Cánh đồng gàu sòng

Ruộng cao tát một gàu quai (dây)/Ruộng thấp thì phải tát hai gàu sòng. Trong thời đại công nghiệp, những tưởng chỉ còn tìm thấy trong ca dao, văn chương nhưng trên thực tế, những chiếc gàu sòng vẫn còn hiện diện ở vùng nông thôn Phú Phong (xã An Chấn, huyện Tuy An).

Trên cánh đồng thôn Phú Phong, hầu như đám ruộng nào cũng phải cắm gàu sòng tát nước (xã An Chấn, huyện Tuy An). Ảnh: LÊ TRÂM

Những ngày qua, trên cánh đồng Phú Phong, bà con nông dân tập trung bừa kéo láng, cắt đường nước khai thông dòng chảy chống úng, trước khi xuống giống, sạ lúa. Người nào đi sạ ruộng cũng vừa bưng thúng giống vừa vác gàu sòng. Cả cánh đồng Phú Phong, đám ruộng nào cũng dùng gàu sòng để tát nước nên người dân gọi là cánh đồng gàu sòng.

Bà Bùi Thị Trang, người dân thôn Phú Phong, đang dùng gàu sòng tát nước từ ruộng sạ vào mương rút, cho hay: Cánh đồng này trũng thấp, sau khi gieo sạ, mỗi gia đình phải cử một người túc trực tại ruộng để tát nước. Các nơi khác cũng có ruộng trũng nhưng bà con chỉ tát nửa buổi hoặc một ngày là khô. Riêng ở đây còn nước là còn tát. Năm nào ít mưa thì tát khoảng 1 tuần, năm mưa nhiều thì tát 10 ngày, nửa tháng, đến khi lúa ra lá non, nước không ngập đầu cây lúa mới thôi.

Ông Phan Văn Long cũng đang tát nước bằng gàu sòng cho hay, do nước mạch lúc nào cũng đổ nên đám ruộng nào cũng phải cắm gàu sòng tát nước. Trời nắng thì 1 ngày tranh thủ ra ruộng tát 2 lượt, mất 2 tiếng đồng hồ. Cũng theo ông Long, vùng này ruộng trũng, khó xuống giống, nên mùa vụ ở đây không đồng nhất, có đám lúa đã ra lá non, có đám vừa gieo sạ.

Theo nhiều lão nông ở thôn Phú Phong, cánh đồng này “nặng đầu nhẹ đuôi”, lúc gieo sạ khá cực nhọc, nhưng khi lúa bắt đầu ra lá, càng lên cao càng xanh tốt. “Mùa mưa nước từ trên cao chảy về mang theo bùn đất, nhiều phù sa rất tốt cho cây lúa”, ông Nguyễn Tính giải thích và cho biết, mỗi vụ lúa thông thường phải bón 3 lần phân, nhưng ruộng ở đây chỉ bón 1 lần phân mà lúa vẫn tốt, cho năng suất cao, giảm đáng kể chi phí sản xuất. Trung bình mỗi sào thu hoạch 400kg, khó có nơi nào theo kịp.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tùng, vì là cánh đồng trũng nên hằng năm bà con gieo sạ trễ hơn so với lịch thời vụ nhiều nơi, tránh tình trạng nước ở các chân ruộng cao đổ về gây ngập úng, hư hại lúa non. “Mấy năm trước mưa nhiều cánh đồng nước lênh láng, ăn tết xong chờ nước rút, mùng 6 ra đồng sạ ruộng. Năm nay ít mưa nên bà con gieo sạ dứt điểm trước tết. Có đám cuối Chạp lúa đã lên xanh không còn tát nước, nông dân có thời gian nghỉ ngơi, mua sắm tết”, ông Tùng cho biết thêm.

MNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/313378/canh-dong-gau-song.html