'Cánh tay nối dài' của huyện đảo Phú Quý

Với vị trí địa lý nằm giữa đất liền với các đảo lớn, nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa, đảo tiền tiêu Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) được xem là cầu nối giữa đất liền với các ngư dân đánh bắt khơi xa.

Kể từ năm 2008 đến nay, từ chủ trương thành lập các tổ, đội tàu thuyền liên kết sản xuất, đánh bắt trên biển, Phú Quý hình thành đội tàu hậu cần hơn trăm chiếc. Nhờ đội tàu hậu cần lớn mạnh này, cuộc sống ngư dân, đời sống kinh tế ở huyện đảo này không ngừng phát triển.

Ông Huỳnh Văn Khải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho biết đến nay, huyện Phú Quý có 115 chiếc tàu công suất lớn, hành nghề dịch vụ hậu cần, trong tổng số 1.660 tàu thuyền đăng ký hoạt động. Những năm trước đây, khi đội tàu hậu cần chưa phát triển, nhiều ngư dân phải di chuyển vào bờ, mất nhiều thời gian, chi phí để bán sản phẩm, tiếp nhiên liệu. Từ khi có tàu hậu cần, được cung cấp dầu, nhu yếu phẩm, mỗi chuyến ra khơi của ngư dân tiết kiệm được chi phí từ 40%-50%, nhờ vậy thu nhập tăng lên.

Đội tàu hậu cần hùng hậu tại đảo Phú Quý

Nằm ở trung tâm của con đường trên biển, huyện đảo Phú Quý được đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế biển. Trong năm 2023, UBND huyện Phú Quý đã phối hợp rà soát, bổ sung danh sách ngư dân đánh bắt xa bờ được hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, với tổng số tiền gần 185 tỉ đồng. Theo ông Khải, nhờ sự hỗ trợ kịp thời, ngư dân hành nghề đánh bắt và làm hậu cần nghề cá rất yên tâm.

Trung tá Nguyễn Minh Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Quý, cho biết nhờ hoạt động theo mô hình tổ đội đoàn kết, các tàu dịch vụ hậu cần góp phần quan trọng trong tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm và hỗ trợ tàu cá gặp nạn. Phần lớn tàu cá tại Phú Quý hoạt động khai thác tại vùng biển Trường Sa, khu vực nhà giàn DK nên các tàu dịch vụ hậu cần được xem là cánh tay nối dài cho ngư dân, giúp hành trình những chuyến biển thêm gần hơn.

"Các tàu dịch vụ hậu cần của bà con ngư dân chấp hành tốt các quy định trên biển, đặc biệt là về phòng, chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), phụ giúp nhau trong việc khai thác" - trung tá Nguyễn Minh Hải nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Châu Tỉnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/canh-tay-noi-dai-cua-huyen-dao-phu-quy-196240331210028138.htm