Cánh cửa cuối cùng vẫn chưa đóng lại đối với tiêm kích Su-35 tại Indonesia?

Phía Nga cho biết, họ vẫn chưa nhận được lời từ chối chính thức về việc mua tiêm kích Su-35 từ phía Indonesia, như vậy mọi cánh cửa vẫn chưa đóng lại với cơ hội hiện diện của dòng chiến đấu cơ này tại Đông Nam Á.

Hiện tại, Indonesia đang "vật lộn" với vô số hợp đồng quốc phòng như tàu ngầm Scorpene, chiến đấu cơ Rafale, trực thăng Black Hawk và chiến hạm PPA Korvette. Kết quả là việc mua tiêm kích Su-35 từ Nga đã bị lùi lại.

Tuy nhiên, thỏa thuận lâu dài về việc Indonesia mua Su-35 của Nga vẫn được giữ nguyên. Moscow khẳng định họ chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào từ Indonesia về việc chấm dứt hợp đồng Su-35.

Như vậy, Indonesia dường như vẫn chưa muốn chính thức chấm dứt hợp đồng Su-35 từ Nga, tuy nhiên thời gian cụ thể vẫn đang được bỏ ngỏ.

Trước đó Indonesia đã muốn tránh sự trừng phạt của Mỹ vì đạo luật CAATSA. Luật này được thông qua vào năm 2017 nhằm trừng phạt những cá nhân và thực thể có "giao dịch quy mô lớn" với lĩnh vực quốc phòng của Nga.

Hiện tại Indonesia đãng rất cần hiện đại hóa quân đội của mình, nhưng trớ trêu thay, họ lại đang phụ thuộc rất lớn vào Mỹ liên quan đến vũ khí đang trang bị.

Mặt khác, một số chuyên gia quốc phòng và an ninh ở Indonesia chủ yếu tán thành công nghệ thiết bị quốc phòng của phương Tây thay vì Nga.

Họ cho rằng thiết bị phòng thủ của phương Tây cung cấp có công nghệ vượt trội, đã chứng minh tính hiệu quả trong thực chiến và hoạt động bền bỉ.

Thực tế phải nhìn nhận rằng, các sản phẩm quốc phòng của Mỹ và phương Tây sản xuất có chi phí hoạt động và bảo trì vận hành rẻ hơn so với của Nga.

Ngược lại, khi nói đến thiết bị quân sự của Nga, ban đầu nó có giá mua vào rẻ, nhưng khi khai thác và bảo dưỡng thay thế lại đắt hơn so với sản phẩm phương Tây.

Lấy chiến đấu cơ Su-30 của Indonesia làm ví dụ, chi phí một giờ bay của dòng chiến đấu cơ này khoảng 20.000 USD, cao hơn đáng kể so với mức khoảng 14.000 USD của chiến đấu cơ F-16.

Ngoài ra, tuổi thọ khung thân của dòng chiến đấu cơ Nga lại thấp, cứ sau 1.500 giờ bay thì sẽ phải đại tu, và tuổi thọ khung thân chỉ vào khoảng 2.000-3.000 giờ bay, thấp hơn khá nhiều so mức 8.000 giờ bay của F-16.

Rõ ràng chi phí vận hành chiến đấu cơ có nguồn gốc từ Nga đang cao hơn tiêm kích F-16 trong biên chế Indonesia.

Với chi phí bay mỗi giờ là 30.000 USD, Su-35 Nga đang đắt hơn 24.000 USD/giờ của chiến đấu cơ F-15 Mỹ. Tuổi thọ khung thân của đại diện đến từ Nga cũng thấp hơn so với sản phẩm của Mỹ.

Tuy nhiên giá thành mua mới ban đầu của Su-35 lại thấp hơn hẳn so với F-15 của Mỹ. Chính vì vậy một số ý kiến tại Indonesia cho rằng mua Su-35 tiết kiệm hơn so với mua từ phương Tây.

Giải thích cho việc bảo dưỡng và thay thế phụ tùng của chiến đấu cơ Nga thường cao hơn so với chiến đấu cơ Mỹ là do số lượng sản xuất.

Số lượng sản xuất của dòng chiến đấu Su Nga thường thấp hơn rất nhiều so với dòng F của Mỹ. Việc sản xuất nhiều đã giúp Mỹ hạ đáng kể giá thành linh kiện để sửa chữa và thay thế.

Hiện vẫn có nhận định cho rằng, Indonesia vẫn chưa từ bỏ hẳn thương vụ Su-35 dù chi phí vận hành khai thác cao hơn sản phẩm phương Tây.

Sukhoi Su-35 (định danh NATO: Flanker-E+) là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng, hai động cơ, thế hệ 4++ do Tập đoàn máy bay quân sự Sukhoi phát triển dựa trên thiết kế Su-27 Flanker từ thời chiến tranh lạnh.

Nguyên mẫu đầu tiên được ra mắt vào năm 1992 tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough (Anh) và trang bị cho Không quân-Vũ trụ Nga từ 1995.

