Cảnh giác cúm gia cầm, bệnh dại diễn biến phức tạp

Số ca tử vong do bệnh dại tăng 170 % so với cùng kỳ năm ngoái

Ngày 27-3, hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024, đã đưa ra cảnh báo dịch cúm gia cầm và dại đang diễn biến phức tạp.

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 27 ca tử vong do bệnh dại và 1 ca tử vong do cúm gia cầm. Thời tiết diễn biến thất thường, giao lưu thương mại, cùng thói quen giết mổ nhỏ lẻ... làm tăng nguy cơ dịch bệnh từ động vật sang người bùng phát.

Với bệnh dại, thói quen nuôi chó thả rông, tỉ lệ tiêm phòng vắc-xin phòng dại chó mèo đang thấp ở mức báo động, hiện chỉ đạt 30%... là yếu tố khiến bệnh dại gia tăng. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; điều tra, truy tố những trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT đồng chủ trì hội nghị phòng chống dịch bệnh tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: DIỆU THU

Theo Cục Thú y, kết quả giám sát ngẫu nhiên mới đây ở khu vực Tây Nguyên đã phát hiện 2/10 mẫu động vật có virus dại. "Nước ta không cấm nuôi chó mèo nhưng phải thực hiện đúng quy định nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình, bắt buộc phải đeo rọ mõm khi ra ngoài cộng đồng, tiêm phòng vắc-xin cho động vật theo quy định" - đại diện Cục Thú y nhấn mạnh.

Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT nhận định trong thời gian tới nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra, trong đó có cúm gia cầm và bệnh dại. Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2023 có gần 700.000 người tiêm vắc-xin phòng dại. Khu vực miền Nam có số lượng người tiêm phòng bệnh dại cao nhất trong 6 năm qua, lên đến 65%. Thống kê cho thấy năm 2023, 100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vắc-xin phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định. Đáng chú ý khi trong đó có đến 43,8% người không đi tiêm phòng dại là do chủ quan chó nhà cắn, tại thời điểm cắn, chó có sức khỏe bình thường; 5,5% trẻ nhỏ bị chó cắn không nói với gia đình. Bên cạnh đó, có 16,4% người không tiêm phòng dại là do dùng thuốc nam để điều trị bệnh dại.

Những năm gần đây, mỗi năm trung bình có 70 người chết vì bệnh dại dù đã có vắc-xin cho cả người và động vật. Đây cũng là căn bệnh gây tử vong nhiều nhất trong các bệnh truyền nhiễm. Từ đầu năm 2024, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 170%). Thêm vào đó, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh trước đây không phải là khu vực trọng điểm về dại, trong đó miền Trung ghi nhận 10 ca tử vong do dại, cao nhất cả nước.

Với dịch cúm gia cầm, tại Khánh Hòa vừa ghi nhận 1 ca tử vong 21 tuổi. Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam ghi nhận 129 ca bệnh và 65 ca tử vong. Hiện bệnh vẫn chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu, tỉ lệ tử vong rất cao, khoảng 50%. Bộ Y tế cho biết dịch cúm gia cầm vẫn ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương nên luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Do nguồn gây bệnh bắt nguồn từ động vật nên các đơn vị, địa phương cần tiếp tục nâng cao kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia cầm, phòng tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan.

NGỌC DUNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/canh-giac-cum-gia-cam-benh-dai-dien-bien-phuc-tap-196240327203759189.htm