Cảnh giác với tình trạng 'bác sĩ', 'dược sĩ' online quảng cáo sai sự thật

Sáng 9/11, Báo Công Thương tổ chức tọa đàm với chủ đề: Quản lý thị trường sữa và vấn nạn 'truyền thông bẩn'.

Khách mời tham dự Tọa đàm có: Ông Lê Hoài Điệp - Cơ quan điều tra Cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; TS Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế; PGS. TS Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia; ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Thời gian vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội có các bài viết chê sữa trái cây, khuyên dùng cô gái Hà Lan, trong đó có sử dụng cụm từ “sữa thật” và có trích dẫn nội dung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các sản phẩm sữa dạng lỏng.

Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, những bài viết này có nội dung chưa chính xác, không đúng với bản chất sản phẩm, gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ngành sữa. Vì vậy, ngày 30/10, Hiệp hội Sữa Việt Nam có Văn bản số 82/CV-HHS, gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phản ánh về thực trạng này.

Các diễn giả tham gia Tọa đàm.

Các diễn giả tham gia Tọa đàm.

Với mong muốn làm rõ hơn các “góc tối” liên quan tới thị trường sữa; làm rõ các khái niệm liên quan đến sữa cũng như khái niệm “sữa thật”, “sữa giả”, qua đó giúp người tiêu dùng tránh bẫy “truyền thông bẩn” từ những “bác sĩ”, “dược sĩ” online, những người nổi tiếng, Báo Công Thương tổ chức Tọa đàm “Quản lý thị trường sữa và vấn nạn truyền thông bẩn”.

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, tất cả những hiện tượng thông tin tuyên truyền dù ở bất kỳ nên tảng nào nếu sai sự thật, gây nhầm lẫn, thậm chí nói xấu các sản phẩm thì đều đáng bị lên án và phải được xử lý.

“Truyền thông bẩn” thì chúng ta phải dọn sạch đi, như vậy sẽ có lợi cho xã hội. Thứ nhất, lập lại trật tự về mặt tuyên truyền quảng cáo, đảm bảo an toàn cho thực phẩm nói chung và sản phẩm sữa nói riêng. Thứ hai, trả lại lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Quan trọng hơn nữa là toàn xã hội, người tiêu dùng có được môi trường sử dụng các sản phẩm lành mạnh cho chính mình.

Đồng quan điểm, TS Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thông tin: “Về vấn đề quảng cáo như ông Trung - Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã nói thì tôi hoàn toàn đồng tình. Vấn đề quảng cáo ở đây là dù với bất kể hình thức thế nào, nếu đưa thông tin sai sự thật đều là hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt là khi sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để có thể mang lại niềm tin cho người tiêu dùng.

Bởi những phát ngôn, nhận xét của những người đó hoàn toàn là những hành vi mà pháp luật đã nghiêm cấm, trong luật an toàn thực phẩm cũng như Nghị định số 15 cũng nêu rõ về việc cấm sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế, hay thư tín của người bệnh rằng “tôi đã sử dụng sản phẩm này tốt và sau bao lâu thì khỏi bệnh” đây đều là những hành vi bị nghiêm cấm”.

Theo TS Trần Việt Nga, việc kiểm soát nội dung quảng cáo ghi trong bản đăng ký sản phẩm đã phức tạp thì việc kiểm soát quảng cáo trên không gian mạng còn là điều phức tạp hơn, không phải riêng Bộ Công Thương mà các bộ ngành khác đều gặp phải. Và khi phát hiện quảng cáo vi phạm thì phải gửi ngay thông tin cho Bộ Thông tin và Truyền thông để yêu cầu xác minh chủ website, chủ đường link đó để yêu cầu gỡ bỏ.

