Cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Ngày 16/3/2024, trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Long An sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV về giải pháp quản lý, ngăn chặn và xử lý các hành vi sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Bộ Công an cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là trên các trang mạng xã hội về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả của tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và Nhân dân biết, cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, kịp thời tố giác tội phạm.

Ảnh minh họa: Internet

Về các giải pháp quản lý, ngăn chặn và xử lý các hành vi sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Theo Bộ Công an, thời gian gần đây, tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, quy mô lớn; đặc biệt tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều thủ đoạn mới: Bẫy “combo du lịch giá rẻ” cuộc gọi video Deepface, Deep Voice; thông báo “khóa sim ” vì chưa chuẩn hóa thuê bao,... gây thiệt hại lớn và bức xúc trong Nhân dân.

Trước tình hình trên, Bộ Công an chủ động nhận diện, tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/5/2020 về tăng cường phòng ngừa; xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đấu tranh với loại tội phạm này. Bộ Công an cũng đã trực tiếp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng; triển khai, thực hiện Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến”,... Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg, lực lượng Công an đã khởi tố 9.349 vụ án/5.689 bị can; trong đó, có 5.078 vụ án/1.655 bị can phạm tội lừa đảo sử dụng không gian mạng. Mặc dù Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp đấu tranh quyết liệt, tuy nhiên, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản như cử tri đã phản ánh.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Phối hợp các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là trên các trang mạng xã hội về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả của tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và Nhân dân biết, cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, kịp thời tố giác tội phạm.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước; xây dựng các cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trong cung cấp thông tin, thực hiện các yêu cầu nghiệp vụ. Phối hợp các bộ, ngành có liên quan xây dựng, điều chỉnh các quy định, quản lý chặt chẽ đối với những loại hình dịch vụ, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ, phát sinh tội phạm, như tiền ảo, kinh doanh ngoại hối, hoạt động cung ứng, sử dụng sim thẻ điện thoại; siết chặt quản lý việc mở thẻ, sử dụng thẻ ngân hàng,... Tập trung triển khai, thực hiện Luật Giao dịch điện tử (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024); thực hiện có hiệu quả Nghị định số 13/2023/NĐ-CP, ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Nghị định số 59/2022/NĐ-CP, ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử; đẩy mạnh thực hiện Đề án số 06/CP, nhất là ứng dụng dữ liệu dân cư để xác thực thông tin thuê bao di động loại bỏ “sim rác”, xác thực tài khoản ngân hàng; sử dụng tài khoản định danh điện tử (VnelD) trong các giao dịch điện tử, góp phần phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm công nghệ cao, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố. Phối hợp Viện kiểm sát, Tòa án các cấp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung. Đồng thời, phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp nhanh, “khẩn cấp” truy vết dòng tiền, tạm khóa, phong tỏa tài khoản liên quan đến hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và tội phạm lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng, nhất là chia sẻ thông tin, phối hợp xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, đấu tranh, bắt giữ và chuyển giao đối tượng gây án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

Đối với tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân, lừa đảo, bán hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật,... trên không gian mạng

Hiện nay, tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân, lừa đảo, bán hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật, cờ bạc, đưa các hình ảnh, video phản cảm,... diễn ra phổ biến và phức tạp trên không gian mạng, gây bức xúc trong Nhân dân và đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm này, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và trực tiếp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng. Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhưng tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân,... sử dụng sai mục đích vẫn diễn biến phức tạp. Thời gian tới, để tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm này, Bộ Công an tiếp tục tổ chức thực hiện một số giải pháp sau:

Phối hợp các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và Nhân dân biết, cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, kịp thời tố giác tội phạm, đặc biệt là kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân, đưa ra cảnh báo về các hành vi, phương thức, thủ đoạn thu thập thông tin cá nhân, mua bán dữ liệu cá nhân qua các phương tiện thông tin đại chúng, bảo mật thông tin cá nhân của người dân, có biện pháp bảo vệ các tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân để tránh bị các đối tượng lợi dụng, chiếm đoạt,...

Tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị định số 13/2023/NĐ-CP; Nghị định số 59/2022/NĐ-CP, ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử; đẩy mạnh thực hiện Đề án số 06/CP về “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyến đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 ”, nhất là ứng dụng dữ liệu dân cư để xác thực thông tin thuê bao di động loại bỏ “sim rác”, xác thực tài khoản ngân hàng, hạn chế các trường hợp sử dụng vào mục đích lừa đảo; sử dụng tài khoản định danh điện tử (VnelD) trong các giao dịch điện tử, góp phần phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản,...

Chủ trì, phối hợp các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý hành vi vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan, bộ, ngành, nhất là với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ngăn chặn nguồn phát tán thông tin vi phạm pháp luật liên quan đến tổ chức đánh bạc, đánh bạc trên không gian mạng; phối hợp các bộ, ngành liên quan xử lý các hành vi quảng cáo sai sự thật theo Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012,...

Triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nghiêm tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm lừa đảo, cờ bạc, mua bán, sử dụng thông tin cá nhân trái phép,... trên mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội. Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố; phối hợp Viện kiểm sát, Tòa án các cấp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung và tuyên truyền cho Nhân dân biết.

Cùng với các giải pháp mà Bộ Công an đã đưa ra, hơn ai hết từng người dân cần chủ động cảnh giác, đề phòng trước các phương thức, thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thường xuyên nghe báo, đài, cập nhật thông tin đầy đủ về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng để chủ động cảnh giác, đề phòng; khi nhận được cuộc gọi từ người lạ, tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước,… có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn, giúp đỡ hoặc thông báo kịp thời cho cơ quan công an gần nhất để có hướng dẫn phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hành vi lừa đảo rất tinh vi này./.

Kiến Quốc

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/canh-giac-truoc-phuong-thuc-thu-doan-su-dung-cong-nghe-cao-de-lua-dao-chiem-doat-tai-san-a173492.html