Canh tác nông nghiệp thuận thiên mang lại lợi ích kinh tế và môi trường

Ngay tại thời điểm này, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống và sinh kế của 20 triệu người dân. Trong tình hình đó, việc ứng dụng mô hình canh tác nông nghiệp thuận thiên được cho là mang lại lợi ích kép, vừa đạt mục tiêu kinh tế, vừa tốt cho môi trường đã trở thành yêu cầu cấp bách.

Nhiều diện tích rừng ngập mặn ở Cà Mau được người dân khoanh nuôi cua và tôm mang lại lợi nhuận cao và ổn định. Ảnh: Xuân Hương

Nhiều diện tích rừng ngập mặn ở Cà Mau được người dân khoanh nuôi cua và tôm mang lại lợi nhuận cao và ổn định. Ảnh: Xuân Hương

Nông nghiệp thuận thiên là xu thế phát triển bền vững

ĐBSCL gồm 13 tỉnh, có diện tích canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản khoảng 3 triệu ha. Sản lượng nông nghiệp của ĐBSCL chiếm trên 50% so với cả nước. Khu vực này đóng góp trên 70% cây ăn trái và thủy sản, 90% lương thực xuất khẩu của cả nước, giúp đưa Việt Nam từ nước thiếu ăn thành nước xuất khẩu lương thực đứng thứ 3 thế giới. Không chỉ quan trọng với nông nghiệp, ĐBSCL cũng là một vùng giàu đa dạng sinh học toàn cầu.

Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Phát triển không bền vững, tác động từ thủy điện đầu nguồn sông Mê Kông và biến đổi khí hậu. Trong nửa thập kỷ vừa qua, gần 98% môi trường tự nhiên của vùng đồng bằng đã bị chuyển đổi, trở thành các vùng canh tác nông nghiệp, thủy sản và đất ở, chỉ còn khoảng 2% diện tích là các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên. Các biện pháp canh tác thâm canh, như sản xuất 3 vụ lúa mỗi năm, phá vỡ chế độ ngập lũ tự nhiên, ngăn cản quá trình bồi lắng phù sa và trao đổi nước. Sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc trừ sâu và các hóa chất độc hại khác đã khiến các loài cá và sinh vật bản địa cũng dần biến mất. Bên cạnh đó, khu vực đồng bằng cũng đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ biến đổi khí hậu đã làm thay đổi lượng mưa cũng như gia tăng mức độ hạn hán, xâm nhập mặn.

ĐBSCL cũng đang phải đối mặt với thách thức từ các đập thủy điện thượng nguồn. Các con đập ở Lào, Trung Quốc và các nhánh sông Sesan ở Campuchia đã làm gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung cấp nước và trầm tích cho đồng bằng. Các nhà khoa học cảnh báo, ĐBSCL của Việt Nam có thể nằm dưới mực nước biển vào cuối thế kỷ nếu không có các hành động trên toàn lưu vực sông. Tiếp tục phát triển không bền vững có thể khiến 90% diện tích của vùng trọng điểm kinh tế nông nghiệp này của Việt Nam bị nhấn chìm, kèm theo các tác động to lớn ở cấp độ quốc gia và toàn cầu.

Do vậy, việc ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua giải pháp thuận thiên là một yêu cầu cấp bách. Thực tế, các địa phương ĐBSCL đã triển khai các giải pháp canh tác nông nghiệp thuận thiên như: “Đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”; mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; chăn nuôi tuần hoàn; kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa...