“Nhưng thực tế, điều này vô cùng khó khăn, vì nếu là website ẩn danh hoặc máy chủ đặt ở nước ngoài, chúng ta rất khó tìm đơn vị chính chủ. Còn đối với tổ chức cá nhân có sản phẩm quảng cáo vi phạm thì họ lại chối, không thừa nhận sản phẩm hay thậm chí có những sản phẩm không phải họ làm quảng cáo mà có thể do đơn vị thứ 3 đứng ở giữa, họ tự mua về bán. Điều này cũng có một vài trường hợp Bộ Công an đã bắt giữ và xác minh việc đó”, TS Trần Việt Nga nói

Về pháp luật xử lý vi phạm cũng có đầy đủ quy định, đặc biệt đối với vấn đề quảng cáo. Theo đó, Luật Quảng cáo đã đưa ra những hành vi cấm không được quảng cáo; Nghị định số 38/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vấn đề văn hóa và quảng cáo. Đơn cử, khoản 5 Điều 34 Nghị định 38 cũng quy định mức xử phạt dành cho cá nhân lên đến 60-80 triệu đồng với hành vi quảng cáo gây hiểu nhầm, còn với tổ chức thì xử phạt sẽ nhân đôi, tức là từ 120-160 triệu và phải tháo gỡ những đường link vi phạm đó.

Với tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh của một số doanh nghiệp hiện nay, ông Lê Hoài Điệp - Cơ quan điều tra Cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết: Thứ nhất, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về cạnh tranh như đã từng phối hợp với Hiệp hội sữa Việt Nam trong thời gian qua, nhằm hướng dẫn các doanh nghiệp sữa các quy định về cạnh tranh không lành mạnh, xây dựng chính sách tuân thủ đáp ứng không chỉ quy định pháp luật về cạnh tranh mà còn đáp ứng các quy định pháp luật khác điều chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh sữa, từ đó hạn chế hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói riêng và hành vi vi phạm quy định pháp luật khác nói chung.

Thứ hai, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tăng cường công tác rà soát, công tác giám sát hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sữa. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm quy đinh pháp luật về cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiến hành xem xét và xử lý theo quy định pháp luật về cạnh tranh.

Với góc độ là một bác sĩ và là chuyên gia dinh dưỡng lâu năm trong ngành Y tế, PGS. TS - BS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia đã đưa ra những lời khuyên giúp người tiêu dùng, nhất là các bậc phụ huynh chọn được sữa chuẩn, chất lượng và an toàn cho con.

Theo đó, với các mẹ đang nuôi con, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia khuyến nghị, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. “Trong quá trình tư vấn dinh dưỡng, nhiều mẹ có hỏi: “Con em dạo này chậm tăng cân, em có nên cho uống sữa ngoài hay không?”. Trong hoàn cảnh này, chúng tôi luôn khuyến cáo các bà mẹ cho con dùng sữa mẹ, bởi sữa mẹ còn rất nhiều. Mẹ có thể cải thiện chế độ ăn, bổ sung thêm nhiều vi chất để nâng cao chất lượng sữa để nuôi con.

Chẳng may mà mẹ ít sữa hoặc vì lỳ do y tế nào đó mà không cho con bú được, thì chúng ta phải chọn loại sữa nào đó phù hợp với nhóm tuổi của con mình và là người tiêu dùng thông thái. Các sản phẩm sữa của các doanh nghiệp lớn, uy tín đã có thương hiệu trên thị trường luôn đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn đã được quy định.

Đối với các bé nhỏ trên 3 tuổi, nếu cần bổ sung sữa, các mẹ có thể bổ sung sữa dạng nước cho con bởi khi đó các bé ăn đa dạng thực phẩm rồi. Tuy nhiên, với các bé nhỏ hơn 3 tuổi, tôi khuyến cáo các bà mẹ nên bổ sung sữa bột công thức cho con. Bởi sữa công thức có trên 20 vitamin khoáng chất khác nhau, nhiều chất sắt, kẽm, vitamin A, D... Nói chung lại, chúng ta phải chọn các sản phẩm sữa phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi. Cần chọn các sản phẩm của các doanh nghiệp uy tín với các sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm”.

P.B

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/canh-giac-voi-tinh-trang-bac-si-duoc-si-online-quang-cao-sai-su-that-162497.html