Cánh chim không mỏi gắn bó với biên cương

Trong suốt hơn 60 năm cầm bút, cố nhà văn-nhà báo Trần Hữu Tòng, nguyên phóng viên Báo Công an nhân dân vũ trang (nay là Báo Biên phòng) đã có hàng trăm tác phẩm văn học và báo chí đã được xuất bản. Những tác phẩm của ông ngồn ngộn chất liệu của đời binh nghiệp gắn bó với biên cương và BĐBP, trong đó, nổi bật nhất là tập truyện ký 'Bên dòng Păng Pơi' viết về liệt sĩ Trần Văn Thọ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của BĐBP.

Nhà văn-nhà báo Trần Hữu Tòng lần dở những tư liệu về cuộc đời làm báo với Đại tá Nguyễn Xuân Thái, nguyên Tổng Biên tập Báo Biên phòng. Ảnh: Trần Hoàng Anh

Trong cuộc đời làm báo, tôi đã nhiều lần được gặp và được cùng đi công tác đến các đơn vị Biên phòng với nhà văn-nhà báo Trần Hữu Tòng. Đặc biệt là trong 2 đợt làm phim “Ký sự Biên phòng” và “Những trang sử biên thùy” do Báo Biên phòng phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sản xuất. Ông có vóc người nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn, vầng trán cao thông minh, đôi mắt tinh anh lúc nào cũng như biết cười. Ông rất ít nói về mình, nhưng qua những người thân và bạn bè của ông kể lại, tôi hiểu thêm về ông rất nhiều, một nhà văn-nhà báo cả đời gắn bó với biên cương Tổ quốc.

Nhớ về nhà văn-nhà báo Trần Hữu Tòng, Đại tá Nguyễn Xuân Thái, nguyên Tổng Biên tập Báo Biên phòng bày tỏ: “Cuộc đời ông như cánh chim không mỏi, đi và viết. Đi trở thành mệnh lệnh trái tim luôn thúc giục ông, gắn bó cả cuộc đời mình với các vùng biên cương của Tổ quốc, ngay cả khi không còn thuộc BĐBP. Đọc tác phẩm của ông dù là một bài bút ký, phóng sự hay truyện ngắn, truyện dài đều thấy ông như hóa thân vào nhân vật. Văn của Trần Hữu Tòng là tiếng nói, là hơi thở, là hình bóng của đồng đội ông và nhân dân”.

Nhà văn-nhà báo Trần Hữu Tòng sinh năm 1938, tại xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 4/1954, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông đã giấu cha mẹ và người thân, xung phong lên đường cầm súng đánh giặc để bảo vệ đất nước trước kẻ thù ngoại xâm, khi đó, ông mới vừa tròn 16 tuổi. Năm 17 tuổi, ông được điều về làm chiến sĩ của Đồn Công an nhân dân vũ trang Cầu Treo (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, BĐBP Hà Tĩnh), sau đó làm phóng viên Báo Công an nhân dân vũ trang (nay là Báo Biên phòng), rồi chuyển về Báo Quân đội nhân dân. Đến năm 1989, ông chuyển ngành làm Phó Cục trưởng, rồi Cục trưởng Cục Văn hóa-Thông tin cơ sở, Bộ Văn hóa-Thông tin.

Tôi vẫn còn nhớ như in, trong lần cùng ông lên thăm lại Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, nơi ông đã từng cùng “ăn rừng, ngủ núi”, chung nhau củ khoai, bát nước để tái hiện thật chi tiết chân dung Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Thọ, cán bộ Đội Vận động quần chúng của Đồn 5 Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu (nay là Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, BĐBP Điện Biên) trong cuốn truyện ký “Bên dòng Păng Pơi”. Trong cái lạnh tê tái của miền biên viễn, bên bếp lửa bập bùng, ông kể lại, những năm 60 của thế kỷ trước, mảnh đất Leng Su Sìn được ví là xứ sở của mây mù, núi cao và khe sâu. Muốn đến được nơi đây chỉ có cách duy nhất là đi bộ.

Vào mùa khô, gió Lào thổi như hắt lửa, lá rừng vỡ vụn dưới bước chân người, lửa rừng cháy rừng rực suốt đêm trên những đồi cỏ gianh vàng vọt, có những chặng đường đi cả ngày không kiếm nổi một giọt nước. Mùa mưa, đường mòn ngập bùn đến đầu gối, muỗi vắt nhiều vô kể, đất đá trượt ầm ầm trong những khe núi. Lính Biên phòng Tiểu khu 40 đóng tại Mường Tè, tỉnh Lai Châu thời ấy muốn vào công tác ở Đồn Biên phòng Leng Su Sìn bao giờ cũng phải có hai người, lỡ ngã bệnh, gãy chân còn cõng nhau ra.