Giữa những năm 2000, bằng các công nghệ tiên tiến, Sukhoi bắt đầu hiện đại hóa Su-35 thành máy bay tiêm kích thế hệ 4.5.

Theo đó, cải tiến về hình dáng bên ngoài cũng như các cấu kiện bên trong để Su-35 có hiệu suất chiến đấu tốt hơn.

So với Su-27 và Su-30, Su-35 có mũi máy bay lớn hơn; sử dụng nhiều hơn vật liệu sợi các-bon, và hợp kim lithium-nhôm trong cấu trúc thân.

Các cánh đuôi vuông hơn và rộng hơn; khung máy bay phần lớn được làm bằng titan có trọng lượng nhẹ hơn.

Su-35 dùng động cơ đẩy véc tơ 3 chiều mới Saturn AL-41F1S (còn gọi 117S) sử dụng công nghệ tua-bin áp suất thấp và tua-bin cao áp tiên tiến kết hợp cùng hệ thống kiểm soát số hóa chính xác SDU-D giúp tăng lực đẩy tổng thể 16%.

Vòi phun động cơ AL-41F1S có thể di chuyển theo các hướng khác nhau, hỗ trợ cho các cánh lái, giúp Su-35 có vòng lượn cực hẹp, có khả năng tránh tên lửa cũng như ưu thế trong chiến đấu quần vòng.

Tuy nhiên, nó không có khả năng bay với tốc độ siêu âm như F-22 hay Typhoon; khi tăng tốc, vẫn phải sử dụng chế độ đốt sau.

Trần bay của Su-35 là 18.000m, bằng F-15, và cao hơn 3.500 m so với F/A-18E/F Super Hornet, Rafale và F-35.

Su-35 có dự trữ nhiên liệu nhiều hơn 22% so với Su-27; có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2,25 ở độ cao lớn (bằng F-22 và nhanh hơn F-35, F-16).

Bán kính chiến đấu của Su-35 là 1.700 km không cần tiếp nhiên liệu trên không. Khi mang thêm 2 thùng nhiên liệu phụ, tầm bay đạt 4.500 km; Su-35 có khả năng tiếp nhiên liệu trên không.

Tiết diện phản xạ radar (RCS) của dòng chiến đấu cơ hạng nặng to lớn này chỉ dao động từ 1 - 3 m2.

Với 8 tấn vũ khí được tích hợp trên 12 điểm treo cho phép Su-35 có thể trang bị nhiều chủng loại vũ khí cùng lúc.

Trong chiến đấu ngoài tầm nhìn Su-35 có thể sử dụng tên lửa R-77 Vympel có tầm bắn đến 175km, tính năng tương đương với tên lửa AIM-120 của Mỹ.

Su-35 còn được trang bị tên lửa R-27 tầm trung và R-37 tầm xa, dùng để tiêu diệt máy bay cảnh báo sớm (AWAC), tác chiến điện tử (EW) và máy bay tiếp liệu trên không.

Trong không chiến tầm gần, Su-35 sử dụng tên lửa dẫn đường hồng ngoại R-73 Vympel có khả năng bắt mục tiêu bằng thiết bị cảm ứng gắn trên mũ bay phi công.

Đầu dò tên lửa có thể "nhìn" thấy mục tiêu ở góc 60°; tầm bắn 300 m - 30 km; và một pháo cỡ nòng 30mm với cơ số đạn 150 viên.

Radar mảng pha bán chủ động IRBIS -E trang bị trên Su-35 có khả năng quét 240°, khoảng cách dò tìm đạt 400 km với mục tiêu máy bay ném bom chiến lược và 90 km với mục tiêu với máy bay chiến thuật.

Radar có thể khóa đến 30 mục tiêu khác nhau, trong đó có 8 mục tiêu có thể khóa gần như liên tục với độ chính xác đủ để đồng thời tiêu diệt bằng các tên lửa không đối không tầm trung gắn đầu dò chủ động.

Chiến đấu cơ Su-35 có thể bắn hai mục tiêu đồng thời bằng các tên lửa với đầu dò bán chủ động.

Ngoài ra, Su-35 trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) OLS-35, một lần có thể theo dõi 4 tín hiệu hồng ngoại với các bước sóng ngắn khác nhau.

Khoảng cách dò tìm tối đa là 90km (phần đuôi mục tiêu) và 50 km (phía trước mục tiêu) mà máy bay đối phương sẽ không thể dò thấy.

Nhờ đó, chiến đấu cơ Su-35 có thể âm thầm bất ngờ công kích mục tiêu mà không cần bật radar dò tìm.

Giới quan sát nhận định, về tính năng chiến đấu Su-35 có thể tương đương với phiên bản mới nhất của dòng F-16 hay dòng F-15E.

Ngoài Nga thì Su-35 đang có trong biên chế của Trung Quốc và Ai Cập.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/canh-cua-cuoi-cung-van-chua-dong-lai-doi-voi-tiem-kich-su-35-tai-indonesia-post572448.antd