Cảnh tượng khiến người Hàn hoang mang tột độ

Gần một tháng bác sĩ thực tập đình công, bệnh nhân Hàn Quốc nóng ruột vì không được điều trị và buộc phải tìm đến những bệnh viện nhỏ để khám tạm.

Gần một tháng kể từ ngày bác sĩ thực tập ở Hàn Quốc đình công tập thể. Ảnh: Yonhap.

4h sáng, khi trời vẫn còn tối đen, ông Kim Song-ho (72 tuổi) đã thức dậy để đi quãng đường khoảng 30 km từ Bucheon (tỉnh Kyunggi) đến bệnh viện Bệnh viện St.Mary (thuộc Đại học Công giáo Hàn Quốc) ở Seoul để khám bệnh.

Ông Kim mới trải qua ca phẫu thuật ghép thận nhưng hiện tại lại gặp một vấn đề khá phức tạp.

Những ngày này, nghe tin bác sĩ thực tập từ chức tập thể, ông Kim lo rằng với tình hình này, có thể các bác sĩ gạo cội ở bệnh viện cũng sẽ rời đi.

"Tôi sẽ gặp khó khăn nếu phải chuyển viện vì dù có chuyển hồ sơ, bác sĩ bệnh viện khác cũng không điều trị được cho tôi. Tôi hy vọng các bác sĩ sẽ không từ chức", ông Kim nói với Newsis.

Hoang mang tột độ

Gần một tháng kể từ ngày bác sĩ thực tập ở Hàn Quốc đình công để phản đối kế hoạch của chính phủ, không khí ảm đạm vẫn bao trùm các bệnh viện lớn ở đất nước này.

Không riêng bác sĩ thực tập, đến lượt các giáo sư và cả sinh viên đại học cũng nghỉ việc, nghỉ học. Điều này khiến các bệnh nhân lo rằng khủng hoảng y tế có thể xảy ra trên diện rộng.

Bác sĩ thực tập đình công, những người trụ lại là giáo sư cũng có ý định rời đi. Ảnh: Newsis.

Vào những ngày này, Bệnh viện St.Mary, một trong 5 bệnh viện 'big 5' của Hàn Quốc, vẫn luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân. Từ khoảng 8h, sảnh bệnh viện đã có hơn 40 người ngồi chờ đến lượt điều trị sau khi mất một thời gian xếp hàng lấy số ở khu vực tầng 2.

40 chưa phải là con số chính xác vì ở khu vực thang máy, bệnh nhân và người nhà cũng chen chúc ra vào liên tục.

Ông Kim Han-cheol (63 tuổi) phải đến bệnh viện mỗi tháng một lần để tái khám sau khi ghép thận. Ông lo rằng nếu bác sĩ vẫn tiếp tục đình công, tháng tới ông sẽ phải chuyển đến bệnh viện địa phương để thăm khám.

"Các giáo sư, bác sĩ không nên đình công dù việc đó là vì lợi ích của họ hay là lợi ích của bệnh nhân. Họ không nên đùa với mạng sống của bệnh nhân như vậy", ông Kim nói.

Ông Park (40 tuổi) cũng hoang mang khi nghe tin các giáo sư có thể từ chức. Ông đặt câu hỏi nếu giáo sư cũng nối gót bác sĩ thực tập rồi rời bệnh viện, vậy bệnh nhân phải làm sao.

Hiện, ông Park phải thường xuyên đến bệnh viện điều trị. Nếu bệnh viện lớn như St.Mary cũng thiếu bác sĩ, ông Park buộc phải đến bệnh viện nhỏ để khám bệnh.

Lo lắng cho vấn đề sức khỏe của mình, ông Park mong các giáo sư không nên từ chức tập thể để ở lại giúp đỡ bệnh nhân.

Bệnh viện nhỏ cũng quá tải

Do các bệnh viện đại học thiếu bác sĩ, nhiều bệnh nhân tìm đến bệnh viện chuyên khoa với hy vọng sẽ được khám bệnh nhanh hơn. Tuy nhiên, tình hình của những bệnh viện nhỏ cũng không khả quan hơn là mấy vì lượng người đổ về quá đông, quy mô bệnh viện không đáp ứng kịp.

Sáng 15/3, theo ghi nhận của phóng viên Newis, sảnh của một bệnh viện chuyên khoa ở quận Yeongdeungpo (Seoul) chật kín bệnh nhân chờ khám.

Bà Jeong Mi-hyeon (57 tuổi) là một trong số rất nhiều người đang chờ khám ở bệnh viện này. Bà đến bệnh viện vì cơn đau đầu do chứng phình mạch máu não.