Chia sẻ về hiệu quả của mô hình canh tác tôm - lúa, đại diện Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết: Mô hình tôm - lúa là một hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, thuận thiên gắn liền với vùng ĐBSCL và khí hậu nhiệt đới gió mùa của vùng này. Đặc trưng của mô hình là sự luân phiên giữa hai mùa mưa nước ngọt và mùa khô nước mặn tạo ra điều kiện sinh thái phù hợp cho cả lúa và tôm sinh trưởng mà không cần phải dùng thuốc trừ sâu và phân bón. Mô hình tôm-lúa có năng suất trung bình mỗi vụ thu hoạch được 5 đến 8 tấn lúa và 300 đến 1.000kg tôm. Như vậy, mỗi năm, thu nhập từ mô hình này tối thiểu 250 triệu đồng, trung bình 500 triệu đồng và có thể lên tới 1 tỷ đồng/năm/ha nếu canh tác thành công. Mô hình này không chỉ mang tính bền vững về môi trường, mà còn đảm bảo bền vững kinh tế và xã hội cho người dân địa phương.

"Một trong những thành công lớn của chúng tôi là mô hình thí điểm trồng lúa - tôm luân canh tại Cà Mau; mô hình đã đạt được Chứng chỉ ASC đầu tiên cho nhóm hộ sản xuất tôm - lúa tại Việt Nam vào tháng 10/2022. Phương pháp canh tác này không chỉ mang đến cho người dân thu nhập gấp 3 lần so với các hộ không tham gia dự án, mà còn giúp tăng mức bồi đắp trầm tích ở các khu vực dự án 10 - 40% so với các địa điểm thông thường khác" - đại diện Tập đoàn thủy sản Minh Phú thông tin.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khẩn trương triển khai đề án 1 triệu héc ta lúa carbon thấp chất lượng cao ở ĐBSCL đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 và đang triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Ảnh: Xuân Hương

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang khẩn trương triển khai đề án 1 triệu héc ta lúa carbon thấp chất lượng cao ở ĐBSCL đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 và đang triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất. Ảnh: Xuân Hương

Kêu gọi nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái. Ngành nông nghiệp cũng nhận thức rõ tầm quan trọng của các giải pháp thuận thiên trong việc giúp cải thiện sinh kế của nông dân và khả năng phục hồi của nông nghiệp; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, duy trì tương lai của các hệ thống lương thực. Các nhà sản xuất nông nghiệp cần sẵn sàng chuyển đổi sang các phương thức sản xuất nhằm tái tạo và phục hồi thiên nhiên, đồng thời nâng cao hệ thống lương thực hiệu quả và bền vững.

Để thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên, ĐBSCL cần nguồn lực rất lớn cả về tài chính, nhân lực, công nghệ và chuyển đổi số. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu goi các đối tác quốc tế hỗ trợ Chính phủ Việt Nam về mặt thông tin, tri thức, kinh nghiệm, các công cụ đánh giá, cho chuyển đổi nông nghiệp thuận thiên, phối hợp cùng chính phủ rà soát các hạng mục ưu tiên đầu tư không hối tiếc thông qua các dự án tại ĐBSCL. Đồng thời, hỗ trợ thu thập, đánh giá, lựa chọn các mô hình/giải pháp thuận thiên và thực hiện thí điểm các mô hình thuận thiên và dự án thuận thiên trong nông nghiệp, chú trọng tới các giải pháp kết hợp hài hòa đồng bộ giữa công trình và phi công trình - thích nghi theo điều kiện tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, giải pháp an sinh xã hội, quản lý bền vững nguồn lực tự nhiên gắn với chuyển đổi số và cải cách thể chế chính sách.

Cùng với đó là hỗ trợ nguồn lực nhằm triển khai chương trình, đề án phát triển nông nghiệp bền vững..., tạo cơ chế chính sách để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu, trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, đa giá trị, hiệu quả cao, tối ưu hóa các dịch vụ của hệ sinh thái phục vụ cho phát triển kinh tế tương xứng với tiềm năng và vị trí địa chiến lược của vùng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kêu gọi các đối tác cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt, tài chính xanh, dễ tiếp cận, đặc thù cho khu vực ĐBSCL.

Xuân Hương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/canh-tac-nong-nghiep-thuan-thien-mang-lai-loi-ich-kinh-te-va-moi-truong-post474549.html