Với quyết tâm sắt đá, ông đã đi bộ suốt hai tuần mới tới nơi, sống cùng tổ xây dựng cơ sở của Đồn Biên phòng Leng Su Sìn suốt 3 tháng ròng rã để thu thập tài liệu viết bài. “Cách lấy tài liệu của tôi là “ba cùng” với đồng bào, như anh Thọ đã làm, vào rừng tận mắt nhìn những hang ổ thổ phỉ, tận mắt chứng kiến những đống bàn đèn, thuốc phiện; cùng dân bản phát cây, làm ruộng. Đợt đó, tôi dính sốt rét, anh em ở Đồn Biên phòng Leng Su Sìn đã phải buộc tôi lên lưng ngựa, vượt núi đồi về Bệnh viện Quân y 110. Chính trong thời gian đi an dưỡng, tôi đã tranh thủ viết bài báo đầu tiên về Trần Văn Thọ với tiêu đề “Người lính Biên phòng trọn đời trung với Đảng, hiếu với dân”, in gần trọn hai trang Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 16/8/1965” - nhà báo Trần Hữu Tòng nhớ lại.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, BĐBP Điện Biên tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Trần Hoàng Anh

Vốn dĩ nghiệp sáng tác văn học, báo chí là hoạt động tự thân, đề cao tính thực tế, trải nghiệm của người viết, nên không những phải giỏi nghề mà còn phải có sự nhạy cảm, tinh tế trước thời cuộc, trước các vấn đề nhức nhối của xã hội. Ông từng bộc bạch: “Thời nào cũng vậy, muốn viết đúng, viết hay thì phải đọc, phải nghiên cứu kỹ càng và phải đi đến tận nơi để gom nhặt từng chút hương thơm trong bạt ngàn hương hoa của núi rừng, tạo thành bông hoa để dâng tặng đồng bào, đồng đội. Tôi không dám ước mơ tác phẩm của mình sẽ được giải thưởng này, vinh danh khác mà chỉ mong người đọc nhớ được đôi điều về sự hy sinh của đồng đội trong sự nghiệp giữ bình yên của vùng biên cương Tổ quốc...”. Những dòng chữ này còn được ông trân trọng in ngoài bìa các cuốn sách “Bóng vàng chóp núi” và “Chuyện non thiêng biên ải” để ghi nhớ, nhắc nhở bản thân mỗi ngày và cũng cho thấy quan điểm nhất quán của ông với độc giả yêu mến mình.

Chính vì vậy, trong suốt hơn 60 năm trong nghề cầm bút, nhà văn-nhà báo Trần Hữu Tòng đã xuất bản được khoảng trên 40 cuốn sách. Các tác phẩm của ông chủ yếu viết về miền biên giới như: “Bầy cọp núi”, “Ngôi sao biên cương”, “Phiên gác trăng tà”, “Bếp lửa đêm rừng”, “Cánh rừng hai vầng trăng”, “Cột mốc lúc nửa đêm”, “Chuyện non ngàn kỳ thú”... Đặc biệt, ngay cả trong thời gian đại dịch Covid-19, ông đã tập hợp, sưu tầm, viết và in đến 3 cuốn sách, trong đó có 2 cuốn sách do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành là “Bóng vàng chóp núi”, “Chuyện non thiêng biên ải”. Ông tâm sự: “Nguồn tư liệu, suy nghĩ, tâm tưởng của tôi dành cho biên cương và những người lính Biên phòng còn rất phong phú. Bây giờ, tuy tuổi đã cao, nhưng đầu óc tôi vẫn còn minh mẫn, tôi vẫn có thể gõ bản thảo qua máy tính hoặc viết tay. Đợi đến mấy năm nữa, muốn viết cũng không thể viết được. Khi làm việc, tôi thấy mình khỏe ra, minh mẫn hơn. Và tôi thấy mình đang có một cuộc chạy đua với thời gian”.

Ngày 17/6/2023, nhà văn-nhà báo Trần Hữu Tòng đã tạm biệt cõi trần để về với “mây ngàn, gió núi” khi 86 tuổi. Dù ông đã về nơi chín suối nhưng tên tuổi và sự nghiệp báo chí, văn chương của ông vẫn sống mãi cùng đồng đội và nhân dân. Dòng suối Păng Pơi trong xanh thầm lặng vẫn chảy hiền hòa như đang soi tỏ hình bóng ông và núi rừng Leng Su Sìn vẫn như còn in dấu bước chân ông trên núi đồi biên giới hôm nào.

Trần Hoàng Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/canh-chim-khong-moi-gan-bo-voi-bien-cuong-post475350.html