giao liên, mẹ 2 lần bị địch bắt giam qua nhiều nhà tù khác nhau. Tuy bị đánh đập, tra tấn nhưng mẹ vẫn một lòng kiên trung với cách mạng. Ngày nay, khi về già, sức khỏe mẹ Bông giảm sút vì di chứng của những trận đòn roi ngày ấy.

Những người con, người cháu của mẹ Bông sau này cũng tiếp nối truyền thống gia đình, từng tham gia trong lực lượng Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân. Họ hiện có cuộc sống ổn định, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời bình. Thế nhưng, tháng 8/2022, cháu ngoại của mẹ Bông là Đại úy Nguyễn Lê Chí Công Hoàng Khôi (công tác tại Công an phường 5, TP.Tân An) đã mất khi bảo vệ hiện trường một vụ tai nạn giao thông.

“Thế hệ trẻ ngày nay phải học tập, sống có ích cho xã hội để giữ gìn và xây dựng đất nước, xứng đáng với cha ông, những người đã ngã xuống để giành độc lập như ngày hôm nay” - mẹ Bông nhắn nhủ.

2. Huyện Đức Huệ hiện có 323 Bà mẹ VNAH, trong đó có 3 mẹ còn sống: Mẹ Phan Thị Đương (xã Mỹ Thạnh Đông), mẹ Nguyễn Thị Tư (thị trấn Đông Thành) và mẹ Nguyễn Thị Bìa (xã Mỹ Thạnh Tây).

Trong số 3 Mẹ VNAH còn sống, mẹ Tư và mẹ Bìa còn minh mẫn. Mỗi khi có đoàn đến thăm, cả 2 mẹ đều hỏi thăm và không quên chúc sức khỏe các thành viên trong đoàn. “Mẹ chúc các con luôn mạnh khỏe, cố gắng phấn đấu làm việc để đóng góp công sức cho đất nước” - mẹ Bìa tươi cười nói.

Còn Mẹ VNAH Biện Thị Tư (ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) có người thân hy sinh trong công cuộc kháng chiến để bảo vệ độc lập của dân tộc. Không còn chồng con, những năm cuối đời, mẹ Tư sống cùng người cháu ruột. Thỉnh thoảng, lãnh đạo huyện, các ban, ngành địa phương, đoàn viên, thanh niên đến thăm, dọn nhà cửa giúp mẹ. Mẹ Tư tuy còn minh mẫn nhưng những năm cuối đời phải nằm một chỗ do bị té.

Thường trực HĐND tỉnh tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Năm (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc)

Với Mẹ VNAH Trần Thị Năm (ấp Tân Đông, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc), những câu chuyện về chồng, về con, về cách mạng, mẹ vẫn nhớ như in. Mẹ Năm kể, gần cả cuộc đời mẹ Năm gắn với sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước. Mẹ Năm có chồng và con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc đời mẹ trải qua những tháng ngày gian truân, nghèo đói khi vùng đất Tân Tập năm xưa không chỉ nhiễm mặn mà còn bị phèn nặng. Giờ đây, nhìn quê hương ngày càng đổi mới, mẹ Năm mừng lắm!

3. Danh hiệu “Bà mẹ VNAH” là danh hiệu cao quý mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng, truy tặng những phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước, cùng với cả nước, quân và dân Long An đã lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng Kỷ niệm chương Tù đày; gần 80.000 người có công với cách mạng được tặng thưởng Huân chương, Huy chương Kháng chiến; Nhân dân và lực lượng vũ trang Long An được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Đặc biệt, tại Đại hội Anh hùng - Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ II (tháng 9-1967), tỉnh Long An vinh dự được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phong tặng danh hiệu “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bìa (xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ) cảm động khi có đoàn đến thăm

Thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 5.365 Bà mẹ VNAH, còn sống 77 mẹ (số liệu cuối năm 2023). Những năm qua, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa.

Những Bà mẹ VNAH còn sống đều được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nhận phụng dưỡng đến cuối đời và thường xuyên thăm hỏi, động viên về vật chất, tinh thần. Đặc biệt, Long An là tỉnh đầu tiên có chủ trương xây dựng nhà tình nghĩa cho người thờ cúng Mẹ VNAH,...

Mỗi Mẹ VNAH đều là một câu chuyện ý nghĩa về tinh thần hy sinh cao cả vì quê hương, đất nước, khiến chúng ta càng thêm trân quý giá trị hòa bình. Đất nước hòa bình và ngày càng phát triển, Đảng, Nhà nước và xã hội ngày càng quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa. Với các mẹ, đó là sự động viên tinh thần lớn nhất./.

Thanh Nga

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cao-ca-tam-long-me-viet-nam-anh-hung--a172254.html