Cảnh khốn cùng của người dân ở Nagorno - Karabakh

Một kho nhiên liệu ở vùng ly khai Nagorno-Karabakh của Azerbaijan đã phát nổ trong lúc hàng ngàn người dân tộc Armenia chạy trốn khỏi khu vực này.

Hàng dài xe của người dân Armenia trên đường rời khỏi Nagorno-Karabakh. Ảnh: Reuters

Hàng dài xe của người dân Armenia trên đường rời khỏi Nagorno-Karabakh. Ảnh: Reuters

Hơn 200 người bị thương

"Vụ nổ tại một kho xăng dầu ở Nagorno-Karabakh đêm 25-9 đã khiến hơn 200 người bị thương. Phần lớn nạn nhân đang trong tình trạng thương nặng hoặc nguy kịch. Giới chức khu vực không đủ năng lực y tế để cứu chữa họ, cần lập cầu hàng không để đưa các nạn nhân nặng đi cấp cứu", Gegham Stepanyan, thanh tra nhân quyền Nagorno-Karabakh, cho biết.

Vụ nổ xảy ra ở thành phố Stepanakert, thủ phủ vùng Nagorno-Karabakh, khi hàng trăm người xếp hàng trước kho nhiên liệu để nhận xăng. Giới chức chính quyền ly khai trước đó thông báo phát nhiên liệu tại địa điểm này để người dân có thể đổ xăng cho xe hơi và rời khỏi Nagorno-Karabakh để đến Armenia. Hiện không rõ nguyên nhân của vụ nổ. Giới chức địa phương cho biết, năng lực y tế của Nagorny-Karabakh là không đủ, do đó kêu gọi được hỗ trợ y tế khẩn cấp và sự trợ giúp của máy bay cứu hộ.

Chạy trốn khỏi Nagorno - Karabakh

Vụ nổ trên xảy ra trong lúc hàng ngàn người chạy trốn khỏi khu vực ly khai Nagorno-Karabakh tới Armenia sau khi các chiến binh của họ bị Azerbaijan đánh bại trong chiến dịch quân sự chớp nhoáng ngày 19-9.

Giới lãnh đạo của 120.000 người dân tộc Armenia đang sinh sống ở Nagorno-Karabakh hôm 24-9 cho Reuters hay họ không muốn sống như một phần của Azerbaijan và sẽ chuyển đến Armenia vì sợ bị đàn áp và thanh lọc sắc tộc. Người Armenia chủ yếu theo Kito giáo trong khi Azerbaijian là quốc gia có đa số người dân theo Hồi giáo. Những người dân có nhu cầu rời đi sẽ được lực lượng gìn giữ hòa bình Nga hộ tống tới Armenia.

Tại thủ phủ Nagorno-Karabakh, nhiều người dân đang chất đồ đạc lên xe buýt và xe tải để đến Armenia. Những người tị nạn đến Armenia cho hay họ tin rằng lịch sử của vùng ly khai Nagorno-Karabakh đã kết thúc. "Không ai quay trở lại... Tôi nghĩ chủ đề về Karabakh kết thúc vĩnh viễn từ bây giờ", Anna Agopyan, người đã đến Goris, một thị trấn biên giới ở Armenia, nói với Reuters.

Cuộc di cư ồ ạt như trên diễn ra sau khi Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ngày 20-9 ca ngợi chiến dịch quân sự ngày 19-9 ở Nagorno-Karabakh là một thành công lớn, và tuyên bố chủ quyền đã được khôi phục đối với Nagorno-Karabakh. Nhóm ly khai thân Armenia hôm 20-9 ký thỏa thuận ngừng bắn với quân đội Azerbaijan, chấp nhận buông vũ khí và giải tán lực lượng. Phe ly khai còn chấp thuận đề xuất từ chính quyền Azerbaijan về các cuộc đàm phán nhằm tái hòa nhập khu vực này vào Azerbaijan. Azerbaijan nhấn mạnh sẽ đảm bảo "lối đi an toàn" cho chiến binh phe ly khai đã hạ vũ khí cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dân ở Nagorno-Karabakh sau khi tái hòa nhập. Azerbaijan bác cáo buộc "thanh lọc sắc tộc", khẳng định muốn quá trình Nagorno-Karabakh tái hòa nhập diễn ra suôn sẻ.

Trong khi đó, chính phủ Armenia ngày 25.9 cho hay ít nhất 6.650 người từ Nagorno-Karabakh đã vượt biên sang Armenia.

Nga - Mỹ đổ lỗi cho nhau

Đại sứ Nga tại Mỹ, ông Anatoly Antonov hôm 26-9 cho biết trên ứng dụng Telegram như sau: "Chúng tôi kêu gọi Washington kiềm chế những ngôn từ và hành động nguy hiểm có thể dẫn tới sự gia tăng thái độ chống Nga ở Armenia. Khi phát biểu và hành động như vậy, họ xác nhận rằng mục tiêu của Mỹ và các đồng minh không phải là bình thường hóa tình hình và phát triển hòa bình ở khu vực Caucasus mà là gây thiệt hại chiến lược cho Nga, cố tình gây bất ổn cho lãnh thổ Á Âu...". Quan chức Nga tuyên bố như vậy sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller ngày 25-9 nói, Nga không phải là một đối tác an ninh đáng tin cậy đối với Armenia liên quan tới tình hình ở Nagorno-Karabakh.

Hôm 25-9, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power và Quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á Âu Yuri đã tới Armenia. Đây là chuyến thăm đầu tiên của các quan chức Mỹ tới Armenia kể từ khi lực lượng ly khai người Armenia tại Nagorno-Karabakh chấp nhận ngừng bắn.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/canh-khon-cung-cua-nguoi-dan-o-nagorno-karabakh-post284075.html