Cánh diều tuổi thơ

Thả bộ dọc theo bờ biển, rất nhiều hàng quán và đồ lưu niệm hút mắt, tôi chợt để ý tới bàn bán diều đủ các màu sắc hình dáng khác nhau. Tôi thích thú đến gần và cầm một chiếc ngắm nghía, diều không đuôi hình cánh chanh với chiếc sáo đôi. Tôi đã nghe nhiều tiếng sáo diều, tiếng sáo khi trầm, khi bổng, lúc lại réo rắt bay xa, khiến tâm hồn mình thư thái, nhẹ nhàng… nhưng tiếng sáo đôi luôn có sức lôi cuốn tôi một cách kỳ lạ.

Tuy là phụ nữ nhưng tôi rất thích diều, tôi thích diều từ bé. Nhớ ngày xưa, cha tôi đi công tác qua làng Bá Dương Nội còn mua diều cho tôi thả. Diều ở đây đẹp và tinh xảo, sáo diều thì khỏi phải nói, tiếng sáo diều làm cho mọi người dù đang bận việc gì cũng phải dừng lại, ngửa cổ lên nhìn và nghe. Ngày đó, tôi có được chiếc diều của Bá Dương Nội coi như là nhất phố. Hồi đó, trẻ con hay tự dán diều thả nên màu sắc và hình dáng không được đẹp như chiếc diều cha tôi mua cho… Cũng vì chiếc diều đẹp thế nên cả đám trẻ con bám theo tôi lên sân thượng của khu tập thể thả diều. Khi cánh diều bay cao, tiếng sáo vi vu cũng là lúc bọn trẻ reo hò, nhảy cẫng lên. Mấy anh chị lớn đang cầm quyền sách học bài cũng phải dừng lại nhìn theo, tận hưởng tiếng sáo… Ngày đó cha tôi còn bảo: “con mà được xem hội thi thả diều, chắc con không muốn về nữa…”. Từ đó, tôi ước ao có một dịp sẽ đến làng Bá Dương Nội xem thả diều thì tuyệt vời biết mấy…

Hôm nay nhìn cánh diều, tôi lại nhớ về tuổi thơ, nhớ về ước mơ… Sắp tới làng Bá Dương Nội có lễ hội thả diều mà lòng tôi hân hoan, trào dâng rất nhiều cảm xúc… Được biết cánh diều của Bá Dương Nội đã bay ra các cuộc thi ở nước ngoài và đem niềm tự hào về cho nước nhà.

Cám ơn các nghệ nhân tài hoa với đôi bàn tay khéo léo, đã mang đến cho Bá Dương Nội niềm tự hào với thú chơi tao nhã. Nét đẹp, hồn quê được lưu giữ đến muôn đời…

Nghề làm diều truyền thống của Làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội có từ hơn nghìn năm nay.

Lễ hội thả diều thường được tổ chức vào rằm tháng Ba âm lịch hàng năm, gắn liền với tích ông Nguyễn Cả, một vị tướng giỏi thời nhà Đinh. Tương truyền, sau khi cùng vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, Tướng Nguyễn Cả từ quan về quê dạy người dân trồng trọt, mở mang cơ nghiệp. Ông bày cho đám trẻ nhiều trò vui khi đi chăn trâu thả bò, trong đó có trò thả diều.

Trong lễ hội, người dân trong làng sẽ thả hàng trăm chiếc diều lên trời, tạo thành một cảnh tượng đẹp và ấn tượng.

Ngoài ra, lễ hội còn có các hoạt động như đua diều, biểu diễn múa diều, trình diễn các trò chơi dân gian và thưởng thức các món ăn truyền thống của làng. Lễ hội thả diều không chỉ là nơi để người dân trong làng tụ họp, mà còn thu hút rất nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm văn hóa truyền thống của đất nước Việt Nam.

Thanh Minh (Hà Nội)

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/canh-dieu-tuoi-tho-a18492.html