Cảnh giác khi mua hàng khuyến mại, giảm giá

Trong thời đại công nghệ thì việc mua bán hàng qua mạng là phổ biến. Tuy nhiên đây là kênh dễ lừa khách hàng nhất. Để tạo lòng tin, kẻ xấu giả mạo nhiều fanpage nổi tiếng với ảnh đại diện, ngôn ngữ, có đường dẫn tới web mua hàng rồi đồng loạt chạy quảng cáo, khiến người dùng lầm tưởng hãng thực sự có chiến dịch khuyến mãi.

Trong thời đại công nghệ thì việc mua bán hàng qua mạng là phổ biến. Tuy nhiên đây là kênh dễ lừa khách hàng nhất. Để tạo lòng tin, kẻ xấu giả mạo nhiều fanpage nổi tiếng với ảnh đại diện, ngôn ngữ, có đường dẫn tới web mua hàng rồi đồng loạt chạy quảng cáo, khiến người dùng lầm tưởng hãng thực sự có chiến dịch khuyến mãi.

Cán bộ Sở Công Thương tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại chợ Tân Thịnh (TP Hòa Bình).

Từ đó nhiều người mắc bẫy mua hàng giả, chất lượng kém với giá cao mà không hề hay biết. Tài khoản cá nhân ảo này thoạt nhìn giống một người dùng thật, nhưng nếu vào trang cá nhân để kiểm tra kỹ sẽ thấy đây thực chất là một fanpage lấy tên cá nhân. Nếu không để ý, người mua sẽ lầm tưởng là bài chia sẻ có thật của một cá nhân chứ không phải quảng cáo bán hàng, vì thế dễ tin tưởng và "sập bẫy" bất cứ lúc nào.

Anh Nguyễn Văn Thành ở huyện Đà Bắc cho biết: "Tôi mua 1 chiếc lò nướng hiệu Toshiba trên mạng với giá ưu đãi 1,9 triệu đồng so với giá cũ là 2,2 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó mới biết sản phẩm cùng loại này bán ở cửa hàng bên ngoài không áp dụng chương trình giảm giá cũng chỉ có giá 1,9 triệu đồng". Chiêu thức nâng giá cao rồi quảng cáo là hạ giá như trên cũng được nhiều cơ sở kinh doanh, trang mạng áp dụng, làm cho những ai ham rẻ sẵn sàng bỏ tiền ra mua mà không biết mình rơi vào bẫy của người bán hàng.

Anh Mạnh Hùng ở phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) chia sẻ: Xem đoạn phim ngắn trên facebook thấy có cây giống măng tây với lời quảng cáo trồng nhanh cho thu hoạch, giống khỏe, năng suất. Hình ảnh cây giống to mập xanh mơn mởn. Sau khi đặt hàng, vài ngày shop gửi cây đến. Khi mở kiểm tra thấy cây đã héo quắt, gầy. Có cây nhỏ như đầu tăm không thể trồng được. Cây giống khác xa với quảng cáo nên tôi yêu cầu trả lại hàng.

Trong thời gian vừa qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ các sản phẩm loa nhập ngoại gắn nhãn sản xuất tại Nhật Bản. Các sản phẩm này được quảng cáo rao bán phổ biến trên mạng xã hội. Đây là chiêu trò của người bán hàng thiếu lương tâm, tạo ra một tài khoản cá nhân ảo trên mạng xã hội (thường là facebook) để chia sẻ về cơ hội mua hàng hiệu với giá tốt.

Không chỉ có chiêu trò trên mạng, nhiều cửa hàng bán hàng truyền thống cũng tìm đủ mọi cách bán được hàng nhiều nhất bằng hình thức đánh vào lòng ham rẻ của khách hàng. Chị Lê Thu Hiền, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) cho biết: "Tôi nhận được tin nhắn báo khuyến mại của một cửa hàng quần áo thời trang, nhưng đến mới thấy dãy khuyến mại 50% chỉ lơ thơ vài bộ quần áo đã lỗi mốt, kiểu dáng cũ, màu sắc không bắt mắt, còn lại chỉ giảm 5 - 10%. Thắc mắc của tôi được nhân viên bán hàng giải thích, tất cả các sản phẩm đã giảm giá nhưng 50% chỉ dành cho hàng cũ mà thôi. Nhiều cơ sở kinh doanh vì muốn thu hút khách nên đã "tăng giá thật, giảm giá ảo, quảng cáo mập mờ" khiến người mua nhầm tưởng toàn bộ sản phẩm được giảm giá cao. Thực tế giá giảm sâu từ 50 - 70% chỉ dành cho những hàng cũ, lỗi mùa, lỗi mốt, quá cỡ...; còn hàng đẹp, chất lượng thì phần lớn không giảm giá hoặc giảm với tỷ lệ thấp. Chiêu trò "mua 1 tặng 1”, "mua 2 tặng 1” hay mua sản phẩm có quà tặng kèm cũng dễ dàng hấp dẫn những khách hàng cả tin. Muốn đẩy hàng nhanh ra thị trường, nhiều chủ hàng đã áp dụng chương trình "quà tặng kèm”, nhưng thực chất những sản phẩm được cho là "tặng” lại rất kém chất lượng. Người tiêu dùng nếu bị mê hoặc bởi chương trình "tặng quà” này mà không có sự khảo sát giá kỹ lưỡng thì cùng một lúc phải bỏ tiền mua cả 2 sản phẩm mà cứ ngỡ được mua hàng đúng giá lại hời món quà tặng giá trị.

Thực tế, nhiều cửa hàng bán lẻ hay bán hàng trên vỉa hè có băng rôn giảm giá 50%, ghi giá sau giảm nhưng so với giá trên thị trường vẫn tương đương mà người mua khó kiểm soát chất lượng sản phẩm. Lợi dụng chương trình khuyến mại để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng gần hết hạn sử dụng vào tiêu thụ; tự ý nâng giá sản phẩm lên cao rồi thực hiện giảm giá nhằm đánh lừa tâm lý người tiêu dùng. Một số cửa hàng kinh doanh còn lợi dụng tâm lý muốn mua hàng giá rẻ của người dân để trà trộn sản phẩm cũ, hàng đã sản xuất từ nhiều năm, thậm chí hàng đã qua sử dụng vào bán cùng hàng mới…

Theo ông Phạm Hữu Chiến, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, những giao dịch mua bán trên mạng cần chú ý phải có hóa đơn, chứng từ, kiểm tra chất lượng hàng hóa kỹ trước khi thực hiện giao kết nhận hàng. Với trường hợp mua bán truyền thống cần tham khảo giá nhiều nơi và tìm hiểu kỹ chất lượng sản phẩm.

Việt Lâm

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/188635/canh-giac-khi-mua-hang-khuyen-mai,-giam-gia.htm