Cảnh giác với biến chủng mới của SARS-CoV-2

Mặc dù COVID-19 không còn là đại dịch, nhưng dịch COVID-19 vẫn còn. Gần đây, số bệnh nhân mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng không chỉ ở nhiều nước trên thế giới mà cả ở Việt Nam. Một biến thể mới của SARS-CoV-2 là JN.1 làm gia tăng ca bệnh trên toàn thế giới.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: YÊN LAN

JN.1 là biến thể phụ từ biến thể BA.2.86 của Omicron, được WHO xếp vào nhóm biến thể đáng quan tâm và là nguyên nhân gây gia tăng số ca mắc và tử vong tại một số nước, trong đó có Thái Lan. WHO cảnh báo JN.1 có tốc độ lây lan nhanh nhưng độc lực của virus chưa được đánh giá đầy đủ.

Cũng như các tác nhân gây bệnh khác, virus luôn luôn có biến đổi gene tạo thành chủng mới để chống lại sức đề kháng của vật chủ và xâm nhập vào vật chủ mới. SARS-CoV-2 có tốc độ biến đổi gene rất nhanh, do đó hình thành biến chủng mới liên tục.

Qua 2 năm đại dịch, SARS-CoV-2 đã hình thành hàng trăm biến chủng khác nhau gây khó khăn cho công tác phòng chống, nhất là sản xuất ra vắc xin đặc hiệu. Thành công lớn nhất của nhân loại trong thời gian qua là nhanh chóng nghiên cứu, sản xuất ra vắc xin và cũng nhanh chóng phân bổ, triển khai tiêm vắc xin cho người dân trên phạm vi toàn cầu.

Nhờ tỉ lệ tiêm chủng cao, bao phủ vắc xin trên diện rộng ở tất cả các lứa tuổi, dần dần đại dịch đã được khống chế và đẩy lùi. Ở Việt Nam, COVID-19 đã được chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B nhưng vẫn là dịch bệnh nguy hiểm.

Sự xuất hiện của biến chủng JN.1 và số ca bệnh tăng nhanh ở TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua cho thấy nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát là không hề nhỏ.

Vì vậy mọi người, mọi gia đình, các cộng đồng dân cư cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như: Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đảm bảo thông thoáng nơi ở, nơi sinh hoạt, lau chùi các vật dụng trong gia đình bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; mang khẩu trang khi đi ra ngoài hoặc đến nơi công cộng; che mũi miệng bằng khăn tay sạch khi ho, hắt hơi. Khi có biểu hiện bệnh thì tránh tiếp xúc với người khác nếu không cần thiết; không tụ tập đông người hay tiệc tùng vì có thể lây bệnh về hô hấp cho người khác dù không mắc COVID-19.

Nên tiêm vắc xin phòng ngừa cúm mùa đề phòng cúm mùa, nhất là vào mùa đông - xuân (mùa hay mắc các bệnh về hô hấp do virus). Có chế độ ăn giàu dinh dưỡng đề nâng cao sức đề kháng của cơ thể phòng chống dịch bệnh nói chung, COVID-19 nói riêng...

QUANG NGUYỄN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/313416/canh-giac-voi-bien-chung-moi-cua-sars-cov-2.html