Cảnh giác chiêu trò bán vé máy bay giá rẻ trên mạng

Lợi dụng nhu cầu mua vé máy bay về quê, đi du lịch… vào dịp Tết, các đối tượng lừa đảo dùng chiêu trò bán vé máy bay giá rẻ để chiếm đoạt tài sản.

Dịp Tết đang đến gần, cũng là lúc nhu cầu đặt vé máy bay tăng cao. Một số người vì muốn mua vé giá rẻ đã trở thành nạn nhân của những chiêu trò bán vé máy bay giá rẻ trên mạng.

Đây không phải là hình thức lừa đảo mới, thế nhưng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi như lập các trang mạng xã hội ảo, tài khoản ảo, giả làm đại lý hoặc thậm chí còn lập các website có tên miền giống với các trang web bán vé máy bay chính thức để lừa nạn nhân sập bẫy.

Chiếm đoạt tiền với nhiều thủ đoạn

Chị VTN (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết tháng trước chị có lên mạng xã hội đặt vé máy bay để về quê ở Hải Phòng vào dịp Tết Dương lịch. Do dịp Tết giá vé khá cao nên chị N mong muốn tìm được vé giá rẻ, chị tham gia một nhóm trên mạng xã hội để tham khảo.

Tại đây, chị được một tài khoản mạng xã hội tiếp cận và giới thiệu là đại lý vé máy bay của các hãng hàng không lớn trong nước, tài khoản này bắt đầu hỏi thông tin và tư vấn cho chị N. Sau đó, chị N vào trang cá nhân của tài khoản này thì thấy đăng tải nhiều bài viết về vé máy bay giá rẻ, ảnh chụp khách hàng đã mua được vé giá rẻ nên chị tin tưởng.

Dịp Tết nhu cầu đi lại tăng cao, người dân nên cảnh giác với những chiêu trò vé máy bay giá rẻ. Ảnh: HUỲNH THƠ

“Sau khi người này hướng dẫn, tôi đồng ý mua vé về quê với giá rẻ hơn của một hãng máy bay niêm yết tại thời điểm mua khoảng 400.000 đồng. Người này đã gửi mã đặt chỗ cho tôi và yêu cầu tôi phải thanh toán gấp, nếu không sẽ bị hủy vé. Do tin tưởng nên tôi chuyển tiền ngay cho người này. Sau khi chuyển tiền, tôi chờ hoài không thấy người này gửi vé, gọi điện thoại thì bị chặn liên lạc. Lúc này tôi mới biết mình bị lừa bở chiêu trò bán vé máy bay giá rẻ” - chị N nói.

Không chỉ với chiêu trò trên, các đối tượng lừa đảo sau khi nhận tiền của nạn nhân vẫn xuất vé để lấy lòng tin. Khi nạn nhân nhận vé và kiểm tra thì thấy vé cũng được xuất theo đúng hành trình.

Tuy nhiên, sau đó các đối tượng này lại dùng thủ đoạn yêu cầu hãng hoàn vé. Việc hoàn vé cũng diễn ra thuận lợi vì họ là người đặt vé. Các đối tượng này chấp nhận chịu mất một khoản phí nhỏ để được hoàn lại phần tiền vé đã mua trước đó.

Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo còn dùng công nghệ làm vé giả để bán cho nạn nhân hoặc sử dụng chiêu thức dẫn dụ nạn nhân đặt cọc mua vé sớm để hưởng nhiều ưu đãi. Khi nạn nhân tin tưởng chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt tiền đặt cọc.

Cẩn thận với chiêu trò là “người của hãng”

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông - marketing TSTtourist, cho biết dịp Tết đang đến gần, tất cả dịch vụ bao gồm cả vé máy bay đều tăng. Như vậy, xu hướng giá vé máy bay vẫn sẽ tiếp tục tăng đến tháng 3-2024. Do đó, sẽ không có chiều hướng “vé máy bay giá rẻ”.

Ông Mẫn cho biết thêm do mặt bằng chi phí dịch vụ đang cao, vì vậy đánh vào tâm lý “săn vé giá rẻ” để về quê hay đi du lịch…, một số đối tượng dễ dàng tiếp cận, tạo niềm tin cho khách hàng bởi các chiêu trò là “người của hãng” và chiêu trò bán vé máy bay giá rẻ.

Sau đó, các đối tượng cung cấp mã giữ chỗ để khách hàng an tâm và nhanh chóng chuyển tiền, giữ chỗ…

“Thực tế năm nào cũng có người không được về quê hay đi du lịch theo mong muốn vì trót tin lời hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo” - ông Mẫn nói.

Cũng theo ông Mẫn, để tránh bị lừa bởi chiêu trò bán vé máy bay giá rẻ, người dân khi đặt dịch vụ nên tìm đến các doanh nghiệp lữ hành, đại lý vé máy bay uy tín. Tốt nhất nên đến tận nơi để được tư vấn, hỗ trợ.

Dù hiện nay công cụ trực tuyến bao gồm website, app thanh toán rất tiện dụng nhưng nếu trong phạm vi gần, người dân nên đến trực tiếp để thanh toán sẽ giảm thiểu tối đa những rủi ro.

Người dân cũng có thể kết hợp việc tìm kiếm thông tin vé máy bay chính hãng theo hành trình, thời gian mong muốn, sau đó đến các văn phòng đại lý uy tín (lâu năm, được người dùng đánh giá cao) đăng ký mua vé.

Đồng thời cài thêm app của các hãng hàng không để check code vé, xem code vé có hợp lệ không. Nếu có bất kỳ khó khăn nào, người mua vé hãy quay lại đại lý trước giờ bay tối thiểu 12 giờ hoặc tìm sự hỗ trợ từ các số hotline của hãng hàng không đã mua để được hướng dẫn.

Người vi phạm có thể bị xử hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Người dân nên mua vé máy bay qua website, tổng đài chính thức của các hãng hàng không hoặc tìm đến các phòng vé, đại lý chính thức của các hãng.

Cảnh giác với các lời chào mời mua vé giá rẻ trên mạng. Không nên tin tưởng vào các hội, nhóm trên mạng xã hội và các đối tượng lạ mặt để đặt mua vé máy bay không rõ nguồn gốc.

Trước khi chuyển tiền cho bên bán, người mua cần đọc kỹ thông tin mã vé, kiểm tra hiệu lực và yêu cầu nhân viên của hãng kiểm tra lại các thông tin. Khi hoàn tất việc mua vé, lấy phiếu thu, hóa đơn và các chứng từ kèm theo để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Việc đối tượng lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ nhằm chiếm đoạt tiền từ người mua có thể bị xử phạt vi phạm hành chính 2-3 triệu đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (theo điểm c khoản 1, khoản 3 Điều 15 Nghị định 144/2021). Mức xử phạt này áp dụng với cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt gấp hai lần cá nhân.

Ngoài ra, tùy tính chất, mức độ phạm tội mà người lừa đảo bán vé máy bay giá rẻ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mức phạt nhẹ nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Mức phạt nặng nhất là bị phạt tù 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Luật sư HOÀNG ANH SƠN, Đoàn Luật sư TP.HCM

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/canh-giac-chieu-tro-ban-ve-may-bay-gia-re-tren-mang-post767982.html