"Tôi bất ngờ phát hiện bệnh này khi đi khám sức khỏe định kỳ, nhưng giờ có đến bệnh viện thì tôi cũng không được điều trị ngay. Vì thế, tôi đành phải đến bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra trước", bà Jeong thông tin.

Một người phụ nữ khác khoảng 50 tuổi cũng đưa mẹ đến bệnh viện cấp cứu vì bệnh viện lớn quá tải. Bà cho biết mẹ bà bị ngã gãy xương và cần cấp cứu ngay, biết tin bác sĩ bệnh viện chuyên khoa không đình công nên bà đưa mẹ đến.

Một lãnh đạo của bệnh viện chuyên khoa này cho biết kể từ khi bác sĩ thực tập ở bệnh viện lớn đình công, số lượng bệnh nhân tại đây tăng mạnh nên bệnh viện cũng phải tăng ca liên tục, các bác sĩ buộc phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ hơn.

Thiếu bác sĩ, bệnh nhân phải tìm đến bệnh viện nhỏ để chữa bệnh. Ảnh: Newsis.

Bác sĩ thực tập không có ý định trở lại

Dù chính phủ đã ra tối hậu thư, thậm chí gửi thông báo đình chỉ giấy phép hành nghề, hàng nghìn bác sĩ vẫn tiếp tục đình công như một cách để chống lại kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y của chính phủ.

Trong một tuyên bố vào sáng 12/3, Ủy ban ứng phó tình huống khẩn cấp của Đại học Y Ajou nói rằng việc đình chỉ giấy phép không mang lại hiệu quả mà chỉ đang cản trở con đường trở lại bệnh viện của các bác sĩ trẻ.

Ngoài ra, ủy ban này nhấn mạnh rằng các bệnh viện không thể thay thế vị trí của bác sĩ thực tập bằng nhân sự khác. Lý do là việc thay thế nhân sự sẽ khiến bệnh viện rơi vào thế khó, không thể duy trì những tiêu chuẩn đảm bảo an toàn trong công tác khám, chữa bệnh.

Phòng giảng tại một trường y ở Chuncheon, cách Seoul 85 km về phía đông bắc, yên tĩnh do sinh viên nghỉ phép tập thể vào ngày 15/3. Ảnh: Yonhap.

Theo ủy ban, bác sĩ thực tập chính là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền điều trị. Nếu cho y tá thay thế vai trò của bác sĩ thực tập, dây chuyền này sẽ bị gián đoạn.

"Chính phủ cho y tá thay thế vai trò của bác sĩ thực tập chính là minh chứng cho việc họ thiếu hiểu biết về cộng đồng khám, chữa bệnh. Dù có ghét bác sĩ trẻ, chính phủ cũng phải thừa nhận rằng nếu muốn khôi phục công tác khám chữa bệnh, họ phải đưa những người đình công trở lại làm việc", ủy ban nêu quan điểm.

Về việc đình công, đại diện ủy ban cho biết bác sĩ thực tập không có ý định trở lại bệnh viện, dù bị phạt nặng đến mấy, họ cũng không về.

Bác sĩ không muốn trở lại không phải vì bị các thế lực, tổ chức xúi giục, mà vì họ cảm thấy quyền lợi của họ bị đe dọa nếu chỉ tiêu tuyển sinh thực sự tăng.

"Chính phủ nói như thể các bác sĩ trẻ bị các tổ chức xúi giục và thao túng nên ngành y tế mới bị khủng hoảng. Thật là điều ngớ ngẩn", đại diện ủy ban nói với Cheongnyeon Uisa.

Nói thêm về việc nâng chỉ tiêu tuyển sinh trường y, ủy ban của trường đại học cho rằng chính phủ rất vô lý khi nói về cải cách y tế nhưng lại công bố những chính sách vô lý và đơn phương, không hề thông qua y kiến của những người trong ngành.

Tổ chức này nhấn mạnh rằng bác sĩ chính là những người cảm nhận rõ nhất viễn cảnh đen tối của ngành y Hàn Quốc, họ cũng muốn góp sức để cứu lấy hệ thống chăm sóc y tế của đất nước, nhưng chính phủ lại không cho họ làm điều đó.

Người đại diện ủy ban đề xuất chính phủ cần xem xét lại kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y, đồng thời xây dựng lại chính sách y tế thiết yếu và khả thi hơn.

Thái An

Nguồn Znews: https://znews.vn/canh-tuong-khien-nguoi-han-hoang-mang-tot-do-post1465304